Luật Tố tụng hành chính quy định về: những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Luật Tố tụng hành chính góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia. Luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, một số quy định của Luật chưa phù hợp với các luật mới ban hành cũng như chưa phù hợp với thực tiễn, cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật. Ngày 26/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, trong đó có các quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Để hướng dẫn thi hành Luật, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ liên quan đã ban hành nghị quyết, nghị định, thông tư, công văn quy định chi tiết các điều trong Luật.
Cuốn sách tuyển chọn các văn bản pháp luật cập nhật đến năm 2023 nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin pháp luật mới nhất.