Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam (Xuất bản lần thứ hai)
HÒA BÌNH cho dân tộc và nhân dân Việt Nam là khát vọng lớn nhất, đồng thời là tâm huyết cả cuộc đời của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Mọi suy nghĩ, hành động, lời nói, việc làm của Người đều thể hiện sâu sắc tâm huyết và khát vọng cao cả, nhân văn ấy. Trong đó, những bức thư đã được Người viết, soạn thảo và gửi đi chính là những vật chứng vô cùng sống động. Những lá thư dù gửi cho ai, vào thời điểm nào, dưới hình thức gì, thì nội dung của chúng cũng luôn chứa đựng thông điệp về hòa bình, thể hiện mong ước cháy bỏng về một nền hòa bình thực sự cho nhân dân Việt Nam.
85 bức thư được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Chính phủ, Quốc hội, Tổng thống các nước Pháp, Mỹ, Anh, Ấn Độ, các nước Á Đông…, các chính trị gia, tướng lĩnh, binh sĩ, tù nhân, kiều dân, thanh niên, phụ nữ, những bà mẹ có con, người vợ có chồng đang chiến đấu tại chiến trường Việt Nam…, trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1969, là 85 lần thông điệp mong cầu hòa bình cho Việt Nam được gửi đi. Và những bức thư hàm chứa thông điệp cao cả đó đã được TS. Nguyễn Anh Minh lựa chọn giới thiệu tới bạn đọc trong cuốn sách Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Cuốn sách Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành
Qua nội dung các bức thư, có thể thấy, trước những đối tượng người nhận khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những cách thể hiện tình cảm, thái độ và phương pháp đấu tranh khác nhau để đạt tới mục đích duy nhất là hòa bình cho dân tộc.
Với nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, Người luôn bày tỏ thiện chí, mong ước hòa bình, tự do, độc lập, hạnh phúc không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho các dân tộc trên thế giới; nêu rõ tình cảnh bị bóc lột đến điêu đứng, đau thương của nhân dân Việt Nam trước sự đàn áp, khủng bố dã man của thực dân và đế quốc; vạch trần, lên án tội ác chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gây ra, khẳng định đó là nguyên nhân buộc nhân dân Việt Nam phải tranh đấu để giành độc lập, tự do; từ đó Người thiết tha kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Trong thư, Người luôn phân biệt rạch ròi giữa kẻ thù và bạn bè của nhân dân Việt Nam. Với những người bạn nhân dân Pháp, Người khẳng định: “tôi luôn yêu quý và khâm phục nhân dân Pháp. Đây là một dân tộc vĩ đại, thông minh và rộng lượng”, với nhân dân Mỹ, những người “không thù không oán” và được nhân dân Việt Nam kính trọng bởi đó là dân tộc đầu tiên phất cờ chống chủ nghĩa thực dân, hay với nhân dân Anh vốn “có những mục đích chung là hòa bình, hữu nghị, và hạnh phúc”, Người luôn khẳng định và bày tỏ ý nguyện được hợp tác chân thành, hữu nghị với họ. Từng câu từ, lý lẽ trong các bức thư đều thể hiện thành ý, đồng thời chứa đựng tinh thần nhân văn, bác ái, kêu gọi nhà cầm quyền cũng như nhân dân các nước lên tiếng, hành động bảo vệ hòa bình và công lý, yêu cầu thực dân, đế quốc chấm dứt mọi hành động chiến tranh, đe dọa đối với hòa bình ở Việt Nam, khu vực và thế giới.
Với chính phủ, quốc hội, tổng thống Pháp, Mỹ hay chính trị gia - những người có thẩm quyền đối với chính sách đối ngoại của quốc gia, đặc biệt là về vấn đề Việt Nam, Người không ngừng khẳng định rõ lập trường của mình, cũng là của toàn thể dân chúng, đó là Việt Nam sẽ kiên quyết tranh đấu đến cùng với “kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và thống nhất”, bằng những lập luận vô cùng gay gắt, đanh thép.
Gửi thư tới Tổng thống Kennơđi khi ông này vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ, Người lên án: “đế quốc Mỹ đã dùng đôla và mọi thủ đoạn đểu cáng khác để nặn ra ở miền Nam một chính quyền bù nhìn độc tài hung ác vô cùng… vì Mỹ mà miền Nam Việt Nam biến thành địa ngục ở trần gian. Điều đó, ông có biết không? Nếu ông biết mà không nói thì ông là người: “Ngoài miệng thì tụng “nam mô”,/Trong lòng thì đựng cả bồ dao găm””. Sau hàng loạt những cáo buộc về tội ác của Mỹ gây ra cho đất nước và nhân đân Việt Nam, cuối thư, Người khẳng định rõ ràng, kiên quyết: “Nhân dân Việt Nam đoàn kết đấu tranh sẽ đánh đổ chế độ dã man của Mỹ - Diệm và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc thân yêu của chúng tôi”.
Trong bức thư ngày 01/01/1947 gửi Tướng Lơcléc (vị tướng đầu tiên giữ vai trò Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam, sau đó bị triệu hồi về nước vì những thất bại trong việc thực hiện chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”), Người viết: “Một nhà ái quốc trọng những người ái quốc nước khác. Một người yêu quê hương mình, trọng quê hương của kẻ khác. Tôi chắc rằng đó cũng là ý kiến của Ngài. Ngài muốn nước Pháp độc lập và thống nhất. Chúng tôi cũng muốn nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngài và chúng tôi cùng một chí hướng. Lừng danh với những chiến công, Ngài lại đi đánh một dân tộc chỉ muốn độc lập, thống nhất quốc gia, và một nước chỉ muốn hợp tác như anh em với nước Ngài sao? Phải chǎng đó là một công việc bạc bẽo, đau đớn?”. Rồi Người đặt vấn đề: “Giá thử Ngài đánh được chúng tôi đi nữa - đấy là một điều viển vông, vì nếu Ngài mạnh về vật chất, thì chúng tôi đây, mạnh về tinh thần, với một chí cương quyết chiến đấu cho tự do của chúng tôi - thì những thắng lợi tạm thời kia chẳng những không tăng thêm mà lại còn làm tổn thương đến uy danh quân nhân và tư cách ái quốc của Ngài”.
Đặc biệt là, thông điệp về hòa bình luôn được Người đưa ra cùng những luận cứ, những con số, số liệu, minh chứng hết sức cụ thể, chi tiết, bởi vậy có sức thuyết phục lớn và bền lâu. Cho đến nay, đó vẫn là những tài liệu hết sức có giá trị cho độc giả khi nghiên cứu lịch sử, lịch sử quân sự hay lịch sử đối ngoại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, tháng 10/2021, tác phẩm “Hồ Chí Minh với những bức thư mong muốn hòa bình cho Việt Nam” được dịch sang tiếng Italy và phát hành tại Italia đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả nước bạn. Bởi như dịch giả Sandra Scagliotti nhận định, thông điệp từ những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại ấn tượng sâu sắc trong suy nghĩ, tình cảm của nhiều thế hệ thanh niên tại châu Âu trong thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, và chắc hẳn vẫn còn tiếp tục gây được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng thế hệ bạn đọc hôm nay.
Xuất bản lần đầu vào tháng 5/2020, đến nay, được sự yêu mến của độc giả Việt Nam, cuốn sách tiếp tục được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai. Cùng với 85 bức thư, cuốn sách còn giới thiệu một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón và làm việc với các vị khách quốc tế năm 1946.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên