Ngoại giao kinh tế tích cực đóng góp cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước

Ngày đăng: 26/01/2014 - 14:01

Tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, chủ động hơn, toàn diện hơn, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục là trọng tâm gắn với việc hoàn thành xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, thúc đẩy hoàn tất đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do với các đối tác chủ chốt và thực hiện hiệu quả các cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do đã ký. Bối cảnh đó mở ra không gian phát triển mới cho đất nước, song cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sáng tạo trong tư duy và hành động, quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn trong đổi mới thể chế, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực quản lý, chất lượng nguồn nhân lực để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  dự  Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28. Ảnh Nguyễn Khang TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28. Ảnh: Nguyễn Khang (TTXVN)

Thúc đẩy, hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2013

Nhận thức rằng hội nhập kinh tế quốc tế là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia sâu rộng không chỉ của các bộ, ngành mà trước hết là của các địa phương và doanh nghiệp, ngành ngoại giao đã xác định tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tiến trình hội nhập kinh tế của các địa phương, doanh nghiệp chính là góp phần vào thúc đẩy và hỗ trợ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Chính vì lẽ đó, trong năm 2013, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ với trọng tâm là: 1- Tham mưu cho Chính phủ về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; 2- Tham gia tạo dựng các khuôn khổ, môi trường quốc tế thuận lợi cho hội nhập phát triển đất nước; 3- Hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại.

Với thế mạnh đặc thù về mạng lưới các cơ quan đại diện ở nước ngoài, có điều kiện nắm bắt các diễn biến mới nhất và thường xuyên tham vấn các chuyên gia, tổ chức kinh tế quốc tế hàng đầu, ngành ngoại giao đã triển khai mạnh mẽ ngoại giao kinh tế, làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó nổi bật là chủ trì xây dựng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế và Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế của Đại hội XI. Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế cũng thường xuyên thông tin, cung cấp các báo cáo kinh nghiệm quốc tế về hàng loạt vấn đề lớn như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xu hướng của dòng chảy vốn FDI, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp nhà nước…

Trong năm vừa qua, các hoạt động đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng đã góp phần tạo dựng khuôn khổ, môi trường quốc tế thuận lợi, tạo đan xen lợi ích và làm sâu sắc quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược và có tầm chiến lược, các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Trên bình diện song phương, ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa quan hệ giữa ta và các đối tác chiến lược và có tầm chiến lược đi vào chiều sâu thông qua việc thúc đẩy nhiều dự án hợp tác thương mại, đầu tư thực chất. Ta cũng đã phát huy quan hệ chính trị tốt đẹp để mở các “đột phá khẩu” cho thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các thị trường giàu tiềm năng như Trung Đông, châu Phi mà sáng kiến tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi (11-2013) là một ví dụ điển hình. Trên bình diện đa phương, năm 2013 đánh dấu việc Việt Nam được tín nhiệm lựa chọn đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017. Ta cũng nắm bắt quan tâm của các đối tác để đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến trong các khuôn khổ WTO, APEC, ASEM, ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng, thúc đẩy đàm phán hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)..., qua đó đóng góp cụ thể vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như thúc đẩy các nội dung quan tâm then chốt của ta.

Một kết quả nổi bật khác của ngoại giao kinh tế là đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan chọn lọc và hỗ trợ “trúng” những địa phương và doanh nghiệp thực sự có nhu cầu và tiềm năng hợp tác tham dự chương trình Những ngày Việt Nam tại Italia (nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 1-2013) và tại Nhật Bản (nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tháng 9-2013), qua đó mang lại những kết quả kết nối thực chất, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, công tác ngoại giao kinh tế đã đi đầu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương kết nối, xúc tiến đầu tư ngay tại Việt Nam. Nhiều hoạt động với hình thức và quy mô phù hợp đã được tổ chức thành công như cuộc gặp gỡ giữa Tập đoàn Dầu khí với các Tham tán Thương mại châu Âu tại Việt Nam để giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào một số dự án dầu khí trọng điểm hay chương trình “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn” lần thứ 2 dành cho 9 tỉnh duyên hải miền Trung (tháng 6-2013) tại Quảng Nam. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp, thông tin trong công tác ngoại giao kinh tế, từ tháng 9-2013, Bộ Ngoại giao đã chính thức đưa vào triển khai trang ngoại giao kinh tế trực tuyến và bước đầu nhận được sự hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Năm 2014 - Ngoại giao kinh tế tăng tốc cùng tiến trình hội nhập kinh tế

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 19 tháng 3-2013

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 19, tháng 3-2013

Trong năm tới, nước ta tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện ba khâu đột phá nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chúng ta cũng sẽ tích cực chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, tham gia đàm phán TPP, thực hiện hàng loạt cam kết trong các FTA đã ký gồm ASEAN, ASEAN+ (Ấn Độ, Ôxtrâylia - Niu Dilân, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), song phương với Nhật Bản, Chilê. Bối cảnh này mở ra cho nước ta cơ hội tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn, nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp và địa phương. Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hội nhập kinh tế và kinh tế đối ngoại tại Hội nghị ngoại giao 28 vừa qua, công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới sẽ hướng vào trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục bám sát nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước để kịp thời tham mưu về các vấn đề kinh tế - thương mại quốc tế, đóng góp thực chất vào quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Hai là, tranh thủ tối đa quan hệ hợp tác với các nước đối tác chiến lược, các nước phát triển, các nước bạn bè truyền thống/thị trường mới nổi để thu hút nguồn lực, vốn, công nghệ cao, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ba là, chủ động, tích cực phát huy vai trò, lồng ghép lợi ích quốc gia trong các khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mêkông, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn, cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ, hài hòa hoạt động ngoại giao kinh tế với các hình thức quảng bá khác nhằm truyền tải một cách hiệu quả và thống nhất các thông điệp và hình ảnh của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Bốn là, nâng cao hiệu quả phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở bám sát nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp, ngoại giao kinh tế sẽ tư vấn, hỗ trợ, kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường vận động, thúc đẩy các thỏa thuận, dự án trọng điểm trong hợp tác kinh tế với các nước, đồng thời bảo vệ tốt lợi ích quốc gia và quyền lợi của doanh nghiệp, công dân trong các tranh chấp kinh tế, thương mại. Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của hội nhập và phát triển, công tác ngoại giao kinh tế còn một số hạn chế cần sớm khắc phục, đặc biệt là trong khâu theo dõi, đôn đốc, thực hiện các thỏa thuận kinh tế; khâu phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước trong việc chuẩn bị và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến kinh tế đối ngoại. Đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng cần tiếp tục được nâng cao năng lực và trang bị những kỹ năng mềm cần thiết, nhất là trình độ ngoại ngữ, kiến thức về luật kinh tế quốc tế, kỹ năng thương lượng, đàm phán, vận động...

Trước ngưỡng cửa của năm mới Giáp Ngọ 2014, tôi tin tưởng rằng, với lòng quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng sẽ tiếp tục “được mùa”, góp phần đưa nước ta sải bước vững chắc vào một thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng và bền vững nhất trong lịch sử phát triển của mình. Cũng nhân dịp này, tôi xin chúc Tạp chí Nhịp cầu Tri thức và độc giả một năm mới thành công, thịnh vượng và may mắn.

Bùi Thanh Sơn

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

 

Bình luận