Cục diện thế giới đến 2020

Cục diện thế giới đến 2020
Tác giả:
Số trang: 0 trang
Giá tiền: Sách không bán
Xuất bản:
  • Thông tin sách
  • Bình luận
  • Biết mình, biết người, biết thời thế là một nguyên tắc luôn luôn đúng để đạt được thành công, dù đối với sự phát triển của cá nhân hay một quốc gia. Trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, biết thời thế, ở một góc độ nhất định xét về mặt chính trị, là biết và hiểu rõ tình hình mọi mặt của thế giới, của khu vực; hiểu rõ tương quan lực lượng trên trường quốc tế, những xu thế lớn trên thế giới và mối quan hệ qua lại giữa các quốc gia. Hoặc có thể định nghĩa một cách khác, đó là hiểu rõ về cục diện thế giới.

    Cục diện thế giới, hiểu một cách chung nhất, là tình hình mọi mặt của thế giới trong một khoảng thời gian nhất định; là bức tranh toàn cảnh, phản ánh tương quan lực lượng và quan hệ giữa các chủ thể chính của quan hệ quốc tế, trước hết là các cường quốc, các trung tâm quyền lực lớn trong một phạm vi không gian và ở một khung thời gian nhất định, bao quát tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, quân sự đến văn hóa, tôn giáo…

    Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của thế giới từ thế kỷ XX tới nay, có thể nhận thấy rằng, mọi sự vận động của đời sống và quan hệ quốc tế đều có thể tác động tới sự hình thành và thay đổi cục diện thế giới, và ngược lại, mọi sự biến đổi dù lớn hay nhỏ của cục diện thế giới đều tác động trực tiếp đến các mối quan hệ quốc tế, từ đó làm thay đổi tư duy phát triển, dẫn đến việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia. Như vậy đủ thấy rằng, việc nghiên cứu cục diện thế giới, cục diện khu vực mang tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

    Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh… của thế giới biến động hằng ngày, tương đương với nó, cục diện thế giới cũng đổi thay không ngừng. Cuộc chạy đua về khoa học công nghệ với sự gia tăng của các phát minh, sáng chế khoa học công nghệ và tốc độ ứng dụng chúng trong sản xuất và sinh hoạt của con người; quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ được nhận định là một hiện tượng ngày càng phổ biến, một tiến trình không thể đảo ngược; trào lưu dân chủ hóa đời sống quốc tế, sự hợp tác ngày càng có hiệu quả của các tổ chức khu vực và liên khu vực; sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn; sự đổi mới tư duy về phát triển, chuyển từ tăng trưởng sang phát triển và phát triển bền vững; v.v.. là những nhân tố chính dẫn đến sự dịch chuyển tương quan sức mạnh toàn cầu.

    Rất nhiều dự đoán cũng như những kịch bản về tương lai của cục diện thế giới đến năm 2020 đã được đưa ra, chủ yếu xoay quanh 3 kịch bản: thế giới đơn cực, thế giới đa cực, và thế giới lưỡng cực. Tuy nhiên, đa số dự báo của các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đều cho rằng, những năm tới sẽ là thời kỳ quá độ chuyển dịch từ trật tự mang nhiều nét đơn cực hiện nay sang một trật tự mới trong đó tính đa cực sẽ tăng lên, tuy nhiên, tính đa cực sẽ khác nhau trong từng lĩnh vực và ở từng khu vực, đồng thời quan hệ giữa các cực cũng linh hoạt theo vấn đề và theo thời điểm.

    Về tương quan sức mạnh toàn cầu, nhìn tổng thể, hầu hết các đánh giá đều cho rằng đến năm 2020 Mỹ vẫn giữ được vị trí vượt trội về sức mạnh so với các cường quốc khác, bởi hiện nay Mỹ vẫn đang dẫn trước các nước khác một khoảng cách lớn về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ và có một nền tảng khá vững chắc để duy trì vị trí dẫn đầu về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, dù sẽ có ảnh hưởng lớn nhất trong hệ thống quốc tế trong vòng 15-20 năm tới nhưng vị trí, quyền lực của Mỹ sẽ suy giảm tương đối so với nhiều thập kỷ qua; song song với đó là sự gia tăng sức mạnh của các cường quốc, các trung tâm quyền lực khác. Trong xu thế này, đáng chú ý nhất là ba sự trỗi dậy từ nay đến 2020: Thứ nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ - hai cường quốc châu Á. Nếu như Trung Quốc hiện là một “động lực tăng trưởng” quan trọng của kinh tế khu vực và thế giới, có ảnh hưởng lớn tới trật tự kinh tế thế giới (dự đoán quốc gia này sẽ sớm vượt Mỹ trở thành nước sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 17% sản lượng của toàn thế giới vào năm 2011) cũng như sự lớn mạnh không ngừng về tiềm lực quân sự; thì Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế sản xuất phần mềm vi tính lớn nhất thế giới vào năm 2015, ngoài ra, Ấn Độ còn là một cường quốc quân sự có công nghệ tên lửa hạt nhân chiến thuật và công nghệ vệ tinh hiện đại, lực lượng hải quân mạnh. Bên cạnh hai quốc gia trên, Nhật Bản cũng là một sự trỗi dậy đáng chú ý khi nền kinh tế đang từng bước phục hồi và tăng trưởng ổn định, được dự đoán sẽ tiếp tục là một trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới trong 10 đến 15 năm tới. Thứ hai là sự tái khẳng định vai trò của Liên minh châu Âu (EU). EU có sức mạnh kinh tế và khả năng cạnh tranh ngang hàng với Mỹ, trong khi nhiều khả năng thể chế này sẽ tiếp tục quá trình nhất thể hóa và mở rộng số lượng quốc gia thành viên từ 27 hiện nay lên hơn 30. Thứ ba là sự trở lại của nước Nga hùng mạnh hơn. Cho dù về kinh tế, Nga chỉ đứng thứ 10 thế giới, song hiện tại vẫn là cường quốc quân sự, có kho vũ khí hạt nhân chiến lược chỉ sau Mỹ, là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, có lực lượng quân sự và vũ khí chiến lược mạnh và có thể sẽ vẫn là quốc gia duy nhất có thể hủy diệt Mỹ vào năm 2020.

    Về mối quan hệ giữa các trung tâm quyền lực lớn, thì hòa bình hợp tác được dự đoán sẽ vẫn là xu thế chủ đạo, do sự tính toán các mục tiêu, ưu tiên trong chính sách đối nội, đối ngoại của các quốc gia; sự so sánh ưu thế cũng như những vấn đề mà các nước đang phải đối mặt; mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, các trung tâm quyền lực; hay sự tìm kiếm vị trí, vai trò của mỗi nước trong khu vực và thế giới. Mục tiêu chiến lược của Mỹ vẫn là duy trì vị trí siêu cường số 1 thế giới, tiếp tục tìm cách đóng vai trò chi phối quan hệ quốc tế, qua đó kiềm chế các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng khác. Tuy nhiên, do bị sa lầy ở Irắc, Ápganixtan, đồng thời phải tập trung vào cứu vãn nền kinh tế đang bị khủng hoảng nên buộc Mỹ phải điều chỉnh biện pháp thực hiện mục tiêu trên, theo đó, sẽ kết hợp linh hoạt giữa sử dụng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Về thực chất, đó là thực hiện chính sách tăng cường sử dụng các biện pháp ngoại giao, giảm tính đơn phương, tăng tính đa phương, quan tâm tới việc tham khảo ý kiến các nước và xây dựng liên minh hơn. Còn Trung Quốc, khẳng định vị trí cường quốc là mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại của họ, do vậy, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định tình hình bên ngoài để tập trung vào việc vượt qua khủng hoảng kinh tế là ưu tiên cao nhất hiện nay của Trung Quốc. Ấn Độ lại đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong nền chính trị toàn cầu và khu vực tương xứng với tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ và dân số của mình thông qua chiến lược đối ngoại 3 vòng tương ứng với “ba vòng tròn đồng tâm” mà họ đã phân chia thế giới. Trong khi đó, với Nga, quan hệ với các nước SNG, châu Âu và Mỹ sẽ là những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong vòng 10 năm tới.

    Hệ thống thế giới (theo cách hiểu chung nhất, là tập hợp các thể chế toàn cầu với trung tâm là Liên hợp quốc, các cơ chế toàn cầu theo hướng chuyên ngành như IMF, WB, WTO và thể chế hợp tác khu vực và tiểu khu vực) sẽ tiếp tục biến chuyển, được củng cố, mở rộng nhưng không có thay đổi lớn. Hệ thống thế giới sẽ được cải tổ theo hướng: đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu đối phó với các thách thức toàn cầu và phù hợp với thay đổi tương quan lực lượng, lợi ích của các trung tâm quyền lực lớn; ngày càng “dân chủ” hơn, do đó sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy hợp tác và điều hòa mâu thuẫn giữa các thành viên trên mọi mặt của đời sống quốc tế. Tuy nhiên, các nước và các trung tâm quyền lực lớn vẫn nắm vai trò quan trọng và cạnh tranh ảnh hưởng với nhau, trong khi các nước nhỏ sẽ có “tiếng nói” ngày càng quan trọng hơn nhưng vẫn có thể bị thiệt thòi và bị chi phối bởi các nước lớn.

    Ở Đông Nam Á, sự phát triển của cục diện khu vực cũng bị chi phối, tác động và quyết định bởi các nhân tố chung như cục diện thế giới, ngoài ra còn bởi các nhân tố đặc trưng riêng quy định bởi các yếu tố địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thống của các nước trong khu vực, ví dụ như: vai trò của các nước lớn đối với khu vực, quá trình chuyển đổi xã hội, sự phát triển kinh tế, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên… Có thể khái quát sự phát triển của khu vực trong mấy điểm nổi bật sau:

    - Tiến trình cải cách dân chủ (bao gồm hoàn thiện cơ chế thị trường, đổi mới hệ thống pháp luật, nới rộng các quyền tự quyết của các chủ thể, quyền tự do, dân chủ của công dân) được đẩy mạnh ở tất cả các nước ASEAN trước tình trạng sa sút về kinh tế và bất ổn chính trị - xã hội leo thang. Những cải cách đó có tác động đa chiều đến sự ổn định và phát triển của khu vực, làm tăng tính cạnh tranh của khu vực, tuy nhiên, tiến trình dân chủ hóa còn đang ở trong thời kỳ “chuyển tiếp đầy mâu thuẫn và phức tạp.

    - Từ những đột phá mới trong quá trình hội nhập nội khối của ASEAN những năm gần đây, các chuyên gia phân tích đã dự báo mức độ phát triển mạnh của liên kết ở Đông Nam Á trong thời gian tới với những điểm nhấn: Cộng đồng ASEAN sẽ là trung tâm của liên kết khu vực, hợp tác kinh tế là mũi nhọn trong quá trình liên kết và hợp tác an ninh - chính trị ở Đông Nam Á cũng phát triển song song với quá trình hội nhập kinh tế.

    - Trong quan hệ giữa Đông Nam Á với các đối tác bên ngoài, ba khả năng đã được dự báo bao gồm: khả năng thứ nhất, Mỹ trở lại, trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực; khả năng thứ hai, Mỹ không quan tâm đầy đủ đến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng; khả năng thứ ba, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thúc đẩy hợp tác trong cơ chế đa phương nhằm hình thành mạng lưới quan hệ cân bằng, phong phú và sâu sắc trong đó Mỹ và Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn hơn, tuy nhiên, các cường quốc khác đều giữ những vai trò nhất định, không quốc gia nào có vị thế áp đảo.

    Tóm lại, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có nhiều biến chuyển lớn như hiện nay, dự đoán cục diện quan hệ quốc tế là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Với những thông tin cung cấp trên đây cũng như những thông tin đầy đủ hơn trong cuốn sách Cục diện thế giới đến 2020 do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc thêm một tài liệu tham khảo hữu ích, đồng thời gợi mở những suy nghĩ trong việc nghiên cứu, hoạch định chiến lược đối ngoại, chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020.

    GIAO LINH

    Sản phẩm cùng loại

    Tác giả: Jonathan Haskel và Stian Westlake; Biên dịch: Nguyễn Thanh Sơn; Hiệu đính: Phùng Đức Tường
    Giá tiền: 216.000 đ
    Tác giả: TS. Nguyễn Việt Lâm
    Giá tiền: 124.000 đ
    Tác giả: Ralph Pezzullo
    Giá tiền: 188.000 đ
    Tác giả: Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Học viện Hành chính quốc gia, Trung Quốc)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Michael H. Glantz, Robert J. Ross và Gavin G. Daugherty (Đồng tác giả)
    Giá tiền: 129.000 đ
    Tác giả: Stephen Smith và Jean de La Guérivière (Người dịch: Nguyễn Thị Tươi)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: TS. Nguyễn Ngọc Trường
    Giá tiền: 251.000 đ
    Tác giả: ThS. Lê Công Tiến - TS. Trần Huyền Trang (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: TS. Vũ Lê Thái Hoàng (Chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: PGS.TS. Đặng Cẩm Tú - GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, TS. Bùi Văn Tuấn (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ