Chơi đến cùng - Tình báo Mỹ trong kỷ nguyên khủng bố

Ngày đăng: 18/07/2021 - 15:07

Chơi đến cùng - Tình báo Mỹ trong kỷ nguyên khủng bố là cuốn hồi ký hấp dẫn của Tướng Michael Hayden - Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) giai đoạn 1999-2005, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giai đoạn 2006-2009, một chuyên gia trong lĩnh vực thu thập tin tình báo công nghệ. Cuốn sách chứa đựng nhiều điều lý thú, hé lộ những bí mật của Mỹ trong kỷ nguyên khủng bố, hấp dẫn và thuyết phục người đọc bởi lượng thông tin cũng như kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tình báo của Tướng Hayden.

Cùng đọc Lời mở đầu của cuốn sách để tìm hiểu: Lý do cuốn sách ra đời?

Tôi vừa mới bước ra ngoài hứng tia sáng chói lọi trong cái nóng oi ả của vùng hoang sâu lục địa Úc, càng thêm khó chịu trước ánh sáng bị che lại và màn hình số của phòng điều hành vốn không có cửa sổ mà tôi vừa từ đó chui ra. Tôi đang ở trạm Pine Gap, giữa nơi gần như cảnh vực hư vô. Khi đặt chân xuống sân bay địa phương và đi theo con đường mở tạm đến đường cao tốc chính, chào đón ta là một biển hiệu giao thông. Thị trấn gần nhất là Alice Springs, nằm cách đó hơn 10 km một chút về phía tay phải. Rẽ trái và cảnh vật quan trọng tiếp theo, gò đá Ayers Rock (Uluru) mang dáng vẻ thần bí và có ý nghĩa linh thiêng với người địa phương, nằm cách đó 450km.

Lúc chúng tôi lấy tay che cho nắng khỏi chiếu vào mắt, tôi quay về phía người đồng nhiệm người Úc và hỏi đã bao giờ ông ấy từng muốn giải thích với người dân nước mình, và nhất là với những người chỉ trích mình, về ý nghĩa tốt đẹp của công việc mà chúng tôi vừa mới chứng kiến bên trong cơ sở này. Thực ra tôi đã nói thứ gì đó đại loại như “Ông có muốn là mình có thể nói với người dân chính xác những gì chúng ta làm không?” Ông ấy lập tức trả lời là có.

Những người chỉ trích, giới quan sát và người dân thường vốn dĩ không hiểu biết nhiều về công tác tình báo như mức họ muốn biết hoặc cần biết. Một trong những mục tiêu của cuốn sách này là giúp giải quyết vấn đề đó.

Được thôi. Tuy không thể tiến vào nơi hoang sâu ở lục địa Úc, song chúng tôi có thể tiếp cận nơi hoạt động bí mật không ai biết tới. Những trang sách này là nỗ lực cao nhất của tôi nhằm mang đến cho người dân Mỹ sự hiểu biết về những gì các cơ quan tình báo nước mình đang làm thay mặt cho họ. Dẫu vậy, chẳng có huyền thoại Jack Bauers hay Jason Bournes** nào ở đây cả. Chỉ có những người Mỹ siêng năng và tận tụy mà mồ hôi, công sức của họ xứng đáng được ghi nhận, hàm ơn song thậm chí đôi khi đã bị đưa ra bình luận. Đây là một hồi ký, vậy nên tôi phải kể câu chuyện theo sự nhìn nhận của mình, song cũng hy vọng những người tôi kể ở đây cũng sẽ nhận ra đó câu chuyện của họ.

Đương nhiên cũng có những yếu tố hạn chế. Quy định nhân loại thông tin và những yêu cầu đại loại như vậy. Thẳng thừng mà nói, có quá nhiều yêu cầu hạn chế và điều đó làm tổn thương cộng đồng dân chúng mà tôi phụng sự và vẫn còn yêu mến, cũng như tổn thương nền cộng hòa mà cộng đồng dân chúng đó phụng sự. Nhưng tôi cũng đặt câu chuyện ở giới hạn của sự cẩn trọng và luật pháp (cũng như Ban Kiểm duyệt xuất bản phẩm - PRB của CIA) cho phép.

Ngay cả khi có những thời điểm làm việc như giảng viên cho ROTC (Chương trình Đào tạo sĩ quan dự bị) và một vài quãng thời gian làm về nghiên cứu chính sách, song để miêu tả một cách đúng đắn nhất về tôi như là một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp: đọc hình ảnh vệ tinh trong vai trò là một trung úy tại trụ sở chính của Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC); hỗ trợ cho các chiến dịch B52 ở Đông Nam Á từ cơ sở Guam; phụ trách mảng tình báo của một đơn vị tiêm kích chiến thuật tại Triều Tiên; một người thu thập thông tin tình báo công khai trong vai trò là tùy viên không quân tại Bungari thời Đảng Cộng sản lãnh đạo; phụ trách bộ phận thông tin tình báo cho quân đội Mỹ tại châu Âu trong Chiến tranh Balkan; chỉ huy trưởng đơn vị tình báo của không lực Mỹ đóng tại Texas.

Tôi có hứng thú với từng phút giây làm những công việc này, nhưng cuốn sách này không nói nhiều về những phút giây đó mà tập trung nhiều hơn vào mười năm cuối trong sự nghiệp phụng sự chính phủ của tôi, thập kỷ mà, ở cấp quốc gia, tôi đã đảm nhận các chức vụ Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (DIR-NSA); Phó Giám đốc Thường trực Tình báo quốc gia (PPD-NI) và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (D-CIA).

Có rất nhiều vấn đề chính sách và vấn đề quốc tế những năm đó (1999-2009) và đa phần trong số đó đụng chạm và bị đụng chạm bởi hoạt động tình báo. Nhiều vấn đề được kể lại ở đây dựa theo quan điểm mà tôi có khi ở những cương vị đó. Nội dung kể lại phản ánh mối quan hệ luôn quan trọng, nhưng đôi khi là tế nhị, giữa bên tình báo và giới lập sách mà tình báo phục vụ. Cũng có một phần nội dung vừa phải về mối quan hệ thậm chí còn tế nhị hơn với bộ phận giám sát của Quốc hội.

Có một hoặc ba chương cũng nói về bộ máy quan chức chính quyền. Sau cùng, ngân sách của những cơ quan mà tôi phụ trách được đo bằng con số hàng tỷ đô la, với quân số nhân sự là hàng chục nghìn người, còn phạm vi hiện diện là toàn cầu. Những quyết định về tổ chức, ngân sách và nhân sự có ý nghĩa quan trọng, không phải do những yếu tố quyền năng nội tại của bộ máy này, mà với ý nghĩa thúc đẩy hiệu năng hoạt động và sự thành công của nhiệm vụ. Đưa cả một khối kết cấu đi đúng hướng là mục tiêu theo đuổi của tình báo Mỹ trong hơn một thập kỷ qua.

Bất kỳ ai đang điều hành một tổ chức lớn đều sẽ hiểu những công cụ mà giám đốc điều hành, một tư lệnh hay một giám đốc có trong tay bị hạn chế như thế nào. Người đó có thể làm dịch chuyển tiền tệ (hoặc kiếm nhiều tiền hơn), làm dịch chuyển các khung hộp trên một biểu đồ tổ chức, thay thế nhân sự, hô hào vận động và truyền cảm hứng. Đó là toàn bộ hộp công cụ. Tôi luôn cảm thấy khó khăn trong việc đọc hết một cuốn sách về quản lý hay lãnh đạo, vậy nhưng tôi không ngần ngại trình bày những kinh nghiệm của mình ở đây.

Rồi có cả một mớ chủ đề ma quỷ - nào là hoạt động gián điệp, điệp vụ mật và những thứ tương tự. Có rất nhiều câu chuyện mà cần phải kể thêm về chúng thì bây giờ cũng không được phép. Rất nhiều trong số mớ câu chuyện ma quỷ liên quan đến hoạt động khủng bố, nhưng vì NSA và CIA có trách nhiệm toàn cầu, nên những chủ đề khác cũng sẽ được nêu ở đây.

Kể chuyện chủ yếu theo thứ tự thời gian, bắt đầu bằng những sự việc tại NSA và tiếp diễn qua Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI) và CIA. Dẫu vậy, khi đã chú tâm nói kỹ về một chủ đề, đôi lúc tôi cũng phải kể tới và lật lại. Chẳng hạn, chương nói về mạng máy tính cố nhiên bắt đầu trong thời gian tôi làm việc tại NSA, nhưng để kể câu chuyện một cách xác đáng thì tôi phải bắt đầu bằng quãng thời gian ở Texas vào thập niên 1990 và kể tiếp qua thời gian tôi làm việc tại CIA và sau đó. Cũng có một số mẩu chuyện liên quan đến các vụ giam giữ và thẩm vấn.

Vì đây là một hồi ký, nội dung trọng tâm là về quá khứ và điều này đòi hỏi sẽ phải nói nhiều về những chủ đề như điều chuyển nghi phạm, thẩm vấn, cũng như chương trình “giám sát quốc nội” được đặt tên gây hiểu lầm trầm trọng. Nhưng trong cuốn sách này, tôi ấn tượng trước mức độ trải nghiệm của chính mình đã đẩy tôi về phía tương lai, về phía những lĩnh vực như mạng máy tính và những thách thức của nó, một lĩnh vực của sự xung đột và hợp tác mà tầm quan trọng của nó dường như tăng lên theo từng giờ đồng hồ.

Và, điều có thể còn quan trọng hơn nữa, tôi bị kéo vào thách thức của mối quan hệ lâu dài giữa hoạt động gián điệp của Mỹ và người dân Mỹ trong một kỷ nguyên mà lòng tin vào chính quyền đang ngày một co ngót, trong khi các mối đe dọa toàn cầu thì ngày một phình ra.

Ai đó có thể buộc tội tôi đề cao công việc của mình, nhưng tôi tin tưởng rằng, dù còn có nhiều thiếu sót, song chúng tôi thực sự giỏi trong vai trò gián điệp này. Chúng tôi cần duy trì vai trò đó Thế giới này chẳng hề an toàn hơn và hoạt động gián điệp vẫn là phòng tuyến đầu tiên của chúng ta.

Độ khó của thách thức đó ngày một tăng đã góp phần cho sự ra đời tên sách Chơi đến cùng (Playing to the Edge). Hàm ý là sử dụng mọi công cụ và mọi thẩm quyền ta có được, kiểu như cách mà một vận động viên điền kinh giỏi tận dụng toàn bộ phần sân vận động tiến đến sát vạch giới hạn hai bên đường và vạch kết thúc vòng chạy.

Trong hoạt động gián điệp, việc đó thường gây nhiều tranh cãi và tôi sợ rằng chúng tôi sẽ không đủ khả năng làm công việc đó trong tương lai nếu công chúng của chúng ta không được trang bị những hiểu biết sâu hơn về tình báo Mỹ là gì và công việc của họ là gì và nếu chúng ta không làm điều mà tôi đã gợi ý cho vị đồng nhiệm người Ôxtrâylia vào cái buổi chiều nắng nôi đó. Vậy nên tôi quyết tâm kể ra câu chuyện này, câu chuyện đã nhận được sự đồng tình của hàng nghìn đồng sự mà tôi đã có dịp cộng tác.

Tóm lại, được là một phần của công việc cao quý đó, tôi thấy vô cùng may mắn trong đời. 

 

Bình luận