Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam (Sách chuyên khảo)
Theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong những năm tới đây để xây dựng nền kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu lên những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng nền kinh tế gắn liền với hai nội dung chính là: đổi mới sáng tạo và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực.
Cuốn sách Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam do TS. Đặng Kim Sơn làm chủ biên
Cuốn sách chuyên khảo Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam do TS. Đặng Kim Sơn làm chủ biên là kết quả nghiên cứu của đề tài KX.04.34/16-20 thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia “Nghiên cứu khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2016 – 2020”.
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương, Chương 1: Tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ sống còn, nêu lên tốc độ tăng trưởng kinh tế sau 35 năm đổi mới, những nguy cơ, thách thức trên hành trình tiến đến thịnh vượng của Việt Nam.
Chương 2: Nguồn lực và tăng trưởng kinh tế, cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam huy động vốn làm động lực chính, vai trò của TFP tăng mạnh nhưng đóng góp của khoa học – công nghệ nhỏ, lao động đóng góp ít, nguồn tài nguyên không hiệu quả. Thâm hụt giữa nhu cầu đầu tư và khả năng tích lũy, hiệu quả ODA và FDI chưa cao. Tốc độ tăng trưởng chậm, chất lượng tăng trưởng chưa tạo đủ tích lũy để chuyển sang giai đoạn phát triển nội sinh dựa trên khoa học – công nghệ… Điều chỉnh lại những khía cạnh bất cập này sẽ mở ra năng lực mới giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chương 3: Vùng, ngành và tăng trưởng kinh tế, tính toán từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm tác giả đã chỉ ra rằng, với kết cấu ngành kinh tế ở các vùng hiện nay, tiềm năng về nguồn tài nguyên và vốn chưa được huy động hiệu quả. Do đó, tác động đến sự tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành kinh tế trong mỗi vùng và từng ngành giữa các vùng chưa thể hiện rõ. Cần phải phát triển ngành kinh tế chủ đạo và đa dạng theo lợi thế của từng vùng, tạo động lực tăng trưởng mới cho hành trình vươn lên của nền kinh tế.
Chương 4: Các tác nhân kinh tế với tăng trưởng kinh tế, cho thấy trong mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại, doanh nghiệp FDI giữ vai trò bổ sung vốn, bù đắp thiếu hụt trong cán cân tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế nhưng chưa lan tỏa công nghệ và ứng dụng quản lý, chưa gắn kết và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp, cổ phần hóa chậm. Doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng còn thiếu liên kết, khả năng cạnh tranh thấp. Kinh tế hộ gia đình thích nghi cao nhưng nhỏ lẻ. Mô hình quản lý vận hành của Nhà nước đã đổi mới nhưng chưa đủ mạnh để chuyển sang mô hình nhà nước kiến tạo. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng đang trở thành nhu cầu bức thiết của Việt Nam.
Chương 5: Mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam, nêu lên bối cảnh tương lai và xác định mô hình tăng trưởng mới, đồng thời mô phỏng 5 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đề xuất những kiến nghị nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
COVID-19 đã làm gián đoạn con đường tiến đến một nền kinh tế có hiệu suất cao, nhưng việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thích hợp có thể giúp Việt Nam trở lại đúng lộ trình. Sắp tới khi tình hình đại dịch được bình ổn và thương mại toàn cầu gia tăng, việc áp dụng phù hợp các mô hình tăng trưởng mới mà nội dung cuốn sách đề xuất có thể kích hoạt lại việc xây dựng nền tảng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo cho đất nước mô hình tăng trưởng vững bền và hiệu quả. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và độc giả quan tâm đến vấn đề này.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”