Người trẻ có sợ trách nhiệm
Cuốn sách Người trẻ có sợ trách nhịệm được xây dựng trên cơ sở ý tưởng bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” in trên Tạp chí Cộng sản của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam khi đồng chí còn là một biên tập viên dồi dào sức trẻ, khát vọng cống hiến và bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Cuốn sách Người trẻ có sợ trách nhịệm
Nội dung sách tập hợp bài viết của nhiều tác giả nhằm chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ, trăn trở, thể hiện niềm tin, sự khẳng định đối với vai trò của người trẻ hiện nay. Đặc biệt, ý nghĩa xuyên suốt cuốn sách mà tập thể tác giả muốn gửi gắm là sự động viên, khích lệ thế hệ trẻ cần nuôi dưỡng, giữ gìn vốn quý, không ngừng phát triển và sáng tạo nhiều giá trị hơn nữa nhằm bảo đảm một tương lai thành công, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Cuốn sách được mở đầu bằng bài viết Bệnh sợ trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973. Mặc dù bài viết ra đời cách đây nửa thế kỷ, tình hình đất nước, nhiệm vụ chính trị lúc đó khác với ngày nay, song những quan điểm và tinh thần dám lên án, dám đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” khi Tổng Bí thư còn là một cán bộ trẻ vẫn còn nguyên tính thời sự, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.
Thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc hay trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay đều minh chứng, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thế hệ trẻ luôn có những ước mơ và hoài bão lớn, sẵn sàng dấn thân, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thanh niên: “Không sợ khổ, không sợ khó”, xung phong hăng hái thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Tiếp nối truyền thống quý báu của Lực lượng Thanh niên xung phong - lực lượng xung kích do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập, biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước, các thế hệ thanh niên Việt Nam ngày nay luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp, là đội quân hậu bị hùng hậu của dân tộc.
Nhưng bên cạnh đó, ở nơi này nơi kia vẫn còn những người trẻ sống thờ ơ, vô tâm, ích kỷ, đôi khi đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết mà quên đi vai trò với cộng đồng, xã hội, gia đình và những người xung quanh. Đó có phải là biểu hiện sợ trách nhiệm - một “căn bệnh” hay không?
Trong bài viết Vấn đề thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn đã đánh giá vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, từ đó định hướng cho công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên của Đảng ta trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng được một đội ngũ kế cận xứng đáng, gánh vác sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành tựu của cách mạng.
Khi bàn về vấn đề bệnh sợ trách nhiệm có ở cán bộ trẻ hay không, trong bài viết Cán bộ trẻ có sợ trách nhiệm, TS. Nguyễn Thái Học cho rằng, tố chất tạo nên giá trị đích thực, trở thành lẽ sống, động lực thôi thúc tuổi trẻ hành động là sự dấn thân, xung kích. Dấn thân, xung kích đồng nghĩa với năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám hành động vì lợi ích chung theo đúng tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Điều đó hoàn toàn trái ngược với sợ trách nhiệm. Đồng thời bài viết cũng tập trung phân tích những việc cần làm để người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên.
Ở góc độ là người đứng đầu nơi mình công tác, khi chia sẻ về ước mơ thoát nghèo của thanh niên Mù Cang Chải, đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mù Cang Chải đã nhìn nhận và khái quát các bước phát triển về nhận thức của thanh niên nơi đây. Các tấm gương sáng, mô hình hay, cách làm hiệu quả được nêu trong bài viết cho thấy họ là người hơn ai hết hiểu rằng không thể mãi trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải tự thân vận động, tự khẳng định mình, để biến ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy và làm giàu chính đáng trên quê hương trở thành sự thật.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, việc tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách không chỉ là tài liệu tham khảo bổ ích đối với những nhà nghiên cứu, độc giả quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ, mà còn là tài liệu quan trọng giáo dục cho các thế hệ thanh, thiếu niên, giúp khơi dậy, phát huy tinh thần nhiệt huyết, xông pha không ngại khó khăn, gian khổ của các thế hệ thanh niên Việt Nam, biến tinh thần yêu nước thành hành động cụ thể, để họ hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giúp đỡ cộng đồng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, không bị lôi kéo, sa vào lối sống cá nhân, vị kỷ, hưởng thụ, quên đi những bài học lịch sử, những giá trị nhân văn tốt đẹp của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên