Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa Xuân cách mạng

Ngày đăng: 10/10/2023 - 17:10

Vào dịp lễ trọng đại của đất nước gần tám thập kỷ qua, bài hát “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh lại vang lên tràn đầy khí thế mùa Thu cách mạng. Đó là khúc hoan ca, là tiếng lòng của toàn dân tộc hướng về một thời điểm thiêng liêng của lịch sử dân tộc.

Từ trước tới nay, khi nói đến Xuân Oanh, người ta thường nhớ đến ông với vai trò là nhạc sĩ, tác giả của ca khúc “Mười chín Tháng Tám”, ca khúc nổi tiếng cùng lịch sử hào hùng của dân tộc. Ông là một trong những thành viên lớp đầu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với nhiều tác phẩm để đời trong nhiều giai đoạn cách mạng, từ những nhạc phẩm trên báo Cứu Quốc ở Việt Bắc cho đến những hợp xướng trên sân khấu nước ngoài. Nhưng Xuân Oanh không chỉ là một nhạc sĩ. Trong cuộc đời 87 năm của mình, ông đã đảm nhận nhiều chức trách, làm nhiều công việc, với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, cuộc đời của ông còn có nhiều điều thú vị và để lại nhiều dấu ấn đặc sắc.

Cuốn sách Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa Xuân cách mạng 

Cuốn sách Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa Xuân cách mạng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Xuân Oanh, gồm 20 bài viết của nhiều tác giả, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà thơ, nhà báo trong nước và quốc tế về Xuân Oanh, trong đó gồm cả một số bài viết của chính ông. Nội dung cuốn sách góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều về người nghệ sĩ toàn tài, người chiến sĩ cách mạng lão thành sắt son của Việt Nam từ những góc độ khác nhau: nhà đối ngoại nhân dân, người nghệ sĩ tài ba…

Cuốn sách mở đầu với bài viết được lấy làm tiêu đề chung của cuốn sách Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa Xuân cách mạng. Phần thứ hai: Xuân Oanh - Nhà đối ngoại nhân dân xuất sắc. Phần thứ ba: Xuân Oanh - Người nghệ sĩ tài ba. Phần thứ tư: Mùa Xuân còn mãi và Phần kết: Một số tác phẩm văn học nghệ thuật của Xuân Oanh.

Từ nhiều góc độ khác nhau, các bài viết trong mỗi phần của cuốn sách là những nét phác họa đa dạng, nhiều chiều về Xuân Oanh và cũng chính từ những trang viết ấy đã mang đến cho độc giả những hiểu biết sâu sắc hơn và cả những điều chưa biết về Xuân Oanh.

Với những người làm công tác đối ngoại, khi cầm trên tay cuốn sách này, khi đọc các bài viết “Đạo lý ngoại giao của Bác Hồ” và “Học làm báo, làm ngoại giao từ người thầy Xuân Thủy”… do chính tác giả viết, chia sẻ về triết lý, quan điểm, đường lối ngoại giao cởi mở, khéo léo, sáng tạo, sẽ tìm thấy được nhiều giá trị tư liệu và kinh nghiệm vô cùng lớn.

Ngoài các bài viết của chính Xuân Oanh, còn có bài viết của các tác giả như Thomas Wilber, Tom Hayden, Judy Gumbo, Nguyễn Văn Huỳnh, Trần Minh Quốc, Hồng Đăng, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thị Hồng, Đoàn Ngọc Thu, Bích Ngân…Đó là những bài viết về nhà ngoại giao nhân dân Xuân Oanh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu chuyện về Hà Nội năm 1965 và còn có cả những hồi ức về nhà ngoại giao Xuân Oanh cùng mối tình vì hòa bình, về gia tài âm nhạc của người nghệ sĩ… Cùng với đó là hồi ức của những người thân trong gia đình như con trai ông - nhà báo Đỗ Lê Châu, cháu ngoại, v.v..

Đặc biệt, ở Phần kết của cuốn sách, độc giả được tiếp cận những bản nhạc - có bản gốc, có bản in lần đầu cách đây gần 8 thập kỷ của nhạc sĩ Xuân Oanh, tiêu biểu là các ca khúc: Mười chín tháng Tám, Quê hương anh Bộ đội, Bài ca Hồ Chí Minh, Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt… và cũng trong cuốn sách này, bạn đọc có thể tiếp cận một nghệ sĩ Xuân Oanh của “làng” hội họa với loạt các bức tranh chủ yếu là sơn dầu được ông vẽ trong nhiều thời kỳ.

Được biên soạn một cách công phu, kỹ lưỡng, cẩn trọng với tình yêu và sự thành kính của các tác giả đối với Xuân Oanh, cuốn sách là món quà có ý nghĩa tri ân về một con người bình dị, khiêm tốn, mà gia đình cố nhạc sĩ dành tặng cho độc giả.

Bình luận