Phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

Ngày đăng: 07/09/2023 - 14:09

Sáng 07/9/2023, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng”.

GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Dự Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương… Hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan, tổ chức của các bộ, ban, ngành Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Học viện khu vực, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các trường đại học trong cả nước…

PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu Đề dẫn Hội thảo

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông tin, mặc dù công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam đã có những bước tiến, đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung, công tác này còn nhiều hạn chế, khuyết điểm; còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ… Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ.

Theo PGS.TS. Phạm Minh Sơn, trước bối cảnh mới của thế giới, khu vực và trong nước với những yêu cầu mới, đòi hỏi lý luận phải bám sát, cập nhật, khái quát hóa, phong phú hóa để có sức định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn. Nghiên cứu phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam phải có sứ mệnh nhận diện, phân tích kịp thời, chính xác, toàn diện thực tiễn phát triển của thế giới và đất nước; nắm bắt được nhu cầu khách quan và dự báo xu hướng vận động của thực tiễn; khái quát khoa học sự vận động có tính quy luật. Trên cơ sở đó, đề xuất những định hướng phù hợp, có tính khả thi để giải quyết hiệu quả các nhu cầu của thực tiễn. Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phải có nhiệm vụ mở đường cho những nhận thức, tư duy lý luận mới, cách làm mới. Trên cơ sở đó, xác lập một hệ thống tri thức mới vững chắc, khoa học, xứng tầm, bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng, tư duy lý luận của Đảng trong điều kiện mới.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trình bày tham luận với chủ đề: “Những điểm mới cần bổ sung, phát triển về các mối quan hệ lớn trong lý luận đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tới năm 2030 và 2045”

Đồng chí Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử trình bày tham luận với chủ đề: “Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với phát triển lý luận đổi mới Việt Nam và công tác truyền bá lý luận chính trị của Đảng: từ kinh nghiệm của Tạp chí Cộng sản”

Thiếu tướng, PGS.TS. NGND. Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng trình bày tham luận với chủ đề: “Khoa học xã hội và nhân văn với khoa học lý luận chính trị trong xây dựng quân đội về chính trị tinh, gọn, mạnh, hiện đại”

Hơn 80 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học được in trong Kỷ yếu Hội thảo và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất khẳng định, sự hình thành và phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam gắn liền với quá trình sáng lập và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khoa học lý luận chính trị được phát triển từng bước trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, có vai trò đặc biệt quan trọng trong cung cấp cơ sở lý luận khoa học để xác định và hoàn thiện đường lối của Đảng.

Sự phát triển của khoa học lý luận chính trị không những góp phần bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng điều kiện lịch sử cụ thể của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tôc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Trên tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đã chính thức đưa khoa học lý luận chính trị trở thành một trong bốn ngành khoa học quan trọng của nước nhà.

Nhiều bài tham luận đã đi sâu phân tích, đánh giá khách quan về thực trạng phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội Đảng lần thứ XIII với những nội dung như: Khoa học lý luận chính trị có chức năng quan trọng là nghiên cứu, bổ sung, phát triển và truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hệ tư tưởng thống trị; Khoa học lý luận chính trị không ngừng bổ sung, nghiên cứu sâu sắc về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong quá trình bảo vệ độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; Khoa học lý luận chính trị nghiên cứu, phát triển lý luận xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lợi ích giai cấp, dân tộc, có đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; Vai trò của công tác lý luận được nhấn mạnh và định hướng rất cụ thể gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện...

Tham gia Hội thảo với tham luận "Những điểm mới cần bổ sung, phát triển về các mối quan hệ lớn trong lý luận đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tới năm 2030 và 2045”, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, việc nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn hiện nay đã được Đảng ta thực hiện trong mối liên hệ hữu cơ với nhận thức và từng bước hoàn thiện 8 đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam cũng như 8 phương hướng lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà Cương lĩnh năm 2011 đã xác định. Giải quyết đúng đắn các mối quan hệ đã tạo ra bước chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được nhờ nhận thức đúng và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình nhận thức và giải quyết các mối quan hệ này, với những phân tích sâu sắc từng cặp "quan hệ đôi", "quan hệ ba" trong hệ thống 10 mối quan hệ lớn, trong đó chủ yếu là do những hạn chế trong nhận thức lý luận như chưa xác định đầy đủ nội hàm, giá trị và ý nghĩa của các mối quan hệ, nhiều mối quan hệ bị chồng lấn, bao trùm lẫn nhau về nội hàm, dẫn tới việc giải quyết các mối quan hệ còn chậm, lúng túng, chất lượng và hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực còn nhiều hạn chế. Từ đó, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm đặt ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận về các mối quan hệ lớn cũng như gợi ý về hướng điều chỉnh các mối quan hệ lớn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

PGS.TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tổng kết Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, các ý kiến tham luận, các bài viết của các nhà khoa học đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc, các đề xuất, giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo sẽ là cơ sở để Học viện xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý trong phát triển nền khoa học lý luận chính trị nước nhà trong thời gian tới.

Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm

Bình luận