Nâng cao chất lượng và hiệu quả sách lý luận chính trị góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng
Các ấn phẩm lý luận chính trị có một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiện thực hóa chúng trong cuộc sống. Thời gian qua, việc xuất bản và phát hành các ấn phẩm lý luận chính trị đã có những nỗ lực và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, để các ấn phẩm có vai trò lớn hơn nữa, rất cần những thay đổi trên nhiều phương diện.
1- Vai trò của ấn phẩm lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, để thực hiện có kết quả công cuộc đổi mới vì chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, sách báo lý luận chính trị có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng suy nghĩ và hành động của toàn thể xã hội, là một nhân tố góp phần ổn định và phát triển đất nước. Bởi lẽ, bên cạnh những tác động tích cực là cơ bản, việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng có những tác động trái chiều. Kinh tế thị trường - dù đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - có tác động rất mạnh tới sự phân hóa xã hội, phân cực giầu nghèo. Cội nguồn sâu xa và cũng là nhân tố mang tính tất yếu khách quan của nó là, để có kinh tế thị trường, không thể không thừa nhận nhiều hình thức sở hữu, nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh khác nhau. Phát triển kinh tế thị trường làm nảy sinh tác động của quy luật cạnh tranh… Hai nhân tố nêu trên không tránh khỏi dẫn tới sự đa dạng hóa cơ cấu giai cấp - xã hội, đa dạng hóa giai tầng xã hội. Những người hoạt động trong các hình thức sở hữu khác nhau, trong loại hình sản xuất, kinh doanh khác nhau sẽ có tâm tư, tình cảm, nhu cầu, lợi ích kinh tế, chính trị không hoàn toàn như nhau.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta tranh thủ được nguồn lực đầu tư cho phát triển, tranh thủ được thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại để đẩy nhanh sự phát triển của kinh tế - xã hội, trước hết là sự phát triển của lực lượng sản xuất… Nhưng, cũng do hội nhập, nhiều phong cách hoạt động, phong cách tư duy - cả tích cực và tiêu cực- từ bên ngoài cũng thâm nhập vào trong nước, có tác động đến sự đồng thuận đối với đường lối phát triển đất nước mà Đảng đề ra.
Vì những vấn đề nêu trên, việc làm cho mọi người dân thấy được những gì là tích cực, có thể tiếp thu, tham khảo; những gì tiêu cực cần phê phán, cần loại bỏ; việc xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng cho không chỉ đội ngũ cán bộ, đảng viên mà cả đông đảo quần chúng nhân dân… là đòi hỏi khách quan của đất nước, là nhiệm vụ của công tác tư tưởng- lý luận, tuyên truyền của Đảng, mà xuất bản phẩm là một công cụ quan trọng.
Do ý thức rõ sứ mệnh lịch sử của mình, lường hết được các vấn đề có thể nảy sinh cần giải quyết để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhiều nhà xuất bản đã có những nỗ lực to lớn trong tổ chức các bản thảo sách lý luận chính trị, trong lựa chọn xuất bản các sách chính trị của nước ngoài. Nhờ vậy, tính định hướng chính trị của các xuất bản phẩm do các nhà xuất bản ấn hành được giữ vững; tính đa dạng của các sách lý luận chính trị mang tính tham khảo (của các tác giả trong nước lẫn tác giả ngoài nước) tăng lên, quan điểm chính trị của Đảng ta vẫn giữ vai trò chủ đạo. Sự thống nhất trong tính đa dạng được các nhà xuất bản rất xem trọng, tạo ra một bộ mặt sinh động của sách lý luận chính trị, tính hấp dẫn của các xuất bản phẩm do các nhà xuất bản ấn hành không ngừng tăng lên.
Bên cạnh những kết quả, những đóng góp của các ấn phẩm lý luận chính trị thời gian qua rất đáng ghi nhận, chúng tôi cũng thấy nổi lên một số vấn đề vừa thuộc các nhà xuất bản, vừa có liên quan tới các nhà xuất bản:
Một là, trong những năm gần đây, số lượng xuất bản phẩm lý luận chính trị do các tác giả trong nước biên soạn ngày một tăng, nhưng chất lượng không được tăng tương ứng. Bên cạnh nhiều xuất bản phẩm là kết quả của sự nghiên cứu khoa học công phu, bám sát những vấn đề thực tiễn xã hội - chính trị của đất nước, nêu lên được các bức xúc của xã hội và gợi mở được hướng giải quyết vấn đề, thì cũng có một số xuất bản phẩm lý luận chính trị chưa đạt yêu cầu như vậy. Đối với một số xuất bản phẩm loại này, dường như các nhà xuất bản chỉ quan tâm công trình đó có sai sót gì về lập trường, quan điểm chính trị hay không, còn tính khoa học, tính thực tiễn đến đâu, lại ít được chú ý. Chỉ cần tác giả bảo đảm đầu ra là có thể in. Hậu quả là có cả một số xuất bản phẩm lý luận chính trị có chất lượng rất thấp, không có tác động tích cực nâng cao trình độ lý luận chính trị và thực tiễn chính trị của độc giả.
Hai là, trong đời sống lý luận chính trị nước nhà nói chung, trong các xuất bản phẩm nói riêng, còn rất thiếu những công trình đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc, mang tính xây dựng, vì sự phát triển tiến bộ của đất nước. Nói cách khác, đời sống chính trị chính thống của chúng ta, kể cả các xuất bản phẩm chính thống, còn ít mang tính tranh luận.
Chúng ta cần lưu ý rằng, nhận thức là một quá trình, nó không chỉ bị quy định bởi trình độ nhất định của thực tiễn với tư cách là cái được phản ánh, mà còn bị quy định bởi năng lực nhận thức, năng lực của chủ thể phản ánh, mục tiêu phản ánh và nhu cầu thực tiễn mang tính lịch sử - cụ thể của con người. Do vậy, cùng một vấn đề, ở các giai đoạn khác nhau, ứng với trình độ, năng lực phản ánh khác nhau đạt được ở giai đoạn lịch sử đó, và với mục tiêu chính trị cụ thể tương ứng, chúng ta có tư tưởng, quan điểm tương ứng. Khi các nhân tố nêu trên thay đổi, tất yếu mang lại những nhận thức mới về ngay cái đã được khẳng định, đôi khi rất khác với điều đã được khẳng định.
Cũng cần lưu ý rằng, chân lý không chỉ được phát hiện ra từ thực tiễn, mà còn được phát hiện ra thông qua trao đổi, tranh luận trên cơ sở thực tiễn. Tiền đề để có tranh luận, thảo luận là phải có ý kiến khác nhau. Do quá ít những công trình, những xuất bản phẩm chính trị mang những tư tưởng, quan điểm khác nhau được ấn hành, nên bầu không khí tranh luận, thảo luận trên lĩnh vực lý luận chính trị của chúng ta còn chưa được khởi sắc là bao. Ở đây có vấn đề về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Sự cần thiết phải có quy chế dân chủ trên lĩnh vực này đã được đặt ra hơn 20 năm nay, nhưng qua gần 20 lần soạn thảo, điều chỉnh, sửa chữa nhưng vẫn chưa được ban hành. Thấy rõ sự cần thiết của vấn đề này, Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị.
Ba là, có thể do công tác phát hành các ấn phẩm lý luận chính trị khó khăn, nên Nhà nước quy định lệ phí phát hành gấp gần 3 lần (thực tế có khi hơn) so với tiền nhuận bút trả cho người sáng tạo ra sản phẩm đó. Theo tôi, đây là một điều rất phi lý, nhưng đã tồn tại nhiều năm nay mà vẫn chưa có hướng giải quyết. Sự phi lý đó dẫn tới tình trạng một số nhà khoa học dồn tâm sức của mình viết bài cho các báo, tạp chí. Sản phẩm của họ vừa được lan toả nhanh, tác giả lại được nhuận bút cao, tính điểm công trình khi xét phong học hàm, học vị hay khen thưởng thi đua, có lợi hơn nhiều so với công sức bỏ ra viết sách. Vấn đề này tuy không thuộc trách nhiệm nhà xuất bản, nhưng cũng là tác nhân có ảnh hưởng tới chất lượng các xuất bản phẩm của nhà xuất bản, khi chưa thu hút được nhiều hơn nữa các tác giả có trình độ trên các lĩnh vực. Nhà xuất bản cần thể hiện thái độ của mình đối với những quy định, những chính sách như thế.
2- Một số đề xuất, kiến nghị bước đầu
Để tiếp tục có nhiều xuất bản phẩm lý luận chính trị với chất lượng cao đến tay độc giả, cần quan tâm một số điểm sau đây:
- Nắm bắt chắc nhu cầu của cuộc sống. Mọi xuất bản phẩm nói chung, xuất bản phẩm lý luận chính trị nói riêng, đều nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng đến đâu lại là một vấn đề cần phân tích kỹ, nó cũng quyết định sự thuận lợi hay khó khăn về đầu ra của xuất bản phẩm. Vì, nhu cầu cuộc sống của con người luôn đa dạng, phong phú, muôn vẻ, trong đó, ở tầm khái quát nhất, có thể nói tới hai loại nhu cầu: Một là, nhu cầu từ phía bảo đảm định hướng chính trị của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị nói chung; Hai là, nhu cầu phát sinh từ chính nhân dân. Hai loại nhu cầu này có mặt đồng nhất, có mặt khác nhau. Do vậy, trong khi xem trọng việc bảo đảm nhu cầu thứ nhất, không thể không chú ý đúng mức tới loại nhu cầu thứ hai, thậm chí, phải xem loại nhu cầu thứ hai là bộ phận quan trọng nhất.
Nhu cầu định hướng chính trị – tư tưởng của Đảng, của Nhà nước đối với xã hội cũng trên tinh thần vì nhu cầu của nhân dân. Bởi lẽ, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đều là kết quả khái quát nhu cầu lành mạnh, chính đáng, vì sự phát triển cá nhân và xã hội của nhân dân. Điều đó giải thích vì sao khi đề cập tới việc đổi mới quá trình xây dựng đường lối, chính sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Trước đây việc gì cũng “từ trên dội xuống”, từ nay, việc gì cũng phải “từ dưới nhoi lên”.
Việc nắm vững nhu cầu chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước là vấn đề không đơn giản, nhưng không khó lắm, bởi lẽ chúng ta có các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Điều khó hơn là nắm bắt nhu cầu của nhân dân. Trong vấn đề này, việc các nhà xuất bản sâu sát cuộc sống, sống cùng với cuộc sống của nhân dân, thở cùng với nhịp thở của nhân dân, biết trăn trở cùng với những trăn trở của nhân dân, sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Yêu cầu này có thể thực hiện được bằng hai cách: a/ cho cán bộ nhà xuất bản thâm nhập sâu vào thực tiễn cuộc sống; b/ thiết lập được mối liên hệ mật thiết giữa nhà xuất bản với các địa phương, cơ sở.
Trên cơ sở nắm bắt được hai loại nhu cầu nêu trên, nhà xuất bản xác định một số chủ đề, đặt các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu có năng lực thực hiện các chủ đề đó. Bằng cách này, nhà xuất bản có điều kiện tham gia ngay từ đầu của quá trình soạn thảo, như thế chắc chắn bảo đảm được yêu cầu của nhà xuất bản và, nhìn chung, cách làm đó sẽ nhanh có tác phẩm đáp ứng nhu cầu. Đối với các tác phẩm thuộc loại này, nhà xuất bản chắc chắn phải có sự đầu tư thoả đáng.
- Đối với các công trình là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp nhà nước - đây là loại đề tài được Đảng, Nhà nước đặt hàng, việc tham khảo ý kiến Hội đồng nghiệm thu thông qua việc xem xét các bản nhận xét của uỷ viên phản biện và kết luận của Chủ tịch Hội đồng là một cách làm cần thiết. Vì, nó là cơ sở để đánh giá chất lượng bản thảo, những điểm cần lưu ý khi biên tập. Đối với các công trình là sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp cơ sở, cần có thẩm định kỹ hơn. Việc thẩm định có thể thực hiện như phản biện độc lập đối với các luận án tiến sĩ. Điều đó sẽ góp phần khắc phục được sự dễ dãi, nể nang khi nghiệm thu các loại đề tài này, mang lại một sự đánh giá khách quan, khoa học. Từ đó, nhà xuất bản quyết định có ấn hành hay không, cần biên tập như thế nào.
- Chuyên biệt hóa các biên tập viên của nhà xuất bản. Lý luận chính trị là một lĩnh vực rất rộng, không một cá nhân biên tập viên nào có đủ sức nắm bắt được hoàn hảo mọi lĩnh vực cả về lý luận lẫn thực tiễn. Ngay khi chúng ta phân ra các lĩnh vực lớn (kinh điển, xây dựng Đảng, Nhà nước và pháp luật, quốc tế…) thì mỗi lĩnh vực đó cũng gồm hàng chục chuyên ngành khác nhau. Nếu chúng ta chuyên biệt hóa được các biên tập viên ngày càng sâu hơn, đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận lẫn thực tiễn sâu về lĩnh vực chuyên biệt đó, họ sẽ có đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng của các bản thảo khi được giao nhiệm vụ biên tập. Bởi lẽ, biên tập chắc chắn không chỉ là sửa câu chữ cho đúng ngữ pháp, mà quan trọng hơn, là nâng chất lượng về nội dung của bản thảo. Muốn vậy, người biên tập phải có trình độ sâu về lĩnh vực mà họ biên tập. Làm như nêu trên là một cách góp phần tạo ra đội ngũ biên tập như vậy.
Đổi mới phương pháp biên soạn sách lý luận chính trị là một nhu cầu cấp bách, nó đòi hỏi phải đổi mới tất cả các khâu liên quan tới việc biên soạn – từ xác định chủ đề, làm rõ yêu cầu sản phẩm, tổ chức mạng lưới cộng tác viên đến mời người thực hiện, xây dựng và phê duyệt đề cương, tổ chức biên soạn, thẩm định kết quả và biên tập, phát hành. Làm tốt công việc này chính là đã tích cực nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng nhân dân, góp phần quan trọng vào thành công của các chủ trương, đường lối xây dựng và phát triển đất nước do Đảng ta đề ra./.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023