Cuốn sách giúp các bạn trẻ không lo thất nghiệp
Với 18 chương, cuốn sách Học gì để không thất nghiệp? (Saigon Books và nhà xuất bản Thế giới ấn hành) mang đến những kỹ năng cần thiết, giúp các bạn trẻ từng bước hoàn thiện bản thân, để sẵn sàng bắt tay vào công việc ngay sau khi ra trường.
Trong những năm đôi mươi, hầu hết người trẻ đều băn khoăn nên học gì, trang bị gì để sau này có thể thành công trong cuộc sống. Đó là câu hỏi lớn mà bất kỳ bạn trẻ nào đang đứng trước ngưỡng cửa đại học, thậm chí đang học đại học phải tự hỏi mình.
Không ít bạn trẻ chọn nhầm ngành, nhầm nghề để sau đó phải mất rất nhiều thời gian định hướng lại sự phát triển của bản thân. Không ít người cảm thấy hối tiếc vì mình đã không xác định được con đường đúng đắn để đi từ ban đầu. Đây chính là lý do khiến tác giả Bill Coplin viết nên cuốn sách Học gì để không thất nghiệp?, được xem như một cuốn cẩm nang hữu ích cho các bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường.
Cuốn sách "Học gì để không thất nghiệp?" được xem như cuốn cẩm nang hữu ích, giúp các bạn trẻ hoàn thiện bản thân để sẵn sàng cho công việc sau khi ra trường.
Hai yếu tố quan trọng nhất có thể khiến việc học đại học của bạn diễn ra suôn sẻ hay không là thời gian và tiền bạc. Học đại học là một vụ đầu tư lớn với mục đích định hình tương lai của bạn, không chỉ trong sự nghiệp mà còn cả trong đời sống. Nếu không sớm nhận ra và sử dụng nguồn đầu tư đó một cách khôn ngoan, bạn sẽ tạo ra những thử thách không đáng có trong cuộc sống. Đầu tư vào đại học một cách khôn ngoan cũng sẽ mở ra những cơ hội bất ngờ cho bạn.
Những sinh viên hiểu rõ về giá trị của học phí và xem đại học như một vụ đầu tư sẽ rời khỏi giảng đường với con đường sự nghiệp xán lạn. Ngược lại, những ai coi 4 năm học đại học như một cuộc “cắm trại”, ai trả học phí cũng được, thường sẽ chật vật hơn rất nhiều sau khi ra trường. Họ cũng tốt nghiệp nhưng lại không có mục tiêu nghề nghiệp hoặc họ sẽ trở về quê, làm những công việc chỉ đủ tiền trang trải qua ngày.
Học gì để không thất nghiệp? không phải là cuốn sách sẽ tư vấn cho bạn nên chọn ngành gì trong xu thế hiện nay hay nên chọn ngành học gì để phù hợp với tính cách của bạn. Đây là cuốn sách sẽ cho bạn biết ngoài chuyên môn, bạn cần trang bị cho mình những gì để sau cùng, dù làm chuyên môn gì bạn vẫn có thể được đảm bảo một chỗ đứng trong thế giới việc làm.
Cuốn sách cho bạn biết nhà tuyển dụng sẽ cần gì ở bạn và bạn nên lưu ý phát triển những gì cho bản thân ngay trong thời đại học, thông qua những kỹ năng thiết thực như: Kỹ năng giao tiếp, Đạo đức nghề nghiệp, Sự chủ động trong công việc, Kỹ năng tương tác cá nhân, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng phân tích, Kỹ năng tin học, Kỹ năng lãnh đạo, Kỹ năng tổ chức, Tự tin…
Đó không phải là cách tính toán khối ngành kỹ thuật hay cách sử dụng ngôn từ của khối ngành xã hội, mà đó còn là việc bạn cần chú trọng rèn luyện những phẩm chất bên trong như tính chịu trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, thể chất đến những kỹ năng hữu ích như biết giải quyết vấn đề, biết sử dụng các phần mềm phổ biến, biết cách tìm kiếm thông tin.
Học gì để không thất nghiệp? sẽ thuyết phục bạn và chứng minh cho bạn thấy những điều đó lại cực kỳ quan trọng để đảm bảo rằng bạn sẽ không thất nghiệp trong tương lai.
BT: Nguyễn Chắt
(nguồn: sggp.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”