Phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam
Tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội xảy ra ở tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một “quốc nạn”, một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong hệ thống các giải pháp trực tiếp và gián tiếp về phòng, chống tham nhũng thì hoạt động thanh tra là một trong những phương thức đấu tranh quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này.
Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương Đảng chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả rõ rệt, tạo bước chạy đà thuận lợi cho việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng nói chung, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thanh tra ở Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay vẫn còn hạn chế, bất cập nhất định, thậm chí xảy ra ngay trong chính cán bộ, công chức của ngành Thanh tra. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam. Cuốn sách chuyên khảo Phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đề cập tương đối toàn diện và có hệ thống về hoạt động thanh tra, về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở nước ta hiện nay.
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương:
Chương 1: Khái luận về hoạt động thanh tra, đề cập, phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về thanh tra như: khái niệm “thanh tra”, “hoạt động thanh tra”; phân biệt hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, hoạt động điều tra, hoạt động giám sát; phân loại hoạt động thanh tra; các yếu tố cấu thành hoạt động thanh tra (mục đích, nguyên tắc, đối tượng, nội dung, hình thức, quy trình, nghiệp vụ của hoạt động thanh tra, chủ thể tiến hành hoạt động thanh tra);
Chương 2: Tham nhũng và các hành vi tham nhũng có thể xảy ra trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam, tập trung luận bàn về tham nhũng và những hành vi tham nhũng có thể xảy ra trong hoạt động thanh tra. Ở chương này, tác giả đi sâu phân tích về việc nhận diện các hành vi tham nhũng có nguy cơ nảy sinh trong quá trình hoạt động thanh tra như: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;…
Chương 3: Cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra, phân tích cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra như làm rõ khái niệm, các nguyên tắc, chủ thể, nội dung phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra. Đặc biệt, nhấn mạnh quan điểm, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng; cơ sở pháp lý về phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra.
Chương 4: Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam hiện nay, tập trung phân tích, đánh giá thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân của những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập của công tác này.
Chương 5: Các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra ở Việt Nam hiện nay, đề xuất, luận giải tính khả thi của bốn nhóm giải pháp theo cách tiếp cận “bốn không” - hướng tới “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không muốn tham nhũng” và “không cần tham nhũng” trong hoạt động thanh tra. “Bốn không” bao gồm:
(1) Nhóm giải pháp “không thể tham nhũng”: tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng nói chung, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra nói riêng; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra; phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra.
(2) Nhóm giải pháp “không dám tham nhũng”: bao gồm các giải pháp có tính chất giáo dục; tính chất răn đe, trừng trị…
(3) Nhóm giải pháp “không muốn tham nhũng”: nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí, của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đối với phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra, thu hút sự tham gia chủ động, tự giác, tích cực của đông đảo người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra, định hướng hình thành, tạo lập dư luận xã hội phê phán, lên án các hành vi tham nhũng trong hoạt động thanh tra.
(4) Nhóm giải pháp “không cần tham nhũng”: trong đó có giải pháp riêng đối với cán bộ, công chức ngành Thanh tra đó là: trau dồi đạo đức cách mạng; học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Về phía Nhà nước, ngành Thanh tra, cần chú trọng đến cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức.
Cuốn sách là tài liệu chuyên khảo có giá trị phục vụ việc học tập, nghiên cứu; đồng thời là tài liệu hữu ích đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, nhất là cơ quan thanh tra ở Việt Nam.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”