Một số đặc điểm của hoạt động xuất bản trong cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay
Thực tiễn sau hơn 25 năm đổi mới, hoạt động xuất bản ở nước ta đã có những bước phát triển nhanh và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, hoạt động xuất bản càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc ổn định chính trị, tư tưởng, giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn lực con người, xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động xuất bản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản theo tinh thần của Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư cần nắm vững những đặc điểm sau:
- Hoạt động xuất bản mang đặc điểm truyền thông. Xuất bản phẩm, trong đó có sách, là sản phẩm văn hóa tinh thần, là phương tiện lưu giữ, tích lũy, truyền bá tri thức của loài người. Trong lịch sử, sự ra đời của sách là một thành tựu kỳ diệu trong sự phát triển của nhân loại. Sách ghi lại sự trưởng thành về nhận thức và tư duy, về cải tạo và xây dựng xã hội của loài người, đồng thời nó trao truyền các giá trị di sản văn hóa tinh thần và các thành tựu của văn hóa vật chất mà loài người đã đạt được. Xuất bản là một môn khoa học và là một trong những "binh chủng" quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục và khoa học của Đảng và Nhà nước ta. Cho đến nay, cùng với báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác, xuất bản là trung tâm của hệ thống giáo dục, tạo lập, phân phối kiến thức và nuôi dưỡng trí tuệ con người. Nếu không có sách và các xuất bản phẩm khác, văn hóa, giáo dục sẽ bị tổn hại và không thể trao truyền kiến thức, kinh nghiệm từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó, xuất bản mang đặc điểm truyền thông và thuộc trung tâm của mạng lưới truyền thông rộng lớn, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin và kinh tế tri thức như hiện nay.
- Hoạt động xuất bản mang đặc điểm văn hóa tinh thần. Xuất bản, trong ®ã xuất bản sách là chủ yếu, lµ một quá trình gồm nhiều khâu nối tiếp nhau như đề tài, cộng tác viên, biên tập bản thảo, trình bày và chế bản, in, tuyên truyền và phát hành, trong đó có ba khâu cơ bản là: biên tập, in và phát hành. Mục đích cao nhất của hoạt động xuất bản là đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, còn việc tổ chức sản xuất, lưu thông, phát hành là phương thức của hoạt động này. Trong thời kỳ bao cấp trước đây, các nhà xuất bản ở nước ta đều hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, thực hiện việc cấp phát, giao nộp theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh, phần lớn xuất bản phẩm được phân phối, lưu thông trên thị trường theo địa chỉ đã định. Về giá cả mua bán là giá kế hoạch do Nhà nước ấn định. Mọi yếu tố sản xuất của quy trình xuất bản đều do Nhà nước chỉ đạo. Do đó, việc tổ chức sản xuất và quản lý các hoạt động xuất bản được thực hiện theo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước. Bởi thế, nó không hoạt động theo các quy luật kinh tế, mà thuần túy là các cơ quan, đơn vị sự nghiệp làm công tác văn hóa, tư tưởng. Bước sang cơ chế thị trường, hoạt động xuất bản dù phải hạch toán kinh doanh lỗ lãi, nhưng phải thấy rõ bản chất của xuất bản vẫn là hoạt động truyền bá văn hóa, sản phẩm sách thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần. Trong đời sống xã hội, xuất bản là một thiết chế văn hóa, tuy không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng nó phục vụ cho việc phát triển các giá trị chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học. Trong đời sống văn hóa tinh thần, xuất bản không phải đơn thuần là hoạt động sáng tác, nghiên cứu, mà nó còn thúc đẩy sự sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng các giá trị chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của xã hội. Mặc dù không trực tiếp nghiên cứu, sáng tác, song hoạt động xuất bản là bộ phận thiết yếu của đời sống văn hóa tinh thần, là khâu tiếp nối và nâng cao các hoạt động sáng tạo văn hóa, khoa học, là cầu nối giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc.
- Hoạt động xuất bản mang đặc điểm sản xuất hàng hóa. Bước sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các nhà xuất bản tự bươn trải, tự đổi mới hoạt động cho phù hợp với cơ chế mới để tồn tại và phát triển, nên thị trường xuất bản có điều kiện phát triển. Các nhà xuất bản phải tự hạch toán, chịu cạnh tranh và chịu mọi chính sách điều tiết về thuế, về giá trên thị trường. Sản phẩm của hoạt động xuất bản thực hiện trên thị trường dưới hình thức hàng hóa. Có nghĩa là, sản phẩm của hoạt động xuất bản được sản xuất ra với tư cách là hàng hóa. Quá trình tổ chức sản xuất, lưu thông phải được thực hiện theo quy luật của sản xuất hàng hóa, theo quy luật của kinh tế thị trường. Xuất bản là hoạt động vật chất hóa, xã hội hóa các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần. Để làm được điều đó, hoạt động xuất bản đòi hỏi những chi phí vật chất và tinh thần không nhỏ. Để tồn tại và phát triển, hoạt động xuất bản phải được hạch toán chi tiết từ đầu vào đến đầu ra. Do đó, trong cơ chế thị trường, hoạt động xuất bản tất yếu mang tính chất sản xuất hàng hóa, phải được thực hiện giá trị hàng hoá thông qua trao đổi trên thị trường và trở thành đối tượng của kinh doanh hàng hóa. Sự ra đời của công nghệ điện tử nhân bản, hoạt động xuất bản được máy tính trợ giúp và gần đây là internet, tất cả đã tác động sâu sắc đến hoạt động xuất bản, làm cho nó trở thành ngành công nghiệp hiện đại, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Như vậy, trong cơ chế thị trường, xuất bản phẩm luôn mang thuộc tính hàng hóa, hoạt động xuất bản là hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định thuộc tính này của xuất bản trong đời sống xã hội hiện đại. Trong cuốn Xuất bản và phát triển, Philip G. Albach và Damtew Teferra đã khẳng định: "Xuất bản vừa là một nghệ thuật vừa là một ngành kinh doanh. Nếu muốn tồn tại, xuất bản phải hoạt động trên nguyên tắc kinh doanh. Chúng ta hy vọng rằng nguyên tắc tài chính cơ bản này sẽ thấm vào các tổ chức xuất bản ở các nước đang phát triển. Đồng thời, xuất bản phải làm việc với các ý tưởng, và ở phần cốt lõi của nó, với một hoạt động truyền thông... Tuy không thể quay lại thời kỳ thoáng hơn trước đây, nhưng phải luôn nhớ luận điểm: xuất bản vừa thực sự liên quan đến ý tưởng và truyền thông, lại vừa thực sự liên quan đến lợi nhuận, đặc biệt trong điều kiện của các nước đang phát triển"[1].
- Đặc điểm nổi bật của hoạt động xuất bản là vừa phải thực hiện các quy luật kinh tế, vừa phải tuân theo các quy luật văn hóa, tư tưởng, khoa học. Xuất bản là một tổ hợp hoạt động phức hợp, trong đó có bộ phận sản xuất văn hóa tinh thần như biên soạn, biên tập, quản lý xuất bản..., có bộ phận sản xuất vật chất như công nghệ in, nhân bản sách, phát hành sách..., nên tính chất kinh doanh thương mại ở mỗi khâu và quy luật kinh tế tác động không giống nhau. Ví như: Việc tổ chức sản xuất kinh doanh của các cơ sở in hoàn toàn tuân theo quy luật của kinh tế thị trường và quy luật sản xuất vật chất. Trái lại, việc tổ chức biên soạn, biên tập bản thảo tuân theo quy luật sáng tạo giá trị văn hóa tinh thần. Còn cơ sở phát hành làm công việc lưu thông, vừa phải tuyên truyền giá trị văn hóa, vừa tuân theo quy luật của thị trường; vừa phải đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của xã hội, vừa phải tính toán đến lợi ích kinh doanh.
Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nên hoạt động xuất bản phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động xuất bản không thể tách rời phạm trù sản xuất hàng hóa và tiền tệ. Tất cả những người tham gia hoạt động xuất bản đều có quan hệ chặt chẽ với kinh tế hàng hóa và thị trường. Trong cơ chế thị trường, hoạt động xuất bản mang tính xã hội hóa cao, không thể dùng cơ chế bao cấp của Nhà nước như trước đây. Bởi ngân sách Nhà nước không thể đủ khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu đa dạng của bạn đọc về xuất bản phẩm, trừ một số loại thiết yếu phục vụ cho một số đối tượng và nhiệm vụ thiết yếu do Đảng và Nhà nước quy định. Do đó, cùng với đổi mới cơ chế kinh tế, cơ chế và phương thức hoạt động xuất bản cũng đã thay đổi. Nghĩa là, hoạt động xuất bản phải gắn với thị trường, phần lớn xuất bản phẩm phải trở thành hàng hóa, phải tiến hành việc hạch toán kinh doanh, kết hợp sự điều tiết của thị trường với sự quản lý vĩ mô của Nhà nước trong hoạt động xuất bản. Cụ thể là, hoạt động xuất bản cũng bị cạnh tranh trên thị trường, để giành giật bạn đọc. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn xuất bản phẩm theo nhu cầu của mình. Các nhà xuất bản đều tìm mọi cách để dành được bạn đọc tiềm tàng bằng cách cho ra thị trường những xuất bản phẩm mà bạn đọc ưa thích. Nhưng mục tiêu cao cả của hoạt động xuất bản là văn hóa, tư tưởng, khoa học nhằm hoàn thiện nhân cách con người, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Đảng ta luôn khẳng định mục tiêu văn hóa, tư tưởng, khoa học của hoạt động xuất bản và coi đó là tôn chỉ, mục đích mà các nhà xuất bản và hoạt động xuất bản phải đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, hoạt động xuất bản không đơn thuần chỉ là kinh doanh theo đuổi lợi nhuận, mà phải thực hiện mục tiêu văn hóa, tư tưởng, khoa học; không thể coi mục tiêu kinh doanh chỉ thuần túy là lợi nhuận, mà phải luôn luôn kết hợp hai mục tiêu: văn hóa, tư tưởng, khoa học và kinh tế. Hai mục tiêu này có thể kết hợp thực hiện được nếu diễn biến thị trường được phân tích một cách tối ưu và trên cơ sở xử lý và phản ứng một cách linh hoạt các thông tin thị trường mà xây dựng chiến lược kinh doanh xuất bản hợp lý. Ở đây, có thể vận dụng câu nói của C.Mác nhắc nhở những người làm công tác nghệ thuật ở lĩnh vực này: "Cố nhiên nhà văn phải kiếm tiền để sống và viết, nhưng trong bất cứ trường hợp nào anh ta cũng không được sống và viết để kiếm tiền... Nhà văn không thể xem công việc của mình như là một kế sinh nhai. Đó là mục đích tự thân, nó không phải là một kế sinh nhai đối với anh ta cũng như đối với người khác, đến nỗi nhà văn phải hy sinh sự tồn tại của mình cho sự tồn tại của nó, nếu cần”2. Do tính chất hai mặt đó, hoạt động xuất bản phải vừa chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, vừa phải tuân theo các quy luật văn hóa, tư tưởng, khoa học. Cho nên, hoạt động xuất bản sách phải tính đến đặc điểm nổi bật này.
- Hoạt động xuất bản sách đang bị mặt trái của cơ chế thị trường tác động. Tình hình quốc tế hiện nay biến chuyển nhanh chóng và phức tạp, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,... Nó có ảnh hưởng và tác động mạnh đến hoạt động xuất bản ở nước ta cả mặt tích cực và tiêu cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, các cơ chế, chính sách đang được thể chế hóa. Tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện và còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đòi hỏi từ thực tế của hoạt động xuất bản. Đúng như Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra: “Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức,… rất đáng lo ngại”3. Điều đó cũng tác động mạnh đến hoạt động xuất bản. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động xuất bản đang bị mặt trái của cơ chế này tác động, đang nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực như: khuynh hướng thương mại hóa, lai căng, chạy theo thị hiếu tầm thường, chụp giật bản thảo, "nạn dịch" sách kém chất lượng, hiện tượng gian lận trong kinh doanh, trốn thuế, bán giấy phép thu phí quản lý mà không quan tâm đến nội dung, đặc biệt là tình trạng in lậu sách có chiều hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức.
Nắm vững các đặc điểm trên sẽ là cơ sở xác định đúng mục tiêu và nhiệm vụ, giúp nền xuất bản nước ta sẽ hoạt động theo đúng định hướng tiên tiến và hiện đại, góp phần đắc lực cho công cuộc đổi mới, cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ có hiệu quả cho công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta.
Chú thích:
1. Philip G. Albach và Damtew Teferra: Xuất bản và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1999, tr. 20-21.
2. C. Mác và Ph. Ăngghen: Về văn học nghệ thuật, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 66.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.169.
PGS.TS. Lê Văn Yên
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và gặp mặt trước khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ
- Công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật