Pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày đăng: 01/01/2022 - 10:01

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data)… đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Việc ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt của mỗi người dân, cách thức đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp mà cả cách thức quản trị quốc gia của nhà nước. Đối với hệ thống pháp luật các quốc gia và pháp luật quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi sâu sắc tư duy, cách thức xây dựng, hoàn thiện nội dung của nhiều lĩnh vực pháp luật như sở hữu, quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tài chính, ngân hàng, bảo hộ dữ liệu cá nhân, an sinh xã hội, chính phủ số, quản trị công, chứng cứ số, tố tụng trực tuyến.

Làm gì để tận dụng những giá trị mà Cách mạng công nghiệp thứ tư mang lại, đồng thời có những giải pháp để giải quyết hay hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu cấp thiết đặt ra, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong bối cảnh đó, pháp luật đóng vai trò then chốt bằng việc tạo ra hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội mới phát sinh, giải quyết các vấn đề mới đặt ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cuốn sách Pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do PGS.TS. Đặng Minh Tuấn làm chủ biên

Những diễn biến mới của nền kinh tế chia sẻ; việc tạo lập, quản lý, chia sẻ các cơ sở dữ liệu thông tin (nhất là thông tin cá nhân); việc xuất hiện các loại tài sản mã hóa, các phương tiện thanh toán mới; việc xuất hiện các dạng tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm mới trên môi trường số làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh pháp luật mới mà hệ thống pháp luật truyền thống chưa dự liệu hết.

Việc ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số, xây dựng thành phố thông minh, đồng thời cũng đòi hỏi một nền tảng pháp lý thích hợp để triển khai các mô hình này. Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp thứ tư cũng tác động trực tiếp tới cách thức xây dựng và thực thi pháp luật, đòi hỏi việc xây dựng, thực thi chính sách phải nhanh chóng, kịp thời hơn. Dư địa để ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp thứ tư trong phân tích, dự báo, hoạch định, soạn thảo chính sách, pháp luật, tham vấn công chúng, thảo luận, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đều rất rộng lớn.

Những đánh giá về tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và tới pháp luật nói riêng cho thấy người dân, doanh nghiệp và Chính phủ cần phải có những hành động thích hợp và kịp thời để có thể thích ứng và tận dụng được các cơ hội từ sự phát triển của công nghệ, ứng phó với mặt trái của sự phát triển công nghệ, đồng thời để pháp luật trở thành công cụ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình này.

Cuốn sách Pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do PGS.TS. Đặng Minh Tuấn chủ biên, góp phần nâng cao nhận thức, tiếp cận  và cập nhật những vấn đề lý luận và thực tiễn thời sự về pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là công trình chuyên khảo nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn chính sách, pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên cơ sở đó đề xuất, khuyến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương.

 Chương I: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mối liên hệ với pháp luật, trình bày tổng quan về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thay đổi của pháp luật, các yêu cầu, quan điểm và cách tiếp cận đối với pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chương II: Tổng quan pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đi sâu phân tích Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, pháp luật hình sự, Luật Dân sự, pháp luật kinh doanh, pháp luật việc làm, tư pháp quốc tế… trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chương III: Một số vấn đề pháp lý cơ bản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung đề cập, phân tích một số vấn đề về: quyền con người, quản trị nhà nước, chính phủ điện tử, chính phủ mở, phòng, chống tham nhũng, phạm vi và giới hạn của tự do internet, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng… trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cuốn sách xuất bản ở thời điểm này đã bắt nhịp với vấn đề tiêu điểm của thời đại và được xem là một trong những công trình đầu tiên ở nước ta đề cập riêng đến chủ đề này. Đây không chỉ là tài liệu tham khảo cho nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên chuyên ngành luật tại các cơ sở đào tạo luật, mà còn dành cho các cán bộ thực tiễn và bất kỳ ai quan tâm đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bình luận