Nghệ thuật lãnh đạo là đỉnh cao của lãnh đạo hiệu quả, là ước vọng muốn đạt tới của mọi lãnh đạo. Nghệ thuật lãnh đạo được hiểu là tài vận dụng tổng hòa các yếu tố phẩm chất, kỹ năng, năng lực, cá tính, chức quyền, quy luật, kinh nghiệm, phương pháp, khả năng ảnh hưởng của người lãnh đạo để đạt được hiệu quả cao nhất và giàu cá tính.
Nghệ thuật lãnh đạo chính là nội dung thứ 11 trong tổng số 12 chương của cuốn sách Khoa học lãnh đạo - Lý thuyết và kỹ năng của PGS. TS. Nguyễn Bá Dương, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành. Những nội dung trước đó bao gồm những nghiên cứu về bản chất, nhân cách, uy tín, phong cách, phương pháp lãnh đạo và các kỹ năng lãnh đạo, trong đó nhấn mạnh kỹ năng xác định tầm nhìn, kỹ năng ra quyết sách, kỹ năng giao tiếp cùng phương pháp lãnh đạo bằng uy tín, bằng đạo đức trên cơ sở tri thức, với điểm cốt lõi là biết thu hút và trọng dụng nhân tài - đây là những nền tảng cơ bản, cần có trước khi tiến tới nghệ thuật lãnh đạo. Tất cả các nội dung này tạo thành một nghiên cứu chuyên sâu về khoa học lãnh đạo.
Nói về nghệ thuật lãnh đạo, tác giả bắt đầu từ nghệ thuật dùng binh hay nghệ thuật trị quốc ở phương Đông truyền thống, qua một ví dụ về thuật dùng binh của Gia Cát Lượng thời Tam quốc ở Trung Hoa. Có thể nói rằng, văn hóa trị quốc và nghệ thuật trị quốc truyền thống phương Đông bắt nguồn dựa trên học thuyết âm dương, đã tạo nên nhiều điểm sáng và để lại những kinh nghiệm về thuật trị quốc rất sâu sắc. Đó có thể là sự kết hợp hài hòa giữa đức trị và pháp trị, là triết lý “hồ đồ” - sự dung hợp, nhập nhằng giữa “bùn và đất - biết mà không biết”, là tài nghệ sử dụng linh hoạt nhân tướng học, lý thuyết phong thủy, chu dịch, binh pháp Tôn Tử…
Ngày nay, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn lãnh đạo, nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật lãnh đạo, các nhà nghiên cứu đã đưa ra năm đặc điểm cơ bản của nghệ thuật lãnh đạo, bao gồm: tính khoa học, tính sáng tạo, tính kinh nghiệm, tính linh hoạt và tính thực tiễn. Nghệ thuật lãnh đạo biểu hiện qua: Một là, tài quan sát để hiểu con người - một cách thức rất cần thiết mà hiệu quả, dễ sử dụng trong công tác tổ chức, cán bộ. Ở nội dung này, tác giả đi sâu vào các kỹ năng tự quan sát, phương pháp quan sát khách quan, kinh nghiệm và cách thức quan sát. Ở những khía cạnh nhất định, trong những trường hợp và hoàn cảnh nhất định, những kinh nghiệm phong phú về quan sát hình tướng, sắc tướng, thanh tướng, hoạt tướng... chắc chắn sẽ trở nên hữu ích. Hai là, câu đúc kết: Từ xưa đến nay, mọi sự thành công hay thất bại quá nửa phụ thuộc vào hai chữ dùng người đã đủ để nói lên tầm quan trọng của nghệ thuật sử dụng cán bộ. Nghệ thuật sử dụng cán bộ được thể hiện trong các khâu đánh giá, đề bạt, sử dụng, luân chuyển, đào tạo, quản lý. Với từng khâu, tác giả đều đưa ra những nội dung, nguyên tắc, cách thức hết sức cụ thể, ngắn gọn. Ba là, nghệ thuật ra quyết định. Bốn là, nghệ thuật ứng xử. Thông qua phương pháp quan sát, người lãnh đạo giỏi nắm bắt được sở trường, sở đoản, nhu cầu, nguyện vọng của cấp dưới, hiểu phong cách lãnh đạo, tính cách, khí chất của cấp trên để từ đó có cách ứng xử phù hợp với mỗi đối tượng. Tác giả cũng chỉ ra một số mẫu người thường gặp từ đó đưa ra những "lời khuyên" cho các nhà lãnh đạo khi ứng xử với cấp dưới, cấp trên, cấp phó...
*
Sự giới hạn của một bài giới thiệu không cho phép thể hiện đầy đủ nội dung cùng những điểm hay, nét mới của tất cả 12 chương sách. Vì vậy, chỉ xin trình bày những điều cảm nhận và học được qua một chương sách, là chương mà tôi đã chọn đọc đầu tiên khi mở cuốn sách này ra. Nhưng tin chắc rằng, với những nội dung, kiến thức mà cuốn sách cung cấp thông qua cách trình bày gọn ghẽ, nhiều ví dụ sinh động, tình huống thực tiễn... sẽ giúp ích cho người đọc, dù chưa hoặc không phải một người lãnh đạo, cũng sẽ hoàn thiện hơn các kỹ năng xử lý tình huống, có thêm nhiều kinh nghiệm trong quan sát, đánh giá con người và đối nhân xử thế.
Giao Linh