Dinh độc lập - Lịch sử và biến động
Với những ai yêu thích tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và văn hóa đất nước, đây thực sự là một tài liệu đáng đọc, rất cuốn hút. Đúng như những lời đầu tiên Nhà xuất bản gửi gắm đến độc giả, đây có lẽ là cuốn sách đầu tiên tái hiện khá đầy đủ và toàn diện lịch sử 150 năm từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập.
Nếu như Dinh Norodom là một công trình mang tính biểu tượng cho quyền lực của chính quyền Pháp tại Nam Kỳ, với ý tưởng thiết kế “phải huy hoàng và tráng lệ, xứng đáng là “một dinh thự mà những đô thị kiêu hãnh nhất thế giới đều có lý do để vinh dự”... hoàn toàn khác biệt với lối kiến trúc cổ truyền Á Đông của người Việt Nam”, và như Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã miêu tả: “Dinh Toàn quyền rộng lớn, nguy nga, mặt tiền thoáng đãng ngay giữa một công viên được quy hoạch không chê vào đâu được. Phòng ốc và không gian bên trong Dinh rộng rãi và tiện nghi. Phòng khánh tiết, salon, tiền sảnh, cầu thang, hành lang, phòng ở, phòng làm việc đều thông thoáng, trang nhã và có gu, phù hợp với môi trường khí hậu mà sự sống ở đó cần rất nhiều không gian và khí trời”.Thì Dinh Độc Lập - công trình kiến trúc thay thế cho Dinh Norodom sau gần 100 năm tồn tại - là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí đấu tranh bền bỉ, quyết liệt và thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam, bảo tàng sống động và trung thực lưu dấu chứng tích cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dinh Độc Lập là một dinh thự có phong cách kiến trúc hiện đại kết hợp hài hòa với nét dáng Đông phương; bố cục toàn ngôi nhà và sân vườn như “những tác phẩm nghệ thuật”, vừa tiếp cận được các yếu tố khoa học kỹ thuật tiên tiến vừa chứa đựng triết lý cổ truyền sâu sắc, và đặc biệt là sản phẩm lao động sáng tạo của người Việt, do chính người Việt thiết kế và thi công.
Bên cạnh việc tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của Dinh - từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập, qua đó làm rõ quá trình xây dựng cũng như đặc trưng kiến trúc của Dinh qua từng giai đoạn lịch sử, cuốn sách Dinh Độc Lập - Lịch sử và biến động do Đại tá, PGS.TS. Hồ Sơn Đài chủ biên, còn làm rõ cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức đóng tại Dinh như: Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Cao ủy Pháp tại Đông Dương, Phủ Tổng ủy Pháp tại Đông Dương, Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa, Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa, Trụ sở quân đội Nhật tại Đông Dương, Trụ sở Ủy ban Lãnh đạo quốc gia và Ủy ban Hành pháp Trung ương, Trụ sở Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Hội trường Thống Nhất, từ đó làm rõ tác động của các cơ quan này đến tiến trình lịch sử Việt Nam cận - hiện đại.
Năm 2009, với ý nghĩa văn hóa, giá trị lịch sử đặc biệt, nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn, trực tiếp tác động đến tiến trình lịch sử nước nhà cùng với sự hoàn mỹ và hoành tráng trong kiến trúc, Dinh Độc Lập đã được Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Dinh Độc Lập là nơi tổ chức các sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước và khu vực, đồng thời là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới tham quan giải trí và nghiên cứu về bảo tàng chứa đựng nhiều bí ẩn của lịch sử này.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”