Điều kỳ diệu từ Đường sách Tết
Hơn 65.000 đầu sách từ 3 nhà xuất bản trên địa bàn thành phố và 4 nhà sách cùng nhiều hoạt động triển lãm ý nghĩa - Đó là những nét nổi bật tại lễ hội Đường sách Tết Canh Tý 2020, diễn ra từ ngày 22 đến hết ngày 28/1 (28 tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết), vừa được Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh công bố trong buổi họp báo vào ngày 12/12.
Đường sách tết hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều bạn đọc trẻ
Được tổ chức lần đầu vào năm 2011, nhiều năm qua, Đường sách Tết đã trở thành địa điểm vui chơi, giải trí quen thuộc của người dân Thành phố mỗi khi tết đến xuân về. Đặc biệt, lễ hội Sách Tết Canh Tý 2020 đánh dấu cột mốc 10 năm diễn ra, hứa hẹn mang đến những màu sắc mới mẻ cho người dân Thành phố. Với chủ đề “Điều kỳ diệu từ sách”, Đường sách Tết Canh Tý 2020 tiếp tục diễn ra trên 3 tuyến đường với những chủ đề khác nhau.
Tuyến đường Mạc Thị Bưởi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) tiếp tục là khu sách dành riêng cho thiếu nhi với chủ đề “Thế giới diệu kỳ của em”. Nơi đây sẽ có các hoạt động dành cho thiếu nhi như: vẽ tranh, trải nghiệm những câu chuyện cổ tích thông qua ống nhìn đến tấm phim đặt sẵn và chuyển động khi xoay nút bên ngoài. Ngoài ra, còn có những gian hàng sách thiếu nhi trưng bày, giới thiệu những quyển sách hay nên đọc với nhiều chủ đề như: sách văn học, sách kỹ năng, sách khoa học, sách nuôi dạy bé.
Tuyến đường Ngô Đức Kế (đoạn từ đường Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) có chủ đề “Sách, cà phê và công nghệ”, được chọn là khu sách tổng hợp với nhiều thể loại khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, giới thiệu những sách hay về giáo dục, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa. Ngoài ra, nơi đây còn có khu cà phê sách để bạn đọc dừng chân nghỉ ngơi và thư giãn đọc sách.
Được chọn làm tuyến chính, đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) diễn ra nhiều hoạt động, triển lãm ý nghĩa, gắn liền với những sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng như: Triển lãm hình ảnh, tư liệu về sự hình thành và phát triển của ngành thông tin và truyền thông thành phố, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; triển lãm hình ảnh và tư liệu 30 năm Nhà giàn DK1 “Thành đồng trên biển”; triển lãm báo xuân với sự tham gia của hơn 100 cơ quan báo chí Thành phố và Trung ương.
Đặc biệt, điểm nhấn của Đường sách Tết Canh Tý năm nay chính là triển lãm “Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc (1930 - 1975)” do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ tổ chức. Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 300 tài liệu và hình ảnh về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, hình ảnh trưng bày gồm nguồn tài liệu được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia Việt Nam, Lưu trữ Pháp, Thông tấn xã Việt Nam và các nguồn tài liệu được sưu tầm từ các cơ quan Đảng bộ, các bảo tàng…, trong đó có một số tài liệu lần đầu được công bố rộng rãi đến công chúng.
“Đây là năm thứ 3 Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước phối hợp để đưa tài liệu quốc gia ra triển lãm phục vụ quần chúng nhân dân. Cuộc triển lãm tới đây tại Đường sách Tết Canh Tý 2020 sẽ tái hiện một cách chân thực, sinh động và khách quan; qua đó cung cấp những cứ liệu giúp người dân Thành phố cũng như du khách quốc tế, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, về những hy sinh mất mát, đóng góp của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, để tự hào về tiền đồ mà ông cha ta đã tốn bao nhiêu xương máu mới có thể giành lại được. Từ đó hun đúc lòng yêu nước, cùng nhau đoàn kết để xây dựng một xã hội phát triển cho hôm nay và cho mai sau”, ông Đặng Thanh Tùng cho biết.
Theo Ban Tổ chức, Đường sách Tết Canh Tý 2020 quy tụ hơn 65.000 đầu sách từ 3 nhà xuất bản trên địa bàn Thành phố, gồm: Nhà xuất bản Tổng hợp, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ và Nhà xuất bản Trẻ cùng 4 nhà sách: Fahasa, Phương Nam, Phan Thị và Thái Hà.
Trưng bày nhiều tập thơ quý
Từ ngày 13 đến ngày 15/12, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra triển lãm với chủ đề “Nàng thơ thuở ấy” do Quán sách Mùa thu tổ chức. Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm thơ vang bóng một thời: Lửa thiêng (Huy Cận) xuất bản lần đầu năm 1940; Thơ thơ (Xuân Diệu) xuất bản lần đầu năm 1938; Điêu tàn (Chế Lan Viên) xuất bản lần đầu năm 1938 với thủ bút và chữ ký của tác giả. Đặc biệt là tập thơ Quê ngoại của Hồ Dzếnh, xuất bản lần đầu năm 1943 là một trong những ấn phẩm hiếm hoi còn sót lại cùng với các tập thơ của các nhà thơ như: Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư…
Theo sggp.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên