Đồng chí Trường Chinh - Nhà văn hóa lớn

Ngày đăng: 16/03/2020 - 08:03

Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, “người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, nhà văn hóa và nhà báo lớn”, “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “được nhân dân ta và bạn bè trên thế giới tin yêu, kính trọng”1. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí gắn liền với những chặng đường đấu tranh vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, đặc biệt là ở những thời điểm mang tính bước ngoặt, những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam. Tài năng, trí tuệ của đồng chí được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Đồng chí không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta, mà còn là nhà lý luận, nhà báo, nhà văn hóa lớn của nước nhà.

1. Người đặt nền móng xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam

Điểm nổi bật ở Trường Chinh là đồng chí sớm nhận thức rõ vai trò hết sức quan trọng của văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, trong công tác vận động cách mạng nói riêng. Từ đó, đồng chí đã dành một số tác phẩm tập trung đề cập vị trí, vai trò, nhiệm vụ, nội dung, tính chất và các nguyên tắc xây dựng nền văn hóa mới - văn hóa cách mạng.

Về vị trí, vai trò của nền văn hóa mới, đồng chí chỉ ra rằng, văn hóa là một lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội, có quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực kinh tế, chính trị. Đối với kinh tế, văn hóa với tư cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, chịu sự quyết định của điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, đồng thời tác động trở lại đời sống vật chất của xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc cải tạo xã hội. Đối với chính trị, văn hóa gắn bó mật thiết, phục vụ chính trị, tức là phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phục vụ đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người cộng sản phải coi văn hóa là một mặt trận hoạt động, làm cách mạng không những về chính trị, mà còn về văn hóa, phải lãnh đạo được phong trào hoạt động văn hóa.

Quan điểm về văn hóa của đồng chí Trường Chinh đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc và thống nhất với quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội mà Đảng ta đề ra trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Về nhiệm vụ của nền văn hóa mới, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Văn hóa xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới thế giới là văn hóa chiến đấu và xây dựng. Nó chống lại cùng khốn, tối tăm và tội ác, mưu cầu hòa bình, dân chủ và hạnh phúc cho loài người. Văn hóa xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới thế giới chống tha hóa con người, đồng thời dựng lại nhân cách con người, cải tạo con người...”2.

Về nội dung, tính chất của nền văn hóa mới, đồng chí Trường Chinh nêu rõ, đó là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Về nguyên tắc xây dựng nền văn hóa mới, đồng chí chủ trương xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam theo ba nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Dân tộc hóa “chống mọi ảnh hưởng của văn hóa nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Khoa học hóa là “chống lại những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Đại chúng hóa là "chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”3.

Bên cạnh đó, đồng chí Trường Chinh còn đi sâu phân tích rõ những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của văn nghệ sĩ. Đồng chí yêu cầu văn nghệ sĩ phải có tinh thần hy sinh, phấn đấu vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, có lòng tin vô hạn vào thắng lợi của cách mạng; phải nhận rõ trách nhiệm nặng nề, vẻ vang của mình, từ đó mà yêu nghề, hăng say hoàn thành nhiệm vụ; phải nêu cao tinh thần học tập không ngừng cả về chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; phải gần gũi quần chúng, đi sâu vào phong trào quần chúng để hiểu, học tập kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng.

Ngoài ra, đồng chí còn nêu lên mối quan hệ giữa tính Đảng và tính nghệ thuật trong văn hóa. Đồng chí nhận định: Văn nghệ phục vụ chính trị là phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Đó là tính Đảng của văn nghệ. Đảng đòi hỏi văn nghệ sĩ, trí thức phải đứng trên lập trường của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà nghiên cứu, tìm hiểu, xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng và thấu đáo.

Theo đồng chí, tính Đảng trong văn nghệ là sự tổng hòa giữa tính tư tưởng, tính chân thực và tính nghệ thuật. Tác phẩm có tính Đảng là một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, bởi nó phản ánh tư tưởng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật phong phú, sinh động, trong sáng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Các tác phẩm của đồng chí, như: Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Kháng chiến về mặt văn hóa (1947), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948)… đã đi vào lịch sử như là những tác phẩm lý luận tiêu biểu về văn hóa mới - văn hóa cách mạng Việt Nam. Đảng ta ghi nhận: “Đồng chí là nhà văn hóa đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng”4. Với những đóng góp quan trọng và trực tiếp đối với việc xây dựng nền văn hóa cách mạng, đồng chí Trường Chinh xứng đáng được tôn vinh là một trong những người đặt nền móng xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam.

2. Nhà lãnh đạo tài ba trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng

Ý thức rõ vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trường Chinh sớm đến với nghề báo. Mùa hè năm 1928, tại quê nhà Hành Thiện, đồng chí đã sáng lập và làm chủ bút báo Dân cày. Những bài viết đăng trên báo có nội dung chủ yếu là lên án ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân phong kiến đối với nông dân và kêu gọi nông dân đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi. Dù ra được ít số và nội dung còn sơ lược, song báo Dân cày đã có ảnh hưởng nhất định đến người dân trong vùng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Trong cuộc vận động thành lập Đảng, đồng chí được cử tham gia nhóm biên tập của báo Búa liềm - cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng, góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin tới các tầng lớp nhân dân. Trong những năm 1930-1936, khi bị đày ải trong chốn lao tù đế quốc, mặc dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, đồng chí vẫn cùng các bạn tù bí mật viết báo tuyên truyền, huấn luyện lý luận cách mạng, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái. Đồng chí được cử làm chủ bút báo Con đường chính (trong nhà tù Hỏa Lò), viết bài cho báo Suối reo (trong nhà tù Sơn La). Trong thời kỳ cách mạng dân chủ (1936-1939), đồng chí là thành viên chính trong ban biên tập báo Le Travail (Lao động), báo En Avant (Tiến lên); giám đốc chính trị của các báo Tin tức, Đời nay; tham gia chỉ đạo các báo Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta), Ngày nay, Người mới. Trong cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945), đồng chí trực tiếp chỉ đạo và viết bài cho các báo Giải phóng, Cứu quốc, Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí trực tiếp phụ trách và viết bài cho báo Sự thật  (nay là báo Nhân dân).

Đồng chí Trường Chinh còn là người chỉ đạo thành lập Nhà xuất bản Sự thật. Ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, duy trì dưới hình thức công khai là Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Báo Cờ giải phóng và Nhà xuất bản Cờ giải phóng - các cơ quan ngôn luận của Đảng tuyên bố “đình bản” và “đóng cửa”. Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật (tiền thân của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ngày nay) - các cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương được thành lập nhằm kế tục sự nghiệp của các tổ chức tiền thân của mình. Trên báo Sự thật số đầu tiên ra ngày 05/12/19455, Nhà xuất bản Cờ giải phóng thông báo: “Vì báo Cờ giải phóng đình bản nên Nhà xuất bản Cờ giải phóng cũng tự ý đóng cửa. Những sách đã in ra, chúng tôi giao toàn quyền cho Nhà xuất bản Sự thật phát hành”. Nhà xuất bản Sự thật hoạt động dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng lúc đó,đã xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng của đồng chí Trường Chinh như: Cách mạng Tháng Tám (1946) với nội dung tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Kháng chiến nhất định thắng lợi (1948) tập hợp những bài viết của đồng chí Trường Chinh đăng trên báo Sự thật, giải thích một cách cụ thể đường lối kháng chiến của Đảng ta; Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1949) nêu lên sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ; Bàn về cách mạng Việt Nam (1951) phân tích về mặt lý luận đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Trường Chinh viết và xuất bản các cuốn sách: Thấu suốt đường lối chung của Đảng ở nông thôn để sửa sai cho tốt (1957); Phấn đấu cho một nền văn nghệ phong phú (1957); Tăng cường đoàn kết để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh (1958); Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội (1959); Tiến lên dưới lá cờ của Đảng (1961); Hồ Chủ tịch, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (1966 và các năm khác); Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi con đường Các Mác đã vạch ra (1968); Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam (gồm 2 tập, 1975); Về công tác Mặt trận hiện nay (1972, 1975);...

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đồng chí Trường Chinh đã viết và xuất bản các cuốn sách như: Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Mấy vấn đề về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại;...

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 07/01/1978 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc xuất bản toàn bộ các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng xuất bản do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, Nhà xuất bản Sự thật tập trung hoàn thành bộ sách Hồ Chí Minh: Toàn tập (gồm 10 tập) được ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, như một bông hoa đẹp dâng lên vị lãnh tụ kính yêu của Đảng và dân tộc. 

Với văn phong chính luận cách mạng, có tính chiến đấu cao và sức truyền cảm lớn, đồng chí Trường Chinh là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp báo chí của đồng chí gắn liền với sự ra đời và phát triển của nhiều tờ báo, tạp chí cách mạng có uy tín lớn.

Về vai trò của báo chí cách mạng, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh, tờ báo phải là người tuyên truyền, cổ động tập thể và tổ chức tập thể. Báo chí thực hiện nhiệm vụ giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin cho bạn đọc, đảng viên và quần chúng nhân dân, phổ biến và giải thích đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong Nhân dân, đồng thời động viên, kêu gọi quần chúng nhân dân thực hiện một cách tự nguyện, hiệu quả. Báo chí không chỉ là vũ khí sắc bén của những người cộng sản trong việc tuyên truyền, thức tỉnh, giác ngộ quần chúng, giúp họ lựa chọn con đường đúng đắn, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, mà còn là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân trong đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Báo chí có thể thuyết phục quần chúng trên nhiều vấn đề khác nhau, giải thích cho rất nhiều đối tượng khác nhau, đó là điều mà bất cứ người tuyên truyền, cổ động riêng lẻ nào cũng không thể làm được trong một lúc6. Muốn hoàn thành tốt vai trò của báo chí, theo đồng chí, đội ngũ nhà báo phải có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn vững vàng, phải yêu nghề, hăng hái hoàn thành tốt nhiệm vụ, thường xuyên nâng cao trình độ về mọi mặt, phải gần gũi quần chúng, và tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

Đồng chí Trường Chinh còn đặc biệt quan tâm đào tạo, dìu dắt các thế hệ làm báo lớp sau. Đồng chí luôn đặt niềm tin, giao công việc cho những người làm báo trẻ tuổi, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn để họ trưởng thành; khuyến khích mở các diễn đàn tranh luận trên báo chí về những vấn đề xã hội đang quan tâm, từ đó phát huy không khí dân chủ, huy động trí tuệ của xã hội, đồng thời khuyến khích các nhà báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng báo chí.

Những quan điểm của đồng chí về vai trò, vị trí của báo chí cách mạng, nguyên tắc làm báo, cách viết báo, phẩm chất của người làm báo… vẫn mang giá trị sâu sắc đối với công tác báo chí ở nước ta hiện nay.

3. Nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam

Đồng chí Trường Chinh là một người đặc biệt yêu thích thơ và đã xác lập được một vị trí xứng đáng trên thi đàn nước ta với bút danh Sóng Hồng. Đồng chí làm thơ với một mục đích giản đơn là “cốt để phục vụ tuyên truyền cách mạng hoặc để ghi lại một số tình cảm sâu sắc của đời mình”7.

Thơ của Trường Chinh trước hết là những cảm xúc mạnh mẽ trước hiện thực khách quan, được thể hiện một cách tinh tế, nghệ thuật qua câu từ và vần điệu, mang đậm chất nhân văn, trữ tình. Đúng như đồng chí từng viết: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lý trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời nói trong sáng, vang lên nhạc điệu khác thường”8.

Thơ của Trường Chinh là thơ ca cách mạng. Tính cách mạng, tính chiến đấu trong thơ của đồng chí được thể hiện rõ nét trên hai phương diện: Một là, các bài thơ luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, tham gia giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống; Hai là, thơ là vũ khí sắc bén để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí khẳng định: “Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên, không phải thơ nào cũng đều cách mạng cả, nhưng có cách mạng thì có thơ. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta chẳng phải là một thiên anh hùng ca của thời đại đó sao? Cuộc đời hoạt động cách mạng của cán bộ và đảng viên ta có nhiều việc rất nên thơ”9.

Với mục đích làm thơ để phục vụ cách mạng nên thơ của Trường Chinh giàu xúc cảm và đậm chất nhân văn, trữ tình, nhưng không ủy mị, mà luôn hàm chứa một tinh thần lạc quan, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của cách mạng và thể hiện khí phách của người cán bộ cách mạng nhiệt huyết, kiên trung.“Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”10. Đây vừa là một “tuyên ngôn về thơ” bằng thơ, vừa là phương châm sáng tác của nhà thơ Trường Chinh.

Có thể nói, là lãnh tụ chính trị, đồng chí Trường Chinh luôn đứng ở tầm cao văn hóa của dân tộc và nhân loại để suy nghĩ và sáng tạo. Là nhà văn hóa lớn, đồng chí Trường Chinh đã hiến dâng toàn bộ trí tuệ và tài năng cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Ở đồng chí, văn hóa đã làm phong phú thêm chính trị và chính trị đã soi đường cho văn hóa. Đồng chí là một tấm gương sáng ngời về tài năng, đức độ và nhân cách cao đẹp của người cộng sản, xứng đáng để các thế hệ học tập và noi theo.

1, 4. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, ngày 05/10/1988.

2. Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật. Hà Nội, 1979, t. 2, tr. 220.

3. Xem Trường Chinh - Tuyển tập (1976-1986), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 562-564.

5. Ngày 05/12/1945 trở thành Ngày truyền thống của Nhà xuất bản Sự thật và sau này là Ngày truyền thống của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

6. Trường Chinh: Về văn hóa văn nghệ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 526.

7, 8, 9, 10. Sóng Hồng: Thơ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1967, tr. 5, 8, 6, 27.

Theo Tạp chí Nhịp cầu tri thức

Bình luận