Minh bạch, công bằng trong đánh giá sách giáo khoa
Ngay trước thềm năm học mới 2018-2019, nỗi lo về sách giáo khoa, sách trong trường học khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Ðặc biệt, dư luận xã hội bùng nổ tranh luận chung quanh việc sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (TV1 - CNGD) của GS.TSKH. Hồ Ngọc Ðại với những ý kiến trái chiều khá gay gắt. Ðiều đó khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng và cũng đặt ra nhiều vấn đề về sách trong trường học khi triển khai chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), TV1 - CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH. Hồ Ngọc Ðại, được áp dụng dạy học ở Trường thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm, Bộ GD và ÐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và bảo đảm các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học TV1 - CNGD, nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008 - 2009 đến khi triển khai chương trình mới, trên tinh thần tự nguyện. Tính đến hết năm học 2017-2018, trên cả nước có 7.872 trường với 753.211 học sinh lớp 1 của 48 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia giảng dạy và học bằng sách TV1 - CNGD. Ðánh giá của Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD và ÐT) cho thấy, sách TV1 - CNGD có ưu điểm đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt 1, nhất là mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy; cung cấp cho học sinh một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội, con người và văn hóa, văn học. Sách cập nhật được một số thành quả nghiên cứu của Việt ngữ học, nhất là về cấu trúc ngữ âm; các kiến thức được giải thích chính xác, kết nối với thực hành; ngữ liệu trong phần lớn các bài học hợp lý. Tuy nhiên, sách TV1 - CNGD cũng có hạn chế khi chưa giúp học sinh phát triển cân đối các kỹ năng; những hướng dẫn, hoạt động giúp học sinh đọc hiểu bài đọc chưa được chú trọng; một số từ ngữ trong bài học chưa được chọn lọc kỹ càng; một số bài đọc còn dài. Trong năm 2017 và năm 2018, Bộ GD và ÐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia sách TV1- CNGD. Hội đồng thẩm định đã đánh giá sách TV1 - CNGD cơ bản bảo đảm những yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1; sách được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định.
Như vậy, sách TV1 - CNGD được đưa vào trường học từ lâu, theo chủ trương của Bộ GD và ÐT, trải qua các lần thẩm định và đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, bộ sách tạo ra những tranh cãi gay gắt trong dư luận xã hội đúng vào thời điểm Bộ GD và ÐT đang chuẩn bị công bố chương trình môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới, gây nên nhiều băn khoăn, lo lắng trong trường học, phụ huynh, học sinh. Bởi theo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, sắp tới, nhiều tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có thể tham gia viết sách giáo khoa, trong đó có cả sách TV1 - CNGD. Các trường, phụ huynh, học sinh có nhiều lựa chọn khác nhau về bộ sách để con em mình theo học. Vì vậy, để xây dựng những bộ sách giáo khoa tốt, điều trước tiên, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách cần tôn trọng đánh giá của Hội đồng thẩm định quốc gia; khi góp ý về các bộ sách cần mang tính xây dựng, với mục tiêu nâng cao chất lượng. Cần tránh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa dẫn đến tìm cách "hạ bệ", khen, chê không công bằng, thiếu chuẩn mực, khiến các trường cũng như phụ huynh, học sinh khó xác định được bộ sách nào tốt, phù hợp để sử dụng trong dạy học. Ðáng chú ý, Bộ GD và ÐT cần công bố kết quả thẩm định công khai, minh bạch, kịp thời chỉ rõ ưu điểm, hạn chế và bộ sách có đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu giáo dục hay không, để các trường, phụ huynh nắm bắt được và có sự lựa chọn hợp lý. Nếu không, khi triển khai chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ xảy ra tình trạng bộ sách còn nhiều hạn chế nhưng vì lý do nào đó, được đưa vào nhà trường rộng rãi; trong khi bộ sách tốt lại không được sử dụng giảng dạy. Như vậy, học sinh sẽ khó khăn và thiệt thòi trong quá trình học tập, dẫn đến khó đạt được mục tiêu giáo dục phẩm chất, năng lực cho các em.
Giang Sơn
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên