Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
Một Sa Pa quyến rũ, một Sa Pa hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ yên bình giữa ngút ngàn xanh thắm của rừng già, của những nếp ruộng bậc thang, của bồng bềnh mây trắng và những phong tục, tập quán bản địa vẫn đang nồng nàn chảy trong đời sống các dân tộc nơi đây, tất cả những điều ấy bạn đọc sẽ cảm nhận được khi đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng”.
Cuốn sách “Sa Pa giữa trời mây trắng” của hai tác giả Nguyễn Thái Bình - Phạm Hoàng Hải, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành
Ngay từ những trang viết đầu, trong Lời giới thiệu, ThS. Nguyễn Thái Bình, một trong hai tác giả của cuốn sách đã viết: “Nếu còn đang ở nơi xa, bạn sẽ muốn tìm đến Sa Pa vào một ngày gần nhất, nếu đang ở Sa Pa bạn sẽ muốn lưu lại lâu hơn và nếu đã tới Sa Pa rồi, bạn sẽ muốn sớm có ngày quay trở lại”. Điều gì đã làm nên sức cuốn hút kỳ lạ như vậy ở Sa Pa? Phải chăng là do cuộc sống và thiên nhiên nơi đây vốn đã tuyệt đẹp, là mạch nguồn nuôi dưỡng cảm hứng bất tận cho các sáng tác nghệ thuật, nhưng có lẽ cũng bởi các tác giả cuốn sách này sẽ dẫn bạn đọc “vào thế giới tuyệt diệu của Sa Pa” với những câu chuyện, những trải nghiệm của bản thân họ, để rồi thị xã mờ sương một lần nữa lại hiện lên, trải ra đầy cảm xúc, tinh túy, ngọt ngào qua những ngôn từ, câu văn giàu biểu cảm.
Theo chân người kể chuyện - các tác giả của cuốn sách, bạn đọc sẽ được lên núi cao, xuống thung sâu, đi thăm thú những thửa ruộng bậc thang, vườn tược tươi tốt, hoa trái thơm ngọt, vào từng bản làng, đến từng phiên chợ, lễ hội để tận hưởng những cảm giác thật đặc biệt, được đắm chìm vào cảnh sắc nên thơ, thiên nhiên tươi đẹp, được thưởng thức những sản vật núi rừng nơi đây, và được gặp gỡ những con người Sa Pa hồn hậu đến ngỡ ngàng.
Điều gì sẽ khiến người ta nhớ tới đầu tiên khi nhắc đến Sa Pa, có thể nhiều người sẽ nghĩ tới cảnh tuyết rơi phủ trắng những ngọn cây, những nóc nhà cũ kỹ, có người thì nghĩ tới hình ảnh cánh rừng thông nhấp nhô hòa cùng biển mây, tới những giò phong lan rừng bày bán dọc lối lên Sa Pa hoặc trong những vườn lan lớn trên núi Hàm Rồng, hay hình ảnh những em bé dân tộc Mông trong trang phục thổ cẩm mang theo bao món trang sức bằng bạc mời chào du khách trước bậc thềm nhà thờ đá Sa Pa, nhưng đọc cuốn sách này, hầu hết chúng ta sẽ đều phải đồng tình rằng, có lẽ thứ gây thương nhớ nhất đối với mỗi du khách khi rời khỏi Sa Pa lại chính là mây, một “của báu trời ban” cho Sa Pa như cách gọi của hai tác giả. Tả mây, có đoạn trong sách viết: “…những dải mây lớn trắng như bông cuộn chặt lại như bó sợi khổng lồ vắt ngang sườn núi. Từ trung tâm thị xã nhìn sang tưởng chừng như người dân ở những sườn núi đó có thể gác những chiếc sào tre để trèo lên cái sân mây mênh mông ấy mà phơi lúa, phơi ngô được”. Chỉ vậy thôi mà có khi đã muốn được xách balo lên và đi. Mỗi tháng, mỗi mùa, mây Sa Pa đều có vẻ đẹp riêng, ngay trong một ngày, mây cũng biến ảo khôn cùng, với những vẻ đẹp mà “không một lời văn nào có thể diễn tả hết được”.
Hành trình gian nan khai sơn, phá thạch và tạo những cung đường dẫn lên “nóc nhà Đông Dương” Phanxipăng cũng được kể lại bằng những câu chuyện thú vị, những chuyến khảo sát của chuyên gia địa chất cả trong và ngoài nước, của dân bản địa và thậm chí là các văn nghệ sĩ. Cuốn sách có ghi lại cảm xúc của nhà văn Nguyễn Tuân gửi nhà văn Tô Hoài năm 1964, khi ông đặt chân lên nơi bốn bề gió lộng, sương mù từng lớp này: “Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi...”. Dần dà, quãng đường và thời gian lên Phanxipăng đã dần được rút ngắn lại, từ vài ngày đêm như Nguyễn Tuân đã đi thì nay sẽ chỉ tốn 30 phút để chúng ta chinh phục được đỉnh núi cao nhất ở Đông Dương nếu sử dụng tuyến cáp treo hiện đại. Dù vậy, nhưng “thứ cảm xúc vượt lên được tất cả, vượt qua cả chính mình để lên đến đỉnh trời, ngắm nhìn biển mây lô xô chạy vẫn như một loại rượu mạnh đã được ủ lâu năm, dễ nghiện, dễ say và dễ gây thương nhớ” chắc chắn vẫn còn nguyên vẹn như khi vượt núi băng rừng bằng chính đôi chân của mình.
Là vùng đất sở hữu nền văn hóa bản địa độc đáo, Sa Pa tạo nên sức hút riêng biệt bởi nhiều nét riêng biệt, và không thể không nhắc đến những bản làng cổ kính, “đẹp quên lối về” nhưng vẫn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc. Một trong số đó đã được các tác giả giới thiệu trong cuốn sách - bản Cát Cát. Được xem là bản làng đẹp nhất của vùng núi rừng Tây Bắc, Cát Cát là nơi vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của người Mông, với những ngôi “nhà trình tường” độc đáo, những phong tục tập quán, nghi lễ mang đậm sắc màu văn hóa bản địa, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với những cánh đồng hoa ngút ngàn rực rỡ sắc màu, những chiếc cầu tre, cọn nước… dường như chỉ có trong chuyện cổ tích.
Một điều cũng rất đặc biệt, đó là bạn đọc hoàn toàn có thể chọn bất cứ trang nào, bài nào trong cuốn sách này để bắt đầu, không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối. Mặc dù vậy, các tác giả cuốn sách tin rằng, “sau khi đọc một bài, các bạn sẽ muốn đọc tiếp một bài khác nữa và càng đọc các bạn sẽ càng thấy Sa Pa đẹp hơn”. Gấp cuốn sách lại, chắc chắn trong lòng người đọc vẫn sẽ còn đọng lại nhiều cảm xúc và ấn tượng đặc biệt về một Sa Pa huyền ảo, thơ mộng, say đắm mà hùng vĩ đến vô cùng.
Những cuốn sách như “Sa Pa giữa trời mây trắng” thật sự rất cần, rất quý trong một thế giới hiện đại, đầy gấp gáp hối hả hôm nay, với cách chuyển tải thông tin giàu cảm xúc, dễ đọc, dễ cảm, dễ thấu nhưng cũng không hề thiếu những thông tin, tư liệu hữu ích.
***
Cuốn sách Sa Pa giữa trời mây trắng, tác giả: Nguyễn Thái Bình - Phạm Hoàng Hải, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành tháng 6/2024. Sách gồm 240 trang, khổ 12x20cm.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên