Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao của mình tại kỳ họp Quốc hội trên cơ sở hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, góp phần bảo đảm cho Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 3, ngày 17-6-2003 đã thông qua Luật hoạt động giám sát. Luật này quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-8-2003.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những nội dung của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và góp phần hướng dẫn thi hành luật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Nội dung cuốn sách gồm toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và toàn văn Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật gồm 7 chương với 48 điều.