Sau khi kết thúc 4 năm sống lưu vong ở Mỹ và châu Âu với bao thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, một ngày cuối tháng 6/1954, Ngô Đình Diệm đã trở lại mảnh đất Sài Gòn sôi động trước nghi lễ đón tiếp có phần ít ồn ào dành cho vị thủ tướng tương lai của chính quyền Nam Việt Nam. Ngô Đình Diệm cùng các anh em trai của mình - tài sản chính trị của gia đình họ Ngô, đặc biệt là Ngô Đình Nhu với vai trò cố vấn thân tín nhất của anh trai mình, đã chuẩn bị cho giây phút trở về của Diệm và thời cơ định mệnh này từ nhiều năm trước. Và giờ đây, họ bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển nền cộng hòa với sự tham vấn và can thiệp sâu sắc trên các khía cạnh quân sự, chính trị, xã hội… của Chính phủ Mỹ.
Diệm đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Quốc gia Việt Nam trong bối cảnh các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ chắc chắn gây bất lợi cho ông và chính quyền mới của ông. Đồng thời, Diệm phải đối mặt với các tổ chức và lực lượng luôn ấp ủ mục tiêu củng cố quyền lực ở Nam Việt Nam, chẳng hạn đức tin tôn giáo không chính thống Cao Đài, Hòa Hảo; lực lượng Bình Xuyên quản lý toàn bộ thế giới ngầm của Sài Gòn; Đảng Đại Việt; nhóm Tinh thần… Tuy nhiên, sự vươn tay có chọn lọc của anh em họ Ngô hướng vào các nhân vật chủ chốt là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm cô lập và trung lập hóa những đối thủ nguy hiểm nhất của họ ở miền Nam. Để ngăn chặn các đối thủ phối hợp với nhau chống lại mình, Diệm đã nỗ lực giành sự ủng hộ của phía Mỹ, và đã được Chính phủ Mỹ hậu thuẫn ngay từ năm đầu Diệm lên nắm quyền.
Có thể nói, liên minh Mỹ - Nam Việt Nam kể từ lúc bắt đầu hình thành cho đến khi tan rã đã trải qua những tương tác và xung đột giữa vô số tầm nhìn và chiến lược khác nhau của người Mỹ và người Việt về vận mệnh của miền Nam Việt Nam thời kỳ hậu thực dân, trong đó hai bên đã khởi xướng và thực hiện những ý tưởng và nghị trình khác hẳn nhau. Sự tan rã bắt nguồn từ những bất đồng cụ thể, thực tiễn giữa gia đình họ Ngô và người Mỹ xung quanh ý nghĩa của các khái niệm then chốt như dân chủ, cộng đồng, an ninh và thay đổi xã hội.
Dựa trên các nguồn tài liệu phong phú và đáng tin cậy, cuốn sách Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam của Edward Miller đã phác họa rõ nét và đa chiều hình ảnh một nhân vật chính trị Việt Nam nổi bật thế kỷ XX.
Cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu vào năm 2016. Trong lần tái bản này, tác giả đã bổ sung một chương mới nhằm phân tích, làm rõ hơn về biến cố Phật giáo năm 1963.
Dựa trên quan điểm, lập trường của mình và nguồn tư liệu khai thác, tác giả có một số luận giải, đánh giá về một số sự kiện, nhân vật có sự khác biệt với đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử của Việt Nam, như đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh; về chủ nghĩa cộng sản, cách mạng miền Nam, phong trào Đồng Khởi; về cá nhân Ngô Đình Diệm; về nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của chính quyền Sài Gòn...Tôn trọng chính kiến của tác giả và để bạn đọc thuận tiện nghiên cứu, tham khảo, chúng tôi cố gắng giữ nguyên nội dung như bản gốc, đồng thời khẳng định rằng đây là quan điểm riêng của tác giả.
Với nguồn thông tin, tư liệu của người nước ngoài về một giai đoạn lịch sử đầy cam go của dân tộc Việt Nam, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các học giả, sử gia, nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học xã hội, cũng như độc giả quan tâm đến chủ đề này.