Mỹ Lai Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát
Đầy tính thuyết phục, bao quát và cũng rất ám ảnh, hoàn toàn dựa trên nghiên cứu tài liệu lưu trữ toàn diện, hồ sơ quân sự và các cuộc phỏng vấn sâu rộng với quân nhân Mỹ và Việt Nam cũng như những nạn nhân còn may mắn sống sót sau vụ thảm sát tàn bạo, 712 trang sách của Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát đã tái hiện vô cùng chi tiết và tỉ mỉ về diễn biến và hậu quả của cuộc thảm sát Mỹ Lai.
“Là tác phẩm lôi cuốn nhất cho đến nay về thảm sát Mỹ Lai và hậu quả của nó, được nghiên cứu kỹ lưỡng và tỉ mỉ với luận điểm thuyết phục, đây thực sự là cuốn sách vô cùng xuất sắc - một tài liệu tin cậy chắc chắn phải đọc đối với bất cứ ai quan tâm đến kỷ nguyên Việt Nam cũng như câu chuyện bi kịch của nước Mỹ, những sai lầm khủng khiếp có thể xảy ra trong xung đột vũ trang, bất chấp luật chiến tranh”. Ralph B. Levering - cha đẻ của các tác phẩm hay nhất về Chiến tranh lạnh - đã thể hiện một cách tóm lược nhưng đầy đủ giá trị nội dung và ý nghĩa thực tiễn của cuốn sách “Mỹ Lai Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát”. Cuốn sách được viết bởi tác giả Howard Jones - Giáo sư danh dự ngành Lịch sử tại Đại học Alabama; do dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ.
Mỹ Lai Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát, tác giả Howard Jones - Giáo sư danh dự ngành Lịch sử tại Đại học Alabama; do dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ.
Mỹ Lai vốn là một làng nhỏ yên bình của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, khu vực Nam Trung Bộ, nhưng chiến dịch tìm-và-diệt của đế quốc Mỹ đã xới tung mảnh đất hiền hòa vì chúng tin rằng đây là thành trì của Việt cộng, nơi cả trẻ em và người già, phụ nữ và nam giới đều có thể là Việt cộng hoặc người cảm tình với Việt cộng, kéo theo sự kiện thảm sát kinh hoàng cho người dân Mỹ Lai - một vết nhơ khó có thể gột rửa trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Mỹ.
Sáng sớm 16/3/1968, lính Mỹ từ ba trung đội của Đại đội C (Đại đội Charlie) tràn vào bốn thôn là Mỹ Lai 4, Mỹ Khê 4, Bình Tây và Bình Đông của huyện Sơn Tịnh ở miền Nam Việt Nam, gần khu vực phi quân sự, người Mỹ hay gọi là “Pinkville” (Làng Hồng). Binh lính Mỹ, nhiều người chỉ vừa tốt nghiệp trung học và mới đến Việt Nam vài ba tháng, đã phải tham gia nhiệm vụ tìm-và-diệt. Tâm trạng lính Mỹ trở nên hoảng loạn bởi sự kiện Tết Mậu Thân mới chỉ xảy ra cách đó vài tuần trước, cộng với những tổn thất nặng nề từ các loại mắn và bẫy mìn, đặc biệt là mối đe dọa thường trực từ một kẻ thù dường như vô hình. Ba giờ đồng hồ sau khi lính Mỹ lùng sục các thôn, “giết chết tất cả những gì có thể thở”, khoảng 504 dân làng không có vũ khí, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, rất nhiều trẻ sơ sinh, đã thiệt mạng thảm khốc dưới bàn tay của lính Mỹ. Vụ thảm sát tàn ác được đặt theo tên của một trong các thôn đó - “thảm sát Mỹ Lai”.
Các cơ quan quân đội Mỹ ra sức che giấu tin tức về Mỹ Lai bằng các số liệu báo cáo giả, cho đến khi một số người từng có mặt ở hiện trường, cụ thể là phi công trực thăng Hugh Thompson và xạ thủ trực thăng Lawrence Colburn, đã lên tiếng về những gì họ chứng kiến. Trung úy William Calley, chỉ huy Trung đội 1, nhân vật trực tiếp tham gia và là đại diện tiêu biểu cho cuộc tàn sát thú nhận đã nổ súng giết hại rất nhiều dân làng, nhưng quả quyết chỉ làm theo lệnh, và đây cũng là lập luận cho hành vi giết người của nhiều binh lính và sĩ quan khác. Một bài viết kèm theo những hình ảnh chân thực vạch trần vụ thảm sát và sự che đậy từ phía Mỹ của nhà báo Seymour Hersh đã làm dấy lên sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, và từ đó bắt đầu các cuộc điều trần của Quốc hội và Quân đội Mỹ. Calley và rất nhiều sĩ quan khác đã bị quy kết phạm tội ác chiến tranh, mặc dù chỉ có Calley bị quản thúc tại gia trong ba năm rưỡi trước khi hoàn toàn được tự do vào năm 1974.
Thực tế được làm sáng tỏ về Mỹ Lai đã chia rẽ dư luận Mỹ. Nhiều người coi Calley như “kẻ giơ đầu chịu báng”, “con dê tế thần”, là nạn nhân của chiến lược giết chóc trong cuộc chiến tranh mà Mỹ không thể giành phần thắng. Những người khác thì thấy Calley đích thực là một tội phạm chiến tranh. Sự tàn ác càng làm nóng lên phong trào phản đối chiến tranh, làm sụp đổ mọi luận điệu về tính ưu việt trong giá trị đạo đức của nước Mỹ. Ảnh hưởng của nó đối với nhuệ khí và chính sách quân sự là vô cùng rõ rệt và lâu dài. “Đối với nhiều người Mỹ... thảm sát Mỹ Lai vừa là kết quả, vừa trượng trưng cho những gì là sai lầm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam… và trong quá trình chiến đấu vì nền dân chủ và lối sống, nước Mỹ đã mất phương hướng đạo đức”, tác giả đau lòng khẳng định.
Đầy tính thuyết phục, bao quát và cũng rất ám ảnh, hoàn toàn dựa trên nghiên cứu tài liệu lưu trữ toàn diện, hồ sơ quân sự và các cuộc phỏng vấn sâu rộng với quân nhân Mỹ và Việt Nam cũng như những nạn nhân còn may mắn sống sót sau vụ thảm sát tàn bạo, 712 trang sách của Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát đã tái hiện vô cùng chi tiết và tỉ mỉ về diễn biến và hậu quả của cuộc thảm sát Mỹ Lai, đồng thời phân tích kỹ lưỡng phản ứng của các bên tham gia chiến dịch. Sự chân thực đến xé lòng được lột tả qua từng trang sách khiến độc giả khó thoát khỏi ám ảnh bởi những hình ảnh kinh hoàng của buổi sáng tháng 3 năm 1968 - một ngày mãi mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí những người ở lại, bởi cuộc tàn sát đã cướp đi gần như toàn bộ gia đình, họ hàng, bạn bè và xóm giềng của họ.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”