Quan điểm ‘lấy dân làm gốc” được Đảng ta rất coi trọng và nhận thức ngày càng sâu sắc hơn trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành. Quan điểm đó được cụ thể hóa bằng việc đưa khái niệm “an ninh con người” vào trong Văn kiện Đại hội XII: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh, xã hội, an ninh con người”. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”, đồng thời, xác định mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia thực chất là bảo vệ an ninh con người và xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Bảo vệ an ninh quốc gia suy cho cùng cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân, từ đó coi trọng và lấy thước đo cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi con người làm tiêu chí, hiệu quả của công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Có thể khẳng định, cách tiếp cận về an ninh con người và bảo vệ an ninh con người được đề cập trong Đại hội XIII đã thể hiện tính nhân văn trong nhận thức và tư duy của của Đảng về an ninh con người, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay do TS. Bùi Thanh Tuấn làm chủ biên gồm ba phần, giới thiệu những vấn đề lý luận chung về an ninh con người và bảo đảm an ninh con người; đánh giá thực trạng, chỉ ra một số nguy cơ, thách thức đối với bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam; từ đó đưa ra những dự báo và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam thời gian tới.