Vào nửa đầu thế kỷ XX, người Việt Nam sống được tới tuổi 50 đã trở thành “lão nhiêu”, 60 tuổi đã trở thành “lão bạng”, được gia đình, dòng họ và cộng đồng tổ chức khao lão. Từ nửa sau thế kỷ XX, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng lên nhưng sống tới 70 là một sự hiếm có “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Ngày nay, người Việt Nam sống tới 75 tuổi là chuyện bình thường bởi điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng khá hơn, chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn... vì thế tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng.
Qua thực tiễn cuộc sống, người cao tuổi luôn đóng vai trò là kho tàng của những tri thức, kinh nghiệm mà không phải sách vở nào cũng có. Để giúp người cao tuổi được sống khỏe mạnh, sống thọ và ngày càng biết thêm nhiều tri thức để chăm sóc sức khỏe cho mình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Nhà xuất bản Bách Khoa - Hà Nội xuất bản cuốn sách Cẩm nang chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở cơ sở, của TS. Nguyễn Thế Huệ (Viện Nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam) trong khuôn khổ đề án sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn năm 2012.
Cẩm nang này được hoàn thành dựa trên nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tài liệu tham khảo kết hợp với những kinh nghiệm thực tế. Đọc Cẩm nang này, người cao tuổi sẽ có thêm hiểu biết về những thay đổi về tâm, sinh lý của tuổi già, những bệnh tật thường gặp và cách phòng tránh; chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi và luyện tập của người cao tuổi… qua đó rút ra nhiều điều bổ ích cho bản thân mình.