Nghiên cứu văn hóa đô thị Trung Quốc

Nghiên cứu văn hóa đô thị Trung Quốc
Tác giả: Hồ Huệ Lâm, Trần Hân, Vương Phương Hoa (Chủ biên)
Số trang: 539 trang
Giá tiền: Sách không bán
Xuất bản: 2011
  • Thông tin sách
  • Bình luận
  • Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, đô thị nước ta phát triển khá nhanh. Qua hơn 20 năm đổi mới, nước ta có gần 200 đô thị mới ra đời. Tính đến cuối năm 2009 cả nước đã có 755 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), 9 đô thị loại I, trong đó có 3 đô thị loại I trực thuộc Trung ương (Thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), 6 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (Vinh, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột), 13 đô thị loại II, 32 đô thị loại III, 53 đô thị loại IV và 646 đô thị loại V[1]. Ước tính số dân đô thị Việt Nam hiện nay là 27 triệu người và sẽ tăng lên 46 triệu người vào năm 2020. Sự phát triển  của đô thị được coi là động lực, hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi vùng, mỗi địa phương. Các đô thị ngày nay thực sự có vị trí quan trọng khi đóng góp tới 75% GDP và thu hút khoảng 30% số dân cả nước.

    Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng nảy sinh nhiều tiêu cực như: tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại, đất nông nghiệp bị lấn chiếm, nạn ô nhiễm, úng ngập, tắc nghẽn giao thông, thiếu nhà ở, v.v.. Đặc biệt là, lối sống và văn hóa đô thị cũng bộc lộ nhiều vấn đề: sự chênh lệch về thu nhập giữa nhóm giàu và nhóm nghèo trong xã hội ngày càng tăng, ảnh hưởng của lối sống hưởng thụ theo kiểu phương Tây, lối sống trên tiền và tuyệt đối hóa đồng tiền, nạn cờ bạc, mại dâm, ma túy,…

    Để khắc phục tình trạng này và giúp cho đô thị phát triển hài hòa, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vừa qua đã nêu rõ: Cần phải phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn, “phát triển đô thị phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, theo quy hoạch dài hạn, không khép kín theo ranh giới hành chính và xử lý đúng mối quan hệ giữa đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn. Đẩy mạnh việc đưa công nghiệp và dịch vụ về nông thôn để hạn chế tình trạng nông dân ra các thành phố, đồng thời không để một khu vực lãnh thổ nào trống vắng đô thị”.[2] Để phát triển đô thị, Đảng và Nhà nước ta chủ trương: “Đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển đô thị. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển”.[3]

       Cùng với việc đề ra và thực hiện chính sách phát triển đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý đô thị, v.v., chúng ta còn tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quản lý và phát triển đô thị, nhất là nghiên cứu về văn hóa đô thị của các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, một nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng với nước ta.

    Theo tinh thần này, để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về quản lý và phát triển đô thị, nhất là về văn hóa đô thị, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách “Nghiên cứu văn hóa đô thị Trung Quốc” của một số nhà học giả nổi tiếng Trung Quốc và nước ngoài, do Hồ Huệ Lâm, Trần Hân, Vương Phương Hoa chủ biên, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải ấn hành. Ngoài Lời nói đầu, cuốn sách đi sâu trình bày 9 vấn đề, bao gồm: Tiến trình đô thị hóa; Chính sách và lý luận văn hóa đô thị; Khu đô thị Trung Quốc và chiến lược khu vực; Kinh tế văn hóa đô thị; Tinh thần và hình ảnh đô thị; Những câu chuyện về văn hóa đô thị; Lịch sử văn hóa đô thị; Nghiên cứu văn hóa đô thị thế giới; Luận đàm về văn hóa đô thị.

    Thông qua cuốn sách, bạn đọc có thể nhận thấy quá trình phát triển đô thị của Trung Quốc gắn liền với công cuộc cải cách, mở cửa. Cuốn sách nêu rõ, sau hơn 30 năm, kể từ Hội nghị Trung ương ba khóa XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 12 năm 1978 đã đưa ra quyết định “thực sự cầu thị”, “giải phóng tư tưởng”, quyết định đường lối cải cách, mở cửa, hiện đại hóa, đất nước Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn.

    Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Trung Quốc nêu trong cuốn sách, nếu nhìn từ góc độ phát triển chiến lược, sự thay đổi lớn nhất, bước phát triển nhanh nhất, có ý nghĩa sâu sắc nhất và có thể đại diện cho những thành quả của công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc chính là sự hình thành, phát triển mạnh mẽ của đô thị, đô thị lớn, quần thể đô thị Trung Quốc trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.

    Cũng trong cuốn sách các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, về mặt lý luận và xã hội, sự kiện tỉnh An Huy lần đầu tiên thí điểm thành công chế độ khoán sản phẩm đến hộ gia đình nông dân tại thôn Tiểu Lương được coi là mốc đánh dấu xã hội Trung Quốc bước vào thời kỳ cải cách, mở cửa, nhưng nếu xét một cách toàn cục, chiến lược, sâu sắc và toàn diện, mốc đánh dấu bắt đầu của thời kỳ cải cách mở cửa phải là đô  thị, đô thị lớn và quần thể đô thị. Công cuộc cải cách, mở cửa đô thị Trung Quốc được chia thành hai giai đoạn:

    Giai đoạn 1 từ năm 1978 đến năm 2000, tương ứng với giai đoạn đầu cải cách, mở cửa, được đánh dấu mốc bởi “tiến trình đô thị hóa” với trọng điểm là phát triển “thị trấn, thị tứ” và “thành phố nhỏ”.

    Giai đoạn 2 diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, nhất là sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, “tiến trình đô thị hóa” được đánh dấu bởi sự phát triển rất nhanh và lan rộng của đô thị lớn và quần thể đô thị. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, năm 2010 tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc đạt 50-60%. Dự tính đến năm 2050 tỷ lệ này sẽ đạt 75% và Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đô thị hóa. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc khá cao. Nếu như nước Anh phải cần tới 120 năm để tăng tỷ lệ đô thị hóa từ 20% đến 40%, nước Mỹ cũng cần phải tới 80 năm thì Trung Quốc chỉ cần 22 năm. Sự phát triển của quần thể đô thị có ý nghĩa chiến lược sâu sắc. Theo thống kê được các tác giả trình bày, 10 quần thể đô thị lớn của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1/10 diện tích cả nước nhưng lại nuôi sống hơn 1/3 dân số, tạo ra ½ tổng sản phẩm trong nước.

    Cùng với sự phát triển nhanh của đô thị Trung Quốc, một loạt vấn đề phức tạp đã nảy sinh đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách và đồng bộ  để giải quyết như tình trạng số dân ở đô thị tăng nhanh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, lối sống, v.v.. Các đô thị của Trung Quốc luôn ở trong tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái bị đe doạ. Theo con số thống kê, diện tích đất canh tác, nước ngọt, diện tích rừng tính theo bình quân đầu người của Trung Quốc so với mức bình quân của thế giới lần lượt là 32%, 27,4%, 12,8%. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng trưởng kinh tế theo mô hình phân tán, dựa vào đầu tư và tăng đầu tư vật chất trong thời gian dài, nên nguồn tài nguyên và năng lượng càng bị thiếu hụt. Đây cũng là lý do khiến cho vấn đề môi trường và sinh thái đô thị ở Trung Quốc càng trở nên nan giải.

    Các tác giả cuốn sách đã đưa ra dẫn chứng, chỉ tính 600 thành phố của Trung Quốc đã có hơn 300 thành phố thiếu nước sạch, hơn 100 thành phố thiếu nước ở mức độ khá nghiêm trọng. Ách tắc giao thông cũng là một trong những vấn đề nan giải của các đô thị lớn ở Trung Quốc, đúng như một vị thị trưởng Thủ đô Bogotu (Côlômbia) từng nói “Giao thông không đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật, nó là một vấn đề chính trị”. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, người dân Bắc Kinh thường phải chi phí 375 NDT/tháng do nạn ách tắc giao thông, người Quảng Châu chi phí ở mức 273,8 NDT/tháng, người Thượng Hải chi phí 228,2 NDT/tháng.

    Các tác giả cuốn sách đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề văn hóa đô thị và quản lý văn hóa đô thị trong tiến trình đô thị hóa của Trung Quốc. Cùng với những thay đổi, phát triển về mặt kiến trúc đô thị, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, du lịch, ẩm thực, v.v, trong xã hội đô thị Trung Quốc đã xuất hiện những biểu hiện sa sút về văn hóa, của lối sống tự do buông thả, thiên về nhục dục đã hủy hoại nghiêm trọng tinh thần con người, v.v.. Nạn mại dâm, ma túy, cờ bạc … và rất nhiều vấn đề phức tạp khác đã tác động tiêu cực và là rào cản trong quá trình phát triển đô thị hóa của Trung Quốc. Các tác giả cuốn sách cho rằng, tất cả những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc đều có liên quan tới văn hóa – văn hóa đô thị. Nghiên cứu văn hóa đô thị tức là “nghiên cứu cách hóa giải mâu thuẫn giữa con người và tài nguyên, môi trường, vượt qua những khó khăn trong quá trình phát triển của các thành thị hiện đại, cải cách thể chế quản lý giải phóng sức sản xuất văn hóa, chuyển đổi phương thức phát triển thành thị ở Trung Quốc” (tr. 81-82).

    Với nguồn thông tin, tư liệu phong phú được chắt lọc, thông qua việc luận chứng sâu sắc 9 vấn đề chủ yếu, cuốn sách Nghiên cứu văn  hóa đô thị Trung Quốc không chỉ cung cấp thêm cho bạn đọc Việt Nam những thông tin, tư liệu bổ ích về tình hình phát triển và quản lý đô thị, nhất là vấn đề văn hóa đô thị của Trung Quốc, mà còn góp phần gợi mở cho bạn đọc một số suy nghĩ trong vấn đề phát triển và quản lý đô thị ở Việt Nam, nhất là về vấn đề văn hóa đô thị.

    Trong cuốn sách này, các tác giả đã trình bày khá sâu về tình hình phát triển và quản lý đô thị, về văn hóa đô thị. Đây là những nội dung chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Mặc dù dịch giả và ban biên tập đã có nhiều cố gắng nhưng khó tránh khỏi có một số từ chuyên môn vẫn chưa thực sự được việt hóa khi dịch sang tiếng Việt.

    Hồng Phong


    [1] Xem: PGS, TS. Trương Minh Dục và TS. Lê Văn Dịch (Chủ biên): Văn hóa và lối sống đô thị Việt Nam – một cách tiếp cận, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010, tr. 161.

    2, 3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự  thật, Hà Nội, 2011, tr. 122, 203-204.

     

    Sản phẩm cùng loại

    Tác giả: Jonathan Haskel và Stian Westlake; Biên dịch: Nguyễn Thanh Sơn; Hiệu đính: Phùng Đức Tường
    Giá tiền: 216.000 đ
    Tác giả: TS. Nguyễn Việt Lâm
    Giá tiền: 124.000 đ
    Tác giả: Ralph Pezzullo
    Giá tiền: 188.000 đ
    Tác giả: Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Học viện Hành chính quốc gia, Trung Quốc)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Michael H. Glantz, Robert J. Ross và Gavin G. Daugherty (Đồng tác giả)
    Giá tiền: 129.000 đ
    Tác giả: Stephen Smith và Jean de La Guérivière (Người dịch: Nguyễn Thị Tươi)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: TS. Nguyễn Ngọc Trường
    Giá tiền: 251.000 đ
    Tác giả: ThS. Lê Công Tiến - TS. Trần Huyền Trang (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: TS. Vũ Lê Thái Hoàng (Chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: PGS.TS. Đặng Cẩm Tú - GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, TS. Bùi Văn Tuấn (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: Liên hệ