Hệ thống chính trị là tổng thể các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của một quốc gia, được luật pháp thừa nhận, có chức năng thực hiện (hoặc tham gia thực hiện) quyền lực chính trị, trước hết là quyền lực nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của xã hội. Hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Bộ máy tổ chức được xây dựng từ cấp trung ương đến cơ sở; vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và không ngừng hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức trong hệ thống chính trị có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau.
Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao công tác đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã có nhiều chuyển biến quan trọng, đạt được nhiều kết quả to lớn.
Cuốn sách Thường thức về các tổ chức trong hệ thống chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn, cung cấp những kiến thức và hiểu biết cơ bản về hệ thống chính trị Việt Nam. Bên cạnh việc giới thiệu những vấn đề chung nhất của hệ thống chính trị nước ta như: những đặc trưng cơ bản, cơ chế vận hành, hệ thống chính trị cơ sở...; cuốn sách tập trung nêu những vấn đề xung quanh sự hình thành và phát triển của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.