Ngày hội đọc sách ở Việt Nam nhìn từ thực tiễn cuộc sống
Từ hàng ngàn năm nay, đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống xã hội loài người, trong tiến trình văn minh nhân loại. Bởi lẽ sách cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống xã hội, giúp cho con người có thêm kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống, lao động, học tập và cả trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, tư duy. Tóm lại, sách báo góp phần giúp cho “con người sống người hơn” (C.Mác) trong một xã hội luôn phức tạp và đầy biến động.
Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại từ hàng ngàn năm nay, ở nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách báo cho các tầng lớp nhân dân. Khoảng hơn trăm năm trở lại đây, ở châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á đã xuất hiện những Ngày đọc sách /Lễ hội đọc sách như một biểu trưng về văn hóa, như Lễ hội đọc sách hay Tuần lễ đọc sách ở các nước: Pháp, Đức, Italia, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Xingapo... Đó là những ngày (hoặc lễ hội) đọc sách mang tầm vóc quốc gia, nhằm khẳng định giá trị và vai trò xã hội của văn hóa đọc, đồng thời tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng; khuyến cáo và đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thư viện tại các nước đó.
Nhìn trên bình diện quốc tế, những Lễ hội đọc sách /Ngày hội đọc sách đó đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý… ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin và “văn hóa nghe nhìn” từ nhiều năm nay đã và đang lấn át “văn hóa đọc”, thì việc tổ chức các Ngày hội đọc sách, Lễ hội đọc sách ấy đã góp phần khẳng định văn hóa đọc mãi mãi trường tồn và không có gì có thể thay thế được.
Ở Việt Nam từ hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23 tháng 4) hằng năm, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam hưởng ứng, tổ chức và phát động Ngày hội đọc sách có quy mô quốc tế này. Từ đó đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hóa - Thông tin), Ngày hội đọc sách ở nước ta đã dần trở thành nền nếp và đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi từ Trung ương tới khắp các địa phương, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với mục đích cao cả không chỉ tôn vinh văn hóa đọc, khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của việc đọc sách báo trong đời sống xã hội - một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần và truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam - những Ngày đọc sách ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc tôn vinh văn hóa đọc được tổ chức bằng các hình thức phong phú, đa dạng như: triển lãm, trưng bày sách báo, giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, v.v.. Ngày hội đọc sách ở nước ta đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả vật chất và tinh thần to lớn cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa hoạt động thư viện có ý nghĩa này đã thu được nhiều kết quả to lớn. Từ hơn 10 năm nay, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây (Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-02-2014 lấy ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam), mỗi năm, Ngày sách và văn hóa đọc ở nước ta đã nhận được sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với hàng nghìn, hàng vạn cuốn sách (có trị giá hàng tỷ đồng) và nhiều cơ sở vật chất có giá trị. Chỉ tính riêng tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, từ 2010 đến nay, mỗi năm thư viện đã nhận được hàng ngàn cuốn sách từ Cục Xuất bản và các nhà xuất bản lớn ở Trung ương, từ các tổ chức, đại sứ quán các nước ủng hộ (với tổng trị giá hằng năm vài trăm triệu đồng bằng sách và các trang thiết bị thư viện....), để giúp đỡ cho các thư viện và tủ sách ở các địa phương còn nhiều khó khăn như: Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Trị... Ở Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng ứng Ngày hội đọc sách trong cả nước, chỉ tính sơ bộ từ năm 2010 đến 2016, cũng đã thu hút được sự quan tâm chú ý của hàng ngàn độc giả. Những ngày này, Thư viện Khoa học tổng hợp đã cấp được hằng trăm thẻ đọc mới cho sinh viên và bạn đọc, đặc biệt nhân Ngày hội sách, Ban tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ, tài trợ quý báu của các nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng, Phụ nữ... cho hàng chục thư viện, tủ sách cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khó khăn (trị giá mỗi năm gần 200 triệu đồng bằng sách). Ví dụ: năm 2010, Nhà xuất bản Trẻ đã tặng cho 35 thư viện, tủ sách trên địa bàn thành phố số sách trị giá 175 triệu đồng. Tính đến năm 2016, chúng ta chưa có được số liệu thống kê cụ thể về số người tham gia ngày hội đọc sách tại tất cả 63 thư viện tỉnh, thành cũng như số tiền, hiện vật và tư liệu sách báo nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho việc duy trì và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Chỉ biết rằng số lượng người tham gia là rất lớn, và số tiền, hiện vật, sách báo, tư liệu, v.v. mà chúng ta nhận được trị giá lên tới hàng tỉ đồng/năm. Đặc biệt, số sách báo quyên góp được thông qua những Ngày hội đọc sách ở các tỉnh khu vực: Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... đã được nhanh chóng đưa tới các điểm đọc sách báo, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đang thiếu sách báo và khát khao tri thức. Đây có thể coi là một kết quả khả quan, có ý nghĩa xã hội của ngành thư viện Việt Nam, của Hội Thư viện Việt Nam với những nỗ lực to lớn để cho toàn dân quan tâm đến văn hóa đọc và công tác thư viện.
Hưởng ứng "Ngày sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017” gắn liền với dịp kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm Đường cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội sách với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” tại Công viên Thống Nhất (ngày 6-4-2017). Hội sách thu hút khoảng hơn 100 gian hàng với sự góp mặt của 80 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong cả nước; trưng bày, giới thiệu hàng vạn bản sách thuộc nhiều thể loại, chủ đề khác nhau như: chính trị, pháp luật, kinh tế, khoa học, giáo dục, văn học, lịch sử,…Bên cạnh đó, tại Hội sách, ban tổ chức, các nhà xuất bản, các đơn vị đã tổ chức các hoạt động giao lưu tác giả - độc giả, giới thiệu các cuốn sách có giá trị, các buổi hội thảo, tọa đàm về những đề tài có liên quan đến các cuốn sách tiêu biểu hay những vấn đề thời sự, đang được dư luận và xã hội quan tâm. Trong dịp này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức giới thiệu tác phẩm Đường cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng "Ngày sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã trao tặng hơn 200 đầu sách lý luận chính trị, pháp luật, tư tưởng Hồ Chí Minh cho Thư viện Đồn biên phòng Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để phục vụ chiến sĩ và đồn bào dân tộc vùng cao biên giới.
Tuy vậy, để góp phần phát triển thư viện ở nước ta và không ngừng nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân, đặc biệt để những Ngày đọc sách ở Việt Nam thực sự thu hút đông đảo nhân dân, có ý nghĩa sâu rộng trong đời sống xã hội, xin đề xuất một số nội dung cơ bản sau đây:
1. Đề nghị Hội Thư viện Việt Nam; Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thư viện Quốc gia Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với nhau để duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc trong nhân dân trong phạm vi cả nước từ Trung ương đến khắp các tỉnh, thành, nhất là trong trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam (21-4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4) hằng năm. Và thực tế, hoạt động có tổ chức này đã bước đầu thu hút được sự chú ý, quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội - trong đó có tầng lớp độc giả. Tuy nhiên, bên cạnh việc tổ chức giao lưu triển lãm sách, tuyên truyền giới thiệu sách, nhằm nâng cao vị thế văn hóa đọc và thư viện, thì các thư viện trong cả nước cần chủ động phối kết hợp với các cơ quan hữu quan, tích cực quảng bá hoạt động này sâu rộng hơn, đầy đủ hơn và mạnh mẽ hơn, để trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hóa thực sự to lớn, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc.
2. Trong việc “chấn hưng văn hóa đọc” (theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030); ngành Thư viện Việt Nam bên cạnh việc duy trì thường xuyên Ngày sách Việt Nam, cần phải thu hút sự chú ý, quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân có tâm huyết với văn hóa đọc, với sách báo và thư viện nhiều hơn nữa, nhằm huy động sự tài trợ, hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn nữa cho sự nghiệp thư viện ở Việt Nam (nhất là đối với các thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn).
Thời trẻ, khi đang du học ở Liên Xô cũ vào những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, tôi đã rất thích thú và khâm phục người Nga và văn hóa đọc của họ. Hầu như quanh năm, suốt tháng, trên xe buýt, trong công viên, dưới bến hay trên tàu điện ngầm..., hoặc bất cứ lúc nào rảnh rỗi, là họ say sưa đọc sách báo. Đúng là người dân Nga không bỏ phí thời giờ một cách vô ích. Nét đẹp văn hóa ấy của người dân Nga đã trở thành nếp sống và thấm sâu vào tiềm thức mọi người dân từ già đến trẻ. Còn ở nước ta thì hình như, điều đó chưa có và cũng chưa thành nền nếp. Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Có thể thấy, văn hóa đọc và thư viện ở nước ta đang trong quá trình phát triển, trong quá trình vận động của lịch sử, của thời gian.
Bất luận thế nào và dù rằng những Ngày hội đọc sách ở Việt Nam mới chỉ được hình thành và tổ chức cách đây chưa lâu, song có thể khẳng định rằng: Tất cả những gì mà chúng ta đã đạt được, những tình cảm và trách nhiệm của bạn đọc, của nhân dân, của nhiều tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước đối với ngày hội đọc sách ở Việt Nam trong những năm tháng qua, luôn là một nguồn sữa mẹ trong lành nhất, bổ dưỡng nhất và quý giá nhất để góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển cũng như khẳng định, tôn vinh văn hóa đọc ở Việt Nam - một nước có nền văn hiến lâu đời - trước bối cảnh văn hóa nghe nhìn đang lấn át mạnh mẽ.
Cuốn Đường cách mệnh là tác phẩm tập hợp bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927. Kể từ đó đến nay, cuốn sách liên tục được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành rộng rãi đến đông đảo bạn đọc. |
ThS. Nguyễn Hữu Giới
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”