Nhân tài và trọng dụng nhân tài dưới góc nhìn lịch sử

Ngày đăng: 27/01/2014 - 13:01

Trao Giải thưởng Nhân tài đất ViệtCâu chuyện nhân tài và cách dùng người tài luôn là vấn đề của mọi thời đại. Dưới góc nhìn lịch sử, nhân tài là hiện thân của tinh hoa dân tộc và cộng đồng, được quy chiếu bởi những đặc điểm riêng biệt về văn hóa, lịch sử của dân tộc ấy. Và số phận của người tài dường như phản ánh chính vận mệnh huy hoàng hay thăng trầm của xã hội và thời đại ấy. Những bài học của lịch sử về cách ứng xử với tài năng để lại cho xã hội hiện đại hôm nay những nhận thức và kinh nghiệm gì?

Nhân tài - nguyên khí của quốc gia

Lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều khẳng định một điều là: lịch sử do quần chúng làm nên. Nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng nếu chỉ có sức mạnh của quần chúng, của đám đông mà không có những con người, những bộ phận tinh hoa “dẫn lối chỉ đường” thì lịch sử ấy cứ “nhàn nhạt”, “bàng bạc” mà không thể có những “đột biến” cần thiết để tạo nên sự phát triển. Bộ phận tinh hoa ấy chính là những tài năng - là nhân tố khác biệt tạo ra sự tiến hóa của lịch sử, để giai đoạn sau lại có những phát triển vượt bậc hơn giai đoạn trước, tạo ra những phát minh và thành tựu rực rỡ trong lịch sử của loài người. Hay nói cách khác, quần chúng là những người làm ra các giá trị của lịch sử nhưng tài năng là những người tổ chức, định hướng. Bởi vậy, giữa nhân tài và quần chúng luôn có mối quan hệ biện chứng, lúc đồng thuận, thúc đẩy nhau, có lúc lại tương khắc, kìm nén nhau. Nhận thức và vận dụng đúng đắn mối quan hệ này là vấn đề rất phức tạp.

Rất dễ để thống nhất với nhau rằng nhân tài là yếu tố cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Lịch sử đã cho thấy, nếu ở một thời kỳ lịch sử nào mà nhân tài được trọng dụng để phát huy tài năng thì ngay sau đó chúng ta sẽ thấy những thành tựu rất rực rỡ. Nhưng ngược lại, nếu thể chế nào, chính quyền nào trù dập, đố kỵ, thậm chí sát hại nhân tài hoặc đặt những điều kiện rất khó khăn cho nhân tài thì kèm theo đó là những trang rất bi đát, đen tối của lịch sử mà sự sụp đổ của nhà Tần (Trung Quốc) với chính sách đốt sách, chôn học trò của Tần Thủy Hoàng là một minh chứng tiêu biểu.

Ở Việt Nam, các triều đại phong kiến đã sớm nhận ra giá trị của các tài năng. Trong số các bia được dựng ở Văn Miếu dưới thời vua Lê Thánh Tông - vị hoàng đế có tiếng là minh quân, tấm bia nói về kỳ thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) có viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Câu nói nổi tiếng này được viết ra dưới thời của một vị minh quân, thời kỳ nhiều tài năng phát lộ và được sử dụng phục vụ sự phát triển của đất nước. Và chính vua Lê Thánh Tông cũng là người đã minh oan cho danh nhân và cũng là vị trung thần Nguyễn Trãi. Câu nói thể hiện một quan điểm rất đúng đắn ở tầm vĩ mô: Hiền tài - họ là nguyên khí của quốc gia chứ không chỉ là những con người cụ thể và họ có thể quyết định vận mệnh thịnh suy của đất nước. Thế nên các bậc thánh đế minh vương nhiều đời luôn tìm cách trọng đãi kẻ sĩ, tạo điều kiện cho những người tài giỏi. Vào thời Trần, thời Lê, thời Quang Trung… đều đi tìm nhân tài bằng chiếu cầu hiền.

Thế nhưng, việc trọng dụng nhân tài không phải luôn thuận chiều mà trên thực tế, lịch sử Việt Nam đã chứng kiến những danh nhân, danh tướng, nhà bác học… gặp những bi kịch, thậm chí họa sát thân do chính tài năng của họ gây ra. Trở lại câu chuyện bia Đại Bảo làm thời Lê Thánh Tông nhưng lại nói về khoa thi từ năm 1442 - khi Lê Thánh Tông chưa lên ngôi, khi đó là Lê Thái Tông - một ông vua rất trọng nhân tài, nhưng chính thời vua trọng nhân tài ấy thì tài năng kiệt xuất như Nguyễn Trãi bị “tru di tam tộc”. Bởi vậy, bên cạnh câu chuyện dùng người tài, trọng nhân tài thì ngay liền kề đó lại có câu chuyện ghen ghét, đố kỵ người tài.

Tài năng Việt Nam chịu quy chiếu từ đặc điểm lịch sử

Nói về những đặc điểm tài năng của người Việt phải bắt đầu từ đặc điểm cội nguồn sâu xa của lịch sử Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia ở vào vùng địa quân sự và địa chính trị khá đặc biệt. Từ rất xa xưa, cư dân ở vùng này đã tụ cư, sinh tồn và phát triển trên địa bàn mà liền kề là một đế chế. Đế chế này là một cộng đồng người Hán rất đông, trên lưu vực sông Hoàng Hà rộng lớn và thuận lợi nên họ sớm tạo dựng một nền văn minh ở tầm cỡ nhân loại với sự xuất hiện của nhiều triết lý, học thuyết và tư tưởng lớn. Trong các triết lý đó, bên cạnh bao nhiêu tư tưởng vĩ đại, bao nhiêu giá trị văn minh cũng kèm theo đó ý thức về một cộng đồng lớn gọi là Đại Hán. Với ý nghĩa này, các tư tưởng Trung Hoa cổ đại đã nảy ra một triết lý về không gian 5 chiều và vũ trụ 2 tầng. Người Trung Quốc ý thức rất sâu sắc về vị trí trung tâm của mình, chữ “trung” trong triết lý không gian cực kỳ quan trọng. Họ lấy dân tộc của họ là trung tâm, gọi là Trung Hoa - “Hoa” tức là tinh túy, mà lại ở giữa vùng trời đất này. Đất nước của họ là Trung Quốc - nước ở giữa, vùng đất sinh cơ lập nghiệp của họ là Trung Nguyên. Từ vị trí trung tâm ấy, họ tạo ra quy chiếu 4 phía khác, gọi là ngũ phương. Phương Bắc, bên cạnh chữ “Bắc” ta vẫn dùng giống như tiếng Việt thì còn có một chữ khác mà riêng người Trung Quốc dùng, người ta gọi là “phương Địch” hay “Bắc Địch”. Chữ “địch” trong tiếng Việt Nam là kẻ thù, nhưng với họ, là “phương Bắc”. Họ chỉ cái phương có những tộc người họ không bao giờ chiến thắng hay rất ít khi chiến thắng, đó là những người du mục, người Hung Nô, người Liêu, Hạ… Vì chưa bao giờ có được chiến thắng oai hùng với các tộc người trên nên họ có một giải pháp lịch sử là xây Vạn Lý Trường Thành. Vạn Lý Trường Thành thực tế là sự ứng phó lịch sử với tộc người họ chưa bao giờ chiến thắng. Những lần Trung Quốc mất nước theo nghĩa như ta vẫn quan niệm thì đều mất vào tay những tộc người từ phương Bắc xuống như người Mông Cổ, người Mãn Thanh vượt qua Vạn Lý Trường Thành đánh vào trung tâm. Sau này, họ bị người phương Tây (châu Âu) đến can thiệp. Phương Tây ngoài nghĩa là Đông - Tây - Nam - Bắc thì người ta còn gán cho một từ nữa rất Trung Hoa là “phương Nhung” - “Tây Nhung”. “Nhung” trong tiếng Hán có nghĩa là hung hãn, dữ dằn. Họ cho rằng đó là những cộng đồng người họ không thể khuất phục được theo nghĩa giáo hóa. Những khu Tân Cương, Tây Tạng là vùng đất Tây Nhung, họ làm cách phủ dụng mà bây giờ người ta gọi là khu tự trị. Riêng có hai phương Đông và Nam thì họ gọi theo tên rất miệt thị. “Đông” là Di, nghĩa là hèn yếu. “Nam” là Man, tức là kẻ kém văn hóa, mọi rợ. Họ tập trung sức mạnh bành trướng của Trung Hoa sang phía Đông và xuống phía Nam, họ gọi chung là Man Di. Và người Việt từ rất sớm đã bị gán thân phận Man nên liên tục bị tấn công. Trong lịch sử Việt Nam, không một triều đại nào của Trung Hoa không phái quân sang đánh Việt Nam. Triều Ngô có giặc Ngô, Triều Tống có giặc Tống, triều Nguyên có giặc Nguyên, triều Thanh có giặc Thanh… Người Việt Nam luôn có chữ giặc với tất cả các triều đại đó, đơn giản vì triều đại nào cũng từng đem quân sang đánh.

Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt trên đã tạo quy chiếu cực kỳ quan trọng đến tài năng Việt Nam. Dường như tài năng trong lĩnh vực quân sự xuất hiện rất thường xuyên như là đòi hỏi bức thiết của lịch sử. Điều này được phản ánh ngay từ câu chuyện mang đậm chất huyền thoại từ thời mở nước - chuyện Thánh Gióng, kể về một đứa trẻ lên 3, chưa biết nói đã phải vùng lớn lên thành tráng sĩ đánh giặc! Tính chất phải gồng mình lên, phát triển đến mức cao nhất để đáp ứng nhu cầu sinh tồn đã quy định tính chất của tài năng Việt Nam: tài năng phát triển rất mạnh trong thời kỳ chiến tranh. Tài năng thường xuất hiện khi gặp khó khăn, khi bị đẩy vào tình thế đứng trước sự tồn vong. Do thiên về chống đỡ với những thế lực ngoại bang nên họ thường được suy tôn làm anh hùng. Vì vậy người Việt Nam thường sùng bái và “phong thánh” cho những anh hùng trong chiến tranh. Chúng ta thấy rất rõ điều đó qua tình cảm của người dân Việt Nam đối với những người anh hùng dân tộc qua mọi thời đại như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Đức Thánh Trần, Quang Trung và gần đây nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng tài năng quân sự không đồng nghĩa với tài năng trong các lĩnh vực khác. Quang Trung Hoàng đế - vị vua đã đưa Việt Nam lên một vị thế rất cao trong lịch sử trung đại Việt Nam sau chiến thắng vẻ vang trước quân xâm lược nhà Thanh của Trung Quốc - lại tỏ ra rất lúng túng trong quá trình xây dựng đất nước trong thời bình. Ông đề cao chữ Nôm, cấm người nước ngoài vào buôn bán để giữ độc lập… khiến vương triều của mình nhanh chóng suy yếu.

Bên cạnh đó, khi phân tích và lý giải các đặc điểm của tài năng Việt Nam trong lịch sử, phải có cái nhìn sâu xa dưới góc độ văn hóa. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ đến đỉnh cao của văn minh nông nghiệp, tạo ra những giá trị trên rất nhiều phương diện, từ sản xuất cho đến ăn - mặc - ở - đi lại… Nhưng đặc điểm của văn minh nông nghiệp là không cần nhiều lắm đến tài năng xuất chúng mà thiên về trọng kinh nghiệm. Lão nông tri điền được đề cao vì biết “chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa” hay “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”… Còn đối với lực điền thì cày ruộng cần sức khỏe! Chính vì vậy mà không phải chỉ riêng Việt Nam mà ở bất cứ đâu, văn minh nông nghiệp tồn tại lâu dài lại là điều kiện không thuận cho việc xuất lộ những tài năng. Thêm vào đó, nhu cầu chống ngoại xâm như đã nói, đặc biệt là cố kết cộng đồng để trị thủy đặt ra yêu cầu là phải cần đến sức mạnh của tập thể. Khi sức mạnh của tập thể được coi là những giá trị thiêng liêng thì tất nó sẽ đề cao sự hòa đồng mà khắc chế sự khác biệt. Những cá nhân bộc lộ sự khác biệt chắc chắn sẽ bị cộng đồng ấy “điều chỉnh” một cách tự nhiên. Nếu sức mạnh đoàn kết là báu vật mà người Việt Nam truyền từ đời này sang đời khác thì đồng nghĩa với đó, người ta ghét sự trội vượt. Đây lại là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa bình quân nảy sinh và phát triển. Mọi thứ đều được cào bằng! Tất cả mọi người phải giống nhau, bằng nhau, khác biệt là không được. Trên phương diện này, với người tài, cái mạnh của họ là sự khác biệt nhưng cái yếu của họ là kém hòa đồng. Những người tài năng thường không có nhiều thủ đoạn, mánh lới, ít khi biết đề phòng, đối phó. Họ cũng thường là những người trung thực, thẳng thắn nên rất dễ bị hại, bị tổn thương.

Dân gian Việt Nam có câu “Tài mệnh tương đố” để nói về những truân chuyên, bất hạnh hay là sự đố kỵ người tài trong xã hội. Trong kho tàng thơ văn Việt Nam, không có tác phẩm nào nổi tiếng, có tính phổ quát cao, tiêu biểu như Truyện Kiều. Người dân Việt Nam không ai không biết và không yêu Truyện Kiều. Nhưng nó hay ở chỗ nào? Ở cốt truyện mang tính nhân bản lấy từ nguyên gốc của Trung Quốc hay ở thể loại thơ lục bát vốn dân dã, gần gũi với người Việt Nam? Có lẽ cái hay, cái sâu sắc dễ mang tới sự đồng cảm của quần chúng nhân dân ở Truyện Kiều là tư tưởng “tài mệnh tương đố”, “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Đó là thực trạng xã hội có tính phổ quát khiến ai ai cũng cảm thấy những câu chuyện đó hiện diện hằng ngày trong cuộc sống của mình. Người tài sao khổ quá! Người tài sao luôn bị “kèn cựa”, ganh ghét và bị xã hội vùi dập! Nguyễn Du đã từng cảm thán cho thân phận nàng Kiều qua câu thơ nổi tiếng: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!”. Như vậy một thực tế xã hội khá “nổi bật” đã được tác giả Truyện Kiều thi vị hóa, khái quát hóa lên, trở thành tư tưởng chủ đạo của một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Như vậy, ai cũng biết tài năng là quan trọng nhưng làm sao để dung dưỡng được nhân tài, tạo điều kiện để họ tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo và phát triển tài năng của mình lại không phải câu chuyện đơn giản. Đây chính là bài toán khó, nếu không có cái nhìn đầy đủ và toàn diện để hóa giải mâu thuẫn đó thì không dễ để thực hiện việc phát hiện, tuyển chọn và sử dụng tài năng vì tương lai của đất nước.

Câu chuyện dùng người tài thời hiện đại

Có một chuyên gia nước ngoài đã nhận xét rằng: ở Việt Nam, người tài khó có cơ hội giữ một vị trí quan trọng hay chủ chốt trong tập thể vì tâm lý bình quân chủ nghĩa chi phối tất cả các tầng lớp, kể cả tầng lớp được coi là tinh hoa. Vị chuyên gia so sánh cái tập hợp cộng đồng ấy qua minh họa bằng một hình thoi, mà khi dựng hình thoi ấy lên thì phần nhọn trên chiếm 10% là tầng lớp tinh hoa, phần nhọn dưới là 10% tầng lớp kém cỏi. Còn lại tầng lớp trung bình ở giữa chiếm khoảng 80%. Trong 80% thì phần hơi nhỏ ở bên trên là tầng lớp trung bình - khá, phần hơi nhỏ ở dưới là trung bình - kém, còn đoạn phình to chính giữa là trung bình.

Tâm lý bình quân len lỏi vào mọi tầng lớp, kẻ cả tầng lớp tinh hoa. Nếu như có một cơ hội nào đó chỉ có một người làm thủ lĩnh thì 10% tinh hoa này rất khó nhường nhau, luôn nghĩ phải là mình chứ không phải người khác. Như vậy, họ rất dễ tìm đến một giải pháp thỏa hiệp, “không tôi thì không anh”, và người ta có xu hướng chọn trong những tầng lớp kém hơn để dễ thống nhất. Vì vậy, sự lựa chọn thông thường hay rơi vào số 80%. Nếu thủ lĩnh được chọn trong tầng lớp trung bình ấy thì thường được nhận số phiếu và sự ủng hộ rất cao bởi đó là đại diện của sự phổ biến, của tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội. Còn số 10% cuối cùng thì sao? Họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho người tinh hoa bởi họ không thích làm việc, họ rất sợ bị đánh giá thấp nên giải pháp an toàn là họ chọn người không quá xuất sắc, có thể “vỗ về” họ, nên gần như 100% phiếu ủng hộ sẽ rơi vào nhóm trung bình.

Đó là nhận xét rất tinh tế của một giáo sư, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam học của Nhật Bản, rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

Nói đến nhân tài còn phải hiểu đặc điểm của con người Việt Nam nữa, không thể lấy tài của người ta mà so với tài của mình. Mỗi dân tộc có những sở trường, sở đoản riêng của mình cho nên không thể lấy thước đo chung được. Chẳng hạn, người Nhật Bản không thể so tài ở sự mềm mỏng, linh hoạt vì người Nhật có tổ chức rất chặt chẽ. Với người Nhật, đỉnh cao của họ có thể là tổ chức rất giỏi nhưng không thể hiện được sự linh hoạt. Ở đây không thể so người Việt với người Nhật, không thể cho rằng người này hơn tuyệt đối người kia. Sự mềm dẻo, thích nghi, đối phó với tình huống thì người Việt Nam hơn người Nhật. Do đó, khi chọn người tài, nâng đỡ người tài cũng phải xem xét từng sở trường, sở đoản của các nhóm cộng đồng, cư dân. Có một triết lý rất hay của người Hàn là đừng chê cái này kém, khen cái kia giỏi của cả một cộng đồng mà hãy biến những gì cộng đồng ấy có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế đối với người khác thì mới là cách đi khôn ngoan. Và năng lực tiềm ẩn của người Việt là cách tìm ra người tài của chính dân tộc mình.

Cuối cùng, câu chuyện về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài dù nói nhiều, làm nhiều nhưng có một thực tế là việc tìm người tài cuối cùng cứ như “mò kim đáy biển”. Có lẽ đã đến lúc chúng ta mạnh dạn dùng người tài hơn là cứ đi tìm và bồi dưỡng, nhưng rồi... không dùng! Bởi lẽ dù có phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo mà không dùng thì trở nên lãng phí. Khi có chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài thì người tài sẽ tự xuất hiện và tự đào tạo để thành người tài. Việc dùng người tài phải coi đó là một hiện tượng, nếu không biết dùng thì theo quy luật thông thường, đất nước không bao giờ phát triển, nhưng để sử dụng được người tài thì phải tính đến hoàn cảnh, văn hóa, đặc điểm của mỗi quốc gia. Bên cạnh chính sách quan phương của Chính phủ thì cũng rất cần những chiến dịch phát động trong xã hội, các nhóm xã hội để lấy lại vị thế, danh dự, uy tín và sự trọng thị của xã hội với người tài. Bởi việc trọng dụng nhân tài, tôn trọng tài năng cần phải bắt đầu thay đổi từ cái gốc của nó - đó là nhận thức của xã hội và cộng đồng về một vấn đề có tính chiến lược cho sự phát triển của một quốc gia, dân tộc, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại có nhiều cạnh tranh cho phát triển như hiện nay.

GS. TSKH. Vũ Minh Giang

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo

Đại học Quốc gia Hà Nội

Bình luận