Nhớ anh “bám đội lội đồng”

Ngày đăng: 17/12/2013 - 10:12

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo, một vị tướng giản dị, luôn sâu sát với cơ sở, thương dân, hương lính. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi ông đi vào cõi vĩnh hằng, song những ký ức về những ngày được sống và làm việc với ông vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của tôi.

A40Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng ra đồng cấy lúa với xã viên hợp tác xã Chiến Thắng xã Lý Ninh (1-1962)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đang là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 50, tôi được Bộ Tư lệnh Tả ngạn sông Hồng điều động về công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh, sau đó Khu ủy bổ sung cho Khu tập kết 300 ngày theo Hiệp định Giơnevơ rồi tham gia Ban Thường vụ Thị ủy Hải Dương tiếp quản thị xã. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi lại được điều động lên công tác ở Báo Nhân dân, cơ quan trung ương của Đảng.

Về đây tôi được phân công theo dõi, viết bài về nông nghiệp, có bài viết thất bại, có bài thành công, nhưng nhiều bạn đọc cũng thấy sự xông xáo của cây bút 25 tuổi là phóng viên trẻ của tòa soạn lúc đó.

Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam được điều động sang phụ trách nông nghiệp, là mặt trận kinh tế hàng đầu lúc đó, thì tôi hay được theo anh đi đến các cơ sở để nghiên cứu tình hình. Anh Phan Quang và tôi là hai nhà báo được giúp việc anh; anh Phan Quang thì đã từng làm việc với anh từ thời kỳ Bình - Trị - Thiên, Khu 4, còn tôi là người mới được tiếp xúc với anh nhưng đã có ấn tượng sâu sắc về anh ngay từ trong cuộc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động ở vùng sau lưng địch, lại chỉ là cán bộ bình thường, không có điều kiện hiểu tình hình cả nước, nhưng chúng tôi luôn luôn hướng về Việt Bắc nơi có Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng hành dinh của Bộ Tổng tư lệnh, muốn biết về mảnh đất thần thánh, căn cứ địa và những chuyện sinh hoạt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo. Do đó, có cán bộ nào từ Trung ương, Liên khu vào công tác là chúng tôi đều tìm cách khai thác, bắt các anh chị kể cho nghe chuyện, và những buổi tụ tập đó thực sự là những buổi sinh hoạt rất lý  thú. Trong số đó có đồng chí đã kể cho nghe chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Với bộ quần áo lính, chiếc áo trấn thủ may ô quả trám chống rét, ông đi kiểm tra trận địa như một cán bộ bình thường. Khi đi ngang qua con suối rộng, lổn nhổn đá đầy rêu rất trơn, có đồng chí cán bộ đi giày đinh chiến lợi phẩm dáng sĩ quan, sợ ướt giày, nói: “Có cậu nào giúp cõng tôi qua suối?”, thế là ông ghé vai cõng đồng chí đó. Đi nửa chừng biết người cõng mình là một cán bộ cấp cao ở Tổng cục Chính trị, đồng chí đó sợ hãi, xin xuống nhưng ông vẫn cõng đồng chí đó qua suối. Sau đó ông vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra vì ông coi đó như là một việc giúp đỡ đồng đội. Chuyện đó tôi nghe kể tại sân một nhà dân gần bốt địch ở Chợ Cổng, huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình, câu chuyện đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về một đồng chí lãnh đạo, chỉ huy gần dân, gần lính, thương dân, thương lính và đại lượng, giản dị.

Chúng tôi hay được gọi đến nhà anh ở 34 Lý Nam Đế (sau khi anh mất, gia đình đã trả lại nhà cho Bộ Quốc Phòng, nay là trụ sở Hội Cựu chiến binh). Đó là ngôi biệt thự xây từ thời Pháp thuộc, có sân rộng, ở sân có cây phượng vỹ tỏa bóng mát trên ghế đá mà thỉnh thoảng anh cùng chúng tôi vẫn ngồi nói chuyện khi chuẩn bị đi công tác hoặc chuẩn bị thảo luận về một đề tài nông nghiệp do anh nêu ra. Chúng tôi biết anh Thanh rất quý các nhà văn, nhà báo, nhưng đối với chúng tôi, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng là vị trí rất to trong Đảng và quân đội, nên tiếp xúc lúc đầu không thực sự thoải mái. Nhưng anh thường khêu gợi để chúng tôi cũng như các cán bộ anh mời đến mạnh dạn nêu ý kiến thảo luận. Anh nói: “Các cậu cứ tranh cãi thoải mái, mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được trao phụ trách nông nghiệp, có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh cãi, khi tranh luận có ý đúng có ý chưa đúng là việc bình thường, còn nếu cậu nào nói đúng một nửa cũng đã giữ 50% chân lý, rất “oách” rồi còn gì!”. Trong không khí thoải mái đó, chúng tôi cũng hăng hái có ý kiến, có lúc “quá mạnh bạo”, nói xong rồi mới thấy run. Chẳng hạn, lúc đó Đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang đã góp ý kiến về phương châm “ba chính” trong công tác thủy lợi: giữ nước là chính; thủy lợi nhỏ là chính; nhân dân làm là chính. Lúc bấy giờ, ý kiến của các đoàn cố vấn Trung Quốc có sức nặng ghê gớm, nghe phổ biến, một số cán bộ của ta có băn khoăn nhưng cũng chỉ thảo luận nhỏ với nhau. Tôi mạnh dạn thưa với anh: “Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn, nhưng nhất loạt “giữ nước là chính” để chống hạn thì không bao quát tình hình; rồi cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cấp nước và tiêu nước, cho nên chỉ “thủy lợi nhỏ là chính” mà chưa có công trình vừa và lớn thì e chống hạn và chống úng đều không hiệu quả”. Thực ra điều tôi trình bày cũng chỉ là nói lại ý kiến của một số cán bộ mà tôi nghe được, nhưng lại động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện to, buột miệng nói ra rồi, chờ nghe phê phán. Nhưng anh ôn tồn nói: “Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn, nhưng khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng”.

Lại nhớ, khi chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm 1960 về nông nghiệp mà bây giờ ai cũng nhớ những khẩu hiệu nổi tiếng như “Phá xiềng ba sào”, “Đuổi kịp mức sống trung nông” và “Phong trào làm thủy lợi hai năm”... anh cũng cho tôi đi theo xuống Đồ Sơn, ở trong nhà nghỉ của quân đội lúc đó còn lợp mái tranh. Anh mời các chuyên gia đến báo cáo, nêu vấn đề, góp ý với Đề cương. Sáng làm việc chiều cùng tắm biển, tạo điều kiện tốt và gần gũi cho các chuyên gia để có không khí thoải mái khi làm việc. Còn nhớ một cán bộ kỹ thuật rất nổi tiếng được mời đến phát biểu về kỹ thuật đối với cây lúa. Chắc vì thấy anh là Ủy viên Bộ Chính trị, nên đồng chí đó nói liền một mạch đến gần nửa tiếng quan điểm của Mác, Lênin và các nhà kinh điển về sản xuất. Xem ra anh rất sốt ruột vì muốn nghe kỹ thuật thì đồng chí đó lại thao thao về chính trị cho nên ghé tai tôi nói vui: “Cậu ta nói dông dài về Các Mác thực ra “khác Mác”. Tôi biết tính anh muốn nghe những chuyện thực tế chứ không phải lúc nào cũng nói lập trường, quan điểm chung chung.

Một lần khác đi công tác miền Trung, đến Khe Nước Lạnh, ở vùng nam Thanh, bắc Nghệ, đã quá trưa, anh bảo mọi người ngồi nghỉ dưới gốc cây gạo và giở cơm nắm ra ăn. Trong lúc nghỉ ngơi, cái máu nhà báo của tôi lại nổi lên, tôi xin phép hỏi anh: “Được biết anh được Bác Hồ giới thiệu để bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương ở Hội nghị Tân Trào, là người lãnh đạo nhưng vốn là nông dân tá điền, anh nhớ câu ca dao nào nhất?”. Sở dĩ hỏi anh câu đó vì khi được giao phụ trách nông nghiệp, tôi phải tìm hiểu cuộc sống của nông dân trong đó có học qua ca dao, tục ngữ mà tôi đang đọc sách của các ông Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan, nay hỏi anh để hiểu thêm về ca dao trong cuộc sống của người nông dân Việt Nam. Thấy tôi hỏi, đồng chí Chắt, đại úy bảo vệ lừ mắt, ý nói “nên để anh nghỉ”, nhưng anh nghĩ một lúc rồi nói: “Mình nhớ nhất câu Rồi mùa, toóc rã, rơm khô/ Bạn về quê bạn biết xứ mô mà tìm” (gặt xong thì thóc của nhà chủ vào bồ, rơm lên đống rạ (toóc) ngoài đồng đã mục mà mình mất luôn tình bạn của những kẻ làm thuê theo mùa). Cái tình nghĩa bạn bè thuở hàn vi cứ đeo đẳng khiến cho cả đến khi trở thành người lãnh đạo cao cấp vẫn luôn nặng lòng với những người nghèo khổ. Anh là người lãnh đạo thích đi cơ sở, thích nói chuyện tâm tình với dân và không bao giờ “sáng đi tối về”, không có chuyện thao thao diễn thuyết. Mỗi lần xuống xã là ở đêm với dân như đã từng ở Trại Trang (Hưng Yên), Đồng Tâm (Phú Thọ)... Nhớ những ngày theo anh về hợp tác xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để nghiên cứu tình hình, tổng kết công tác “đuổi kịp trung nông” theo gợi ý trong một bài báo của Bác Hồ, anh cũng ngủ tại xã chứ không nghỉ tại nhà khách huyện. Quần áo bộ đội bạc màu, đi dép râu, anh ngồi bệt xuống đất ven bờ sông Kiến Giang trò chuyện với cán bộ xã và nông dân. Nhiều bà con, nhất là các cựu binh, biết tiếng Đại tướng nhưng chưa hề biết mặt cứ hỏi anh em trong đoàn: “Đại tướng mô?”. Anh sợ phiền bà con và mất thời giờ, cho nên chỉ anh Dương Quốc Cẩm lúc đó là Vụ trưởng của Ban Nông nghiệp Trung ương, nói: “Cứ hỏi ông này”. Thấy dáng anh Cẩm cao to, trắng trẻo, đi đứng bệ vệ, nhiều người cứ tưởng anh Cẩm là Đại tướng. Dù bị nhận nhầm, nhưng biết tính anh cho nên anh Cẩm cũng ậm ừ, không dám cải chính... Làm việc xong, anh nói: “Cậu Thọ tối nay đi cấy với bà con, tâm tình xem bà con đánh giá Chủ nhiệm Ánh thế nào”. Ở đây có thủy triều nước lên xuống cho nên bà con phải chờ nước rút để cấy “lấn nước”, ra đồng từ nửa đêm, vừa cấy vừa hò vui vẻ. Sáng ra đã thấy anh đứng ở đầu bờ thăm bà con... Ở Đại Phong, anh muốn đến tận nơi khai hoang Bến Tiến, đi dọc sông Kiến Giang cũng tới mười cây số. Ngồi đò chở đi, có lúc anh thay tay cầm chèo rất mát mái rồi cùng họ hò câu hò Lệ Thủy mà anh mới học được, như một người nông dân Đại Phong chính hiệu.

Khi tổng kết công tác, anh thường nêu những khẩu hiệu cổ vũ phong trào rất dễ nhớ. Với nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “bám đội, lội đồng” thể hiện tác phong sát dân, sát đồng ruộng của người lãnh đạo, quản lý. Tôi nhớ không nhầm thì đó chính là câu trả lời của Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh với anh, sau đó được anh rút ra thành chuẩn mực tác phong của người lãnh đạo nông nghiệp. Sau này, khi được nghe anh nêu phương châm đánh Mỹ ở miền Nam “nắm thắt lưng địch mà đánh” vừa tỏ rõ khí phách vừa chỉ rõ phương pháp, chiến thuật. Nghe nói lại là anh cũng tổng kết phương châm đánh địch của một đại đội ở Núi Thành - Quảng Nam... có thể thấy, phẩm chất của người lãnh đạo là sát dân, sát lính không phải là mị dân mà ở sự đồng cảm, chân thành, tôn trọng dân, học dân, tổng kết sáng tạo của dân để nâng tầm lãnh đạo. Đó thực sự là phong cách của Hồ Chí Minh mà anh là một người học trò xuất sắc.

Khi đài phát thanh báo tin anh Nguyễn Chí Thanh, mà chúng tôi hay gọi thân mật là anh Thao, mất tháng 7-1967, lúc đó tôi là phóng viên chiến trường của Báo Nhân dân đang theo bộ đội hành quân vào Khe Sanh, thật sự rất bất ngờ, và đây là nỗi đau lớn đối với tôi cũng như với đơn vị bộ đội đang hành quân. Tôi hy vọng sẽ gặp lại để tâm sự với Thượng tá Mai Quang Ca, là thư ký của anh, đang là Phó Chủ nhiệm chính trị Mặt trận, người đã từng cùng với tôi giúp anh hoàn thành tác phẩm nổi tiếng Hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong đầu năm 1961. Viết tới đây, tôi lại nhớ, một lần vào dịp giáp Tết, khi cùng Mai Quang Ca nghe anh nêu dàn bài cuốn sách thì có người đưa đến một tập thơ đã đánh máy, anh hỏi: “Cái gì thế này?”, đồng chí đó trả lời: “Đây là những bài thơ của anh viết thời kỳ hoạt động cách mạng, chúng tôi sưu tầm lại để in ở Nhà xuất bản Phổ thông, các anh ở Bộ Văn hóa, Hội Nhà văn và anh Tố Hữu đã xem, giờ đến xin chữ ký của anh”. Anh giở qua tập đánh máy, rồi nói: “Đúng là thơ của mình. Lúc đó, anh em chúng mình làm thơ tỏ rõ ý chí, khí tiết cách mạng để tự động viên, động viên nhau tiếp tục chiến đấu, chứ có giá trị văn học gì đâu mà in thành sách. Đồng chí về nói tôi cảm ơn Bộ và Hội, nhưng không nên in, để giấy in những bài thơ hay”. Thế là tôi lại được hiểu thêm về anh, con người luôn hiểu rõ giá trị thực chất những việc mình làm.

Sau chuyến công tác ở Khe Sanh, trên đường về Quảng Bình, tôi đạp xe về Lệ Thủy, nhờ các đồng chí giúp đỡ lên Bến Tiến để nhớ lại những kỷ niệm về anh. Rồi hai năm sau, vào mồng một Tết Kỷ Dậu - 1969, theo Bác Hồ đi trồng cây trong Tết trồng cây lần thứ 10 và cũng là Tết trồng cây lần cuối cùng của Người trên đồi Đồng Váng, Sơn Tây, tôi được ngồi quây quần dưới bóng cây bạch đàn dự buổi nói chuyện của Bác với nông dân và chợt nhận ra chị Đỗ Thị Soan, một trong mười cô gái “Đại Phong” ở Tòng Lệnh, ven sông Đà, mà anh từng đã căn dặn chúng tôi chú ý nêu gương những người trẻ tuổi “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” làm nên “phong trào Đại Phong” trong nông nghiệp. Nay chị Soan đã trưởng thành, trở thành bí thư chi bộ, đang chăm chú nghe Bác Hồ dặn dò, phải hết lòng vì dân, phải thực sự dân chủ, không để hợp tác xã chè chén lu bù, tiêu pha lãng phí tiền thóc của dân. Tôi lại nhớ lời dặn của anh về chăm lo bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ trở thành lớp người kế nghiệp theo tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của Bác Hồ, khi anh góp ý cho chúng tôi cổ vũ “Trai, gái Đại Phong” trong “phong trào Đại Phong”.

HỮU THỌ

Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

 

 

 

Bình luận