Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài: Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta từ năm 1986 đến nay.
Đây là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có dung lượng lớn, đề cập nhiều vấn đề liên quan đến quá trình đổi mới và phát triển ở nước ta, góp phần làm sáng tỏ quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng, nhất là những nhận thức lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nội dung cuốn sách gồm 4 phần, 12 chương:
Phần thứ nhất, gồm 2 chương, phân tích tác động của tình hình thế giới và trong nước đối với công cuộc đổi mới, làm rõ thời cơ và thách thức, đặc điểm và ý nghĩa cùa công cuộc đổi mới ở Việt Nam
Phần thứ hai, gồm 3 chương, đề cập một cách có hệ thống về vai trò của lý luận và tư duy lý luận đối với công cuộc đổi mới; phân tích và bình luận về tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ trước đổi mới, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới.
Phần thứ ba, gồm 5 chương, bàn về đổi mới tư duy lý luận của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu của đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Phần thứ tư, gồm 2 chương, đánh giá tổng quát về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ đổi mới tư duy lý luận, những định hướng, giải pháp tiếp tục phát triển và hoàn thiện lý luận đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Với những nội dung trên, cuốn sách đã kết hợp tổng kết, hệ thống hóa các quan điểm lý luận của Đảng theo trình tự các văn kiện, nghị quyết từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội IX (2001) và các Nghị quyết Trung ương (khóa IX) với việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn địa phương để nhận biết tác dụng, hiệu quả của lý luận đối với thực tiễn, vai trò của thực tiễn đối với sự hình thành và phát triển lý luận của Đảng. Đồng thời kết hợp nghiên cứu và trình bày những vấn đề chung với những vấn đề riêng; kết hợp phân tích những nhân tố tác động và ảnh hưởng của thế giới, của khu vực trong bối cảnh quốc tế và thời đại ngày nay đối với cách mạng nước ta với những biến đổi của tư duy, ý thức xã hội, thực tiễn đổi mới và những nhận thức của Đảng về lãnh đạo, quản lý trong điều kiện kinh tế thị trường, dân chủ hóa và nhà nước pháp quyền, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đây cũng là một cố gắng bước đầu của các tác giả theo phương hướng và phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, trình bày, đưa ra những kiến giải và bình luận về quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng qua 20 năm thực hiện đường lối đổi mới. Với nhiều điểm sáng tạo đáng trân trọng, mang lại nhiều hiểu biết và thông tin bổ ích, cuốn sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức lý luận về đổi mới và vững tin vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.