Đại văn hào Lev Tolstoy và nghệ thuật tiểu thuyết
“Lev Tolstoy chẳng bao giờ già cỗi cả. Ông là một trong những thiên tài, mà khác nào dòng nước nuôi dưỡng sức sống. Nguồn nước chảy mãi không bao giờ vơi. Chúng ta sẽ còn mãi mãi đến cùng nguồn nước ấy và chúng ta cứ ngỡ như chưa một lần nào trong đời mình được uống thứ nước trong veo tinh khiết và tươi mát đến thế!” - cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Xôviết K. Fedin từng bộc lộ cảm nhận sâu sắc đầy ý nghĩa như vậy trong dịp kỷ niệm mừng sinh nhật lần thứ 140 của Lev Tolstoy (1828-1910) - đại văn hào Nga với tên tuổi và sự nghiệp lừng danh thế giới.
Suốt cuộc đời say mê lao động nghệ thuật, sáng tác không ngừng nghỉ, Lev Tolstoy đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ, giá trị, là tài sản tinh thần vô giá của nền văn học nhân loại. Trên đất nước Nga, di sản quý báu của nhà văn vẫn luôn luôn được coi trọng, được phổ biến sâu rộng đến tận các em nhỏ trong những năm tháng trên ghế nhà trường, qua bao truyện dân gian mà nhà văn từng kể cho con em nông dân. Còn đối với giới văn học nghệ thuật thì Toàn tập Lev Tolstoy - gồm 100 tập là cả một kho tàng vĩ đại.
Vậy điều gì đã khiến Lev Tolstoy được lãnh tụ V.I.Lênin nhận định là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”, hay được xem là “Viện Hàn lâm của các nhà văn” như nhà văn Aleksey Tolstoy (1883-1945) - tác giả bộ tiểu thuyết Con đường đau khổ từng khẳng định? Đó là bởi một lý do rất đơn giản: toàn bộ các sáng tác của Lev Tolstoy đều được bắt nguồn từ hiện thực xã hội và con người Nga, cùng với đó là nguồn cảm hứng vô tận thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn cao đẹp, tình yêu nhân dân và niềm tự hào về đất nước Nga trong mỗi trang văn của Lev Tolstoy. Những năm tháng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường hay khi hòa mình vào đời sống của người dân lao động, nhà văn đã tái hiện một cách chân thực, sinh động lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc trước kẻ thù xâm lược tàn bạo, đồng thời vẽ nên bức tranh hiện thực xã hội với nhiều bất công, mâu thuẫn dưới ách áp bức, bóc lột của giai cấp địa chủ, tư sản. Để từ đó, những bản anh hùng ca Chiến tranh và hòa bình, tiểu thuyết Anna Karenina, tiểu thuyết Phục sinh... ra đời và gây tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới.
Là một chuyên gia văn học Nga giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, trải qua nhiều năm tháng gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu ở Khoa Văn học - Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch có duyên nợ sâu sắc với nền văn học Nga và đại văn hào Lev Tolstoy. Và cuốn sách Đại văn hào Lev Tolstoy và nghệ thuật tiểu thuyết (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tháng 9/2022) là kết quả của bao tâm huyết, tình cảm của tác giả, như PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch chia sẻ: “Soạn thảo cuốn sách này là công trình chiếm gần trọn cuộc đời học tập, nghiên cứu và giảng dạy của tôi như một duyên nợ văn chương, mà chưa bao giờ tôi cảm thấy đầy đủ trước di sản đồ sộ mênh mông của đại văn hào Lev Tolstoy”.
Ở cuốn sách này, tác giả tập trung khảo sát thi pháp tiểu thuyết Tolstoy. Từ những nét khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của đại văn hào, tác giả phân tích, bình luận một cách tỉ mỉ, sâu sắc về nội dung một số tác phẩm tiêu biểu và nét tài hoa trong nghệ thuật tiểu thuyết Tolstoy.
Đề cập những vấn đề thời sự lớn lao của xã hội và người dân đương thời, Tolstoy đã chứng tỏ một nghệ thuật tiểu thuyết bậc thầy. Ngòi bút nhà văn đi sâu khám phá từng tính cách, số phận nhân vật với các thủ pháp đặc trưng về độc thoại nội tâm, đối thoại, tạo dựng chân dung, sử dụng các hình ảnh biểu tượng, thời gian, không gian, diễn tả tâm trạng cá nhân hòa vào mạch sống xã hội, biện chứng tâm hồn đan xen với biện chứng lịch sử. “Những bức tranh tuyệt vời về cuộc sống Nga” hiện lên muôn hình nghìn vẻ qua những áng văn chương vừa hiện thực tỉnh táo vừa trữ tình sâu sắc của đại văn hào. Quan điểm nghệ thuật, phong cách sáng tác của Tolstoy trở thành kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho rất nhiều cây viết nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Đó là những điều độc giả sẽ cảm nhận và đón nhận được qua những trang viết, phân tích đầy công phu, tâm huyết của PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch.
Những chiêm nghiệm, suy tư sâu sắc của tác giả về những vấn đề căn bản trong tư duy tiểu thuyết của thiên tài Lev Tolstoy lôi cuốn người đọc theo từng trang sách, hòa mình vào từng cốt truyện, từng nhân vật, qua đó phần nào tiếp cận thi pháp tiểu thuyết Tolstoy - một đỉnh cao vời vợi của nghệ thuật toàn nhân loại.
Đây sẽ là một tài liệu bổ ích cho những ai nghiên cứu về Lev Tolstoy, về văn học Nga, về những vấn đề tiểu thuyết trên các phương diện lịch sử, lý luận cũng như văn học so sánh và cả bạn đọc yêu thích văn chương, góp phần khẳng định và lưu giữ, truyền bá sức sống trường tồn của tác phẩm Tolstoy trong nền văn học thế giới hôm nay và mai sau.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”