Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay
Kinh tế và văn hóa là hai lĩnh vực vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là hai lĩnh vực có quan hệ mật thiết, tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau. Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển kinh tế. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật mà yếu tố ngày càng quan trọng và quyết định là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Cần phải có sự nhận thức thấu đáo hơn, đa chiều hơn về về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Đảng ta đã chỉ rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Lý giải đúng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa sẽ giúp chúng ta có được những chính sách, giải pháp phát triển hài hòa và bền vững hai lĩnh vực này.
Cuốn sách Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay do PGS.TS. Lê Quốc Lý và ThS. Lê Quốc biên soạn đã làm rõ nội hàm mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa về cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, nhằm phát huy hiệu quả, tích cực của mối quan hệ này. Cuốn sách gồm 10 chương, được cấu trúc thành hai phần, mỗi phần 5 chương: Phần thứ nhất, trình bày những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; nêu bật những giá trị cùng những đóng góp to lớn của văn hóa vào phát triển kinh tế. Cho rằng kinh tế văn hóa là một ngành kinh tế và cần nhận thức rõ kết quả kinh tế do văn hóa đem lại, được biểu hiện ở 3 mặt: văn hóa gián tiếp tạo ra giá trị văn hóa, văn hóa trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế và văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhóm tác giả cũng chỉ ra những nhân tố tác động đến mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đồng thời cho rằng niềm tin trong đời sống kinh tế là vô giá, việc khai thác sức mạnh, nguồn lực của người khác, quốc gia khác để làm giàu cho mình và quốc gia mình chỉ có thể diễn ra trên cơ sở chữ tín và niềm tin. ; Phần thứ hai, đề cập các quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong thời kỳ đổi mới, về thực trạng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa ở Việt Nam nói chung và nghiên cứu cụ thể ở làng nghề gốm Bát Tràng, về phát triển công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế và văn hóa. Đồng thời, nhóm tác giả cũng đưa ra 8 giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ kinh tế và văn hóa trong phát triển bền vững.
Cuốn sách là tài liệu chuyên khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ ngành văn hóa trong việc nhận thức, tham mưu, đề xuất đường lối, chính sách phát triển kinh tế và văn hóa giai đoạn hiện nay, đồng thời cung cấp những tư liệu quý, giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, từ đó xây dựng khát vọng làm giàu, lối sống văn hóa tích cực.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”