Để sách hay đến với học sinh
Có sách đã là một điều khó, có sách hay đúng chuẩn lại càng khó hơn, nhưng làm sao để học sinh ham mê đọc sách, đến với sách hằng ngày thành một thói quen văn hóa lại càng khó nữa.
Sách để trong giá, trong tủ kính là sách chết. Sách chỉ có giá trị khi đến tay người đọc. Giá trị của một cuốn sách là ở trong tim người đọc.
"Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc cả thế giới sẽ mở ra cho bạn" - nguyên tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói vậy. Dưới đây là một số cách có thể thực hiện để sách đến với học sinh.
Giới thiệu sách hay hằng ngày, hằng tuần
Giới thiệu dưới cờ hằng tuần - hình thức này được sử dụng nhiều và thường do nhân viên thư viện đảm nhận. Đây là hình thức đã cũ và áp lực dồn lên cho nhân viên quá lớn, đồng thời ít được học sinh chú ý.
Cần đa dạng đối tượng giới thiệu sách với các hình thức: học sinh trong lớp giới thiệu với bạn; thầy cô giáo giới thiệu cho học sinh trong lớp thường ngày, hoặc trong trường vào ngày thứ hai; ban giám hiệu nhà trường cùng tham gia giới thiệu - cách này tạo sự bất ngờ thú vị cho học sinh và cả giáo viên.
Về cách thức giới thiệu, cần ngắn gọn, truyền cảm, gợi hứng thú, đặt câu hỏi khi giới thiệu... để gây sự chú ý của đối tượng tiếp nhận.
Xây dựng thư viện thân thiện
Đây là hình thức khá phổ biến được rất nhiều trường thực hiện và đang trở thành trào lưu hiện nay. Nhưng cần phải hiểu đúng khái niệm thư viện thân thiện - thư viện xanh.
Không chỉ là sự dịch chuyển không gian từ phòng kín ra sân trường, không phải là ở hình thức cầu kỳ bỏ sách vào trong ống nút chặt học sinh lấy mãi mới được, hay trưng bày sách thật độc: bẻ cong từng trang sách để xếp hình... những hình thức này không đúng về phương pháp sư phạm.
Sân khấu hóa
Đây là một cách thức được học sinh rất yêu thích vì gắn với hoạt động tập thể và văn nghệ, vừa rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp, sự tự tin trong cuộc sống và cũng là nơi để các em có năng khiếu văn nghệ thể hiện khả năng của mình: diễn kịch, thi kể chuyện, thi đọc diễn cảm nửa tháng hoặc một tháng một lần.
Hoặc cũng có thể thực hiện những hình thức đố vui có thưởng để kiểm tra kiến thức của học sinh sau khi đọc sách.
Đọc sách theo chủ đề
Phát động phong trào đọc sách theo chủ đề: tình bạn; tình cảm gia đình; tình yêu quê hương đất nước; tính cách: kiên trì, dũng cảm, hiếu thảo, trung thực...; bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật; cách phòng chống bệnh tật; nhân vật em yêu; thế giới cổ tích; nước bạn quanh ta... Mỗi khối sẽ có chủ đề khác nhau trong tuần hoặc tháng để tránh sự chồng chéo và thiếu sách.
Sử dụng đa dạng các loại sách
Bên cạnh sách giấy, hiện nay chúng ta có sách điện tử và sách nói. Nhưng sách điện tử không phù hợp với đối tượng học sinh cấp I vì hại mắt và điều kiện về kinh tế của chúng ta chưa cho phép. Nhưng sách nói là một trong những biện pháp hữu ích.
Sử dụng sách nói vào buổi trưa và buổi tối là lựa chọn tối ưu cho những trường bán trú và nội trú. Sẽ giải quyết được mâu thuẫn: buổi trưa hoặc tối đọc sách thì phải bật đèn, nhưng đèn sáng các em sẽ không ngủ được, chưa kể nằm cạnh nhau hay tranh giành.
Sách nói chọn giọng đọc diễn cảm, nội dung nhẹ nhàng làm học sinh dễ thấm và dễ đi vào giấc ngủ. Sách nói cũng là lựa chọn tốt cho những buổi sinh hoạt theo chủ đề. Tất cả học sinh cùng nghe một câu chuyện và trả lời câu hỏi theo hình thức đố vui có thưởng.
Huy động nguồn sách
"Sách ít quá" - câu nói này chúng tôi đã nghe ở rất nhiều nơi. Nhưng sách ít không đáng ngại vì huy động nguồn sách không khó. Đầu tiên thầy cô làm gương tặng sách để xây dựng tủ sách của lớp; xin mỗi phụ huynh một cuốn sách để xây dựng tủ sách của lớp, ghi rõ tên học sinh và phụ huynh trên cuốn sách đó, đánh vào tâm lý của phụ huynh và học sinh muốn cạnh tranh với tủ sách của lớp khác; xin bạn bè trên mạng; xin các nhà sách trong những đợt giảm giá cuối năm sách tồn kho; xin nguồn tài trợ của địa phương và của những người có thiện chí về sách và giáo dục...
BT: Kiều Trang
Theo Tuổi trẻ online
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”