Tác giả: PGS. TS. Đỗ Minh Hợp
Số trang: tập 1: 632 trang; tập 2: 708 trang; tập 3: 718 trang
Giá tiền: tập 1: 98.000đ; tập 2: 109.000đ; tập 3: 110.000đ
Bộ sách Lịch sử triết học phương Tây giới thiệu với bạn đọc một cách có hệ thống những tri thức lịch sử triết học, từ triết học cổ đại, triết học trung cổ và triết học phục hưng (tập 1) đến triết học phương Tây cận hiện đại (tập 2) và triết học phương Tây hiện đại (tập 3).
Bằng phương pháp lịch sử và lôgích, một phương pháp đặc trưng cho nghiên cứu triết học, nhất là lịch sử triết học, tác giả Đỗ Minh Hợp đã đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích để phần nào hiểu được quá trình hình thành và phát triển tư duy triết học của nhân loại từ khởi nguyên cổ đại đến đương đại. Đó thực sự là một cuộc hành trình vĩ đại mà con người và loài người đã đi qua, đang tiếp tục đi và còn đi mãi để tiếp thu tri thức và kinh nghiệm, để cảm nhận và cảm thụ các giá trị, để tìm kiếm và nắm bắt chân lý.
Tập 1 của bộ sách có tiêu đề Triết học cổ đại, triết học trung cổ, triết học phục hưng gồm 4 chương. Với chương I: Nhập môn lịch sử triết học, tác giả đi từ giải nghĩa về khái niệm triết học và khái niệm lịch sử triết học tới cách tiếp cận với sự ra đời của triết học phương Tây cổ đại. Ở ba chương sau, tác giả lần lượt trình bày ba thời kỳ triết học: cổ đại, trung cổ, phục hưng. Trong mỗi chương, tác giả bắt đầu từ giới thiệu diện mạo, khái niệm chung về từng thời kỳ triết học, sau đó giới thiệu khái quát về bối cảnh lịch sử, những nét chính về thân thế, cuộc đời, các sự kiện làm nên số phận, tạo nên tính cách và tư tưởng của các triết gia tiêu biểu; những thành tựu, lý thuyết khoa học, tư tưởng, trước tác của những triết gia tiêu biểu trong những trường phái, khuynh hướng tiêu biểu. Với năng lực tìm tòi, chắt lọc, tổng hợp của tác giả, qua hơn 600 trang sách, lịch sử triết học phương Tây các thời kỳ cổ đại, trung cổ, phục hưng đã dần hiện lên sinh động, có hệ thống với không ít những điều mới lạ trên nhiều vấn đề để giúp bạn đọc hiểu biết hơn, gần gũi hơn với những triết gia, những trường phái, khuynh hướng triết học vốn ra đời và ở rất xa chúng ta cả về thời gian và không gian.
Với tiêu đề Triết học phương Tây cận hiện đại, tập 2 của bộ sách nghiên cứu toàn diện sự phát triển của tư tưởng triết học phương Tây từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây chính là bước chuyển biến tư tưởng quan trọng trong dòng chảy lịch sử triết học, bắt nguồn từ triết học cổ đại, triết học trung cổ, triết học phục hưng và dẫn đến triết học phương Tây hiện đại. Cuốn sách gồm 4 chương. Chương I: Các nhà triết học lớn thế kỷ XVII – nửa đầu thế kỷ XVIII, trên cơ sở làm nổi bật đặc thù, bối cảnh văn hóa, xã hội thời kỳ này, tác giả đi sâu phân tích sự khởi đầu của triết học cận hiện đại với triết học kinh viện mới của Francisco Suarez; thần trí luận và thuyết huyền bí Đức; cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của các triết gia lớn như: Bacon, Descartes, Pasca, Spinoza… Ở chương II, tác giả tiếp cận triết học khai sáng như một kiểu thế giới quan và triết học đặc biệt, đặc trưng cho đời sống văn hóa châu Âu ở thế kỷ XVII, phân tích trào lưu này một cách hệ thống ở ba quốc gia có nền triết học phát triển nhất phương Tây: Pháp, Đức và Mỹ. Ở mỗi nền triết học, tác giả bắt đầu bằng việc trình bày khái niệm chung, cội nguồn của các tư tưởng khai sáng, sau đó trình bày những nét chính về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, các trước tác và tư tưởng của những triết gia tiêu biểu. Thông qua đó, bạn đọc có thể tìm hiểu và khám phá những luận điểm, học thuyết triết học đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử triết học phương Tây. Trong chương III, tác giả đề cập đến triết học cổ điển Đức với hàng loạt những đặc điểm làm nên diện mạo độc đáo của nó. Các đại diện tiêu biểu của nền triết học này như: Kant, Fichte, Schelling, Hegel, Feuerbach… được tác giả tiếp cận từ chính những tác phẩm tiếng Đức. Vì vậy, hệ thống những thuật ngữ, khái niệm, học thuyết được phân tích một cách cụ thể, rõ ràng đúng với tư tưởng của các nhà triết học. Giữa chúng còn có mối liên hệ gắn bó mật thiết, phản ánh sự phát triển liên tục của các quan điểm, tư tưởng. Chương cuối cùng của cuốn sách, chương IV, tác giả dành để viết về triết học Mác. Điều mới mẻ trong cuốn sách này là tác giả không chỉ đề cập đến những nội dung cơ bản của triết học Mác - vốn đã được trình bày nhiều trong các tập bài giảng, chuyên khảo, mà còn đi sâu nghiên cứu triết học Mác trong sự giao lưu, tiếp xúc và đối thoại với các dòng tư tưởng, văn hóa khác. Nổi bật lên là vấn đề vận mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử mới của thế kỷ XXI. Cuốn sách là một bức tranh sinh động và đa sắc màu về quá trình hình thành và phát triển của triết học phương Tây thời cận hiện đại.
Với tên gọi Triết học phương Tây hiện đại, tập 3 của bộ sách gồm 8 chương. Trong chương I, tác giả giới thiệu khái quát những nhân tố quy định diện mạo và những đặc điểm cơ bản của triết học phương Tây hiện đại. Chương II được tác giả dành riêng để giới thiệu về thân thế, cuộc đời và tư tưởng của các bậc tiền bối của triết học phương Tây hiện đại. Ở sáu chương sau, tác giả trình bày về khái niệm và các đại diện tiêu biểu, các tư tưởng chủ yếu của triết học cuộc sống, triết học phân tâm học, triết học thực dụng, chủ nghĩa thực chứng, hiện tượng Husserl và triết học hiện sinh. Với hơn 700 trang sách được viết trên lập trường mácxít sáng tạo, khoa học; sự hiểu biết sâu rộng, có hệ thống, sự trình bày công phu, rành mạch, lôgích; sự phân tích sắc sảo, tự tin; thái độ lao động khoa học nghiêm túc, khách quan của tác giả Đỗ Minh Hợp, cuốn sách giúp bạn đọc có được sự hiểu biết, sự gợi mở sâu rộng hơn, toàn diện hơn, khách quan, mới mẻ hơn về những vấn đề đặt ra của triết học phương Tây hiện đại.
Với cách phân tích, biện giải, lập luận phù hợp, hệ thống, sâu sắc sinh động quá trình hình thành và phát triển của triết học phương Tây từ thời kỳ cổ đại qua các thời kỳ trung cổ, phục hưng, cận hiện đại đến thời kỳ hiện đại, bộ sách như một bức tranh hoành tráng về lịch sử triết học phương Tây. Bộ sách thực sự là thiết yếu với những nhà nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy, các học viên, sinh viên quan tâm đến triết học nói chung, lịch sử triết học phương Tây nói riêng.