Trình bày quan điểm về “dân chủ” trong tổ chức và quản lý đời sống xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyên khảo và chuyên luận. Tuy nhiên, nghiên cứu quan điểm về dân chủ trong giáo dục còn rất ít công trình. Nhằm giúp bạn đọc có tài liệu nghiên cứu về một vấn đề rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo - vấn đề bảo đảm tính dân chủ trong giáo dục, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục của TS. Võ Văn Lộc.
“Đây có thể coi là công trình đầu tiên có tính hệ thống về chủ đề này” là lời nhận xét trong Lời giới thiệu cuốn sách của PGS, TS. Đặng Quốc Bảo (nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo 1994-1998).
Trong cuốn sách, tác giả đã bám sát vào hành trình của Bác: từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành (1910) đến đồng chí Vương ở Quảng Châu (1924-1927), Thầu Chín ở Xiêm (1928-1929), rồi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Pắc Pó (1941) để chứng minh ở Người luôn luôn nhất quán phương châm: “Cách mạng là giáo dục và giáo dục là cách mạng”, cả hai lĩnh vực này đều phải thấm nhuần tinh thần dân chủ.
Tác giả có sự tìm tòi công phu để chứng minh: Hồ Chí Minh là người khai sáng nền dân chủ và giáo dục dân chủ mới ở Việt Nam. Người từng căn dặn: Thầy quý trò - Trò kính thầy, Thầy ham dạy - Trò ham học, Thầy dạy tốt - Trò học tốt.
Bằng sự trích dẫn lời dạy của Bác theo chủ đề rồi mô hình hóa, sơ đồ hóa, tác giả giúp người đọc sách nắm bắt được lôgíc tư duy và lôgíc nội dung trong quan điểm dân chủ của Bác Hồ đối với đời sống chung và đời sống giáo dục.
Nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong trường học, tác giả đề cập các các vấn đề: Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh - mục tiêu và biện pháp đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay; Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân chủ trong học tập; Hăng hái và thông suốt, dấu hiệu bản chất của đời sống dân chủ trong giáo dục; Mối quan hệ giữa học và tập; Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong công tác quản lý nhà trường; Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong kế hoạch; Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong lề lối làm việc; Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong tự phê bình và phê bình.
Cuốn sách gồm có 4 chương:
Chương 1: Từ thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: một chặng đường lịch sử.
Chương 2: Quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ.
Chương 3: Hồ Chí Minh, người khai sáng nền dân chủ mới và nền giáo dục dân chủ mới Việt Nam.
Chương 4: Nội dung chủ đạo trong hệ thống quan điểm Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục.
Với 292 trang sách, nội dung cuốn sách thực sự cần thiết cho mọi nhà trường, cho mọi cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình thực hiện cuộc đổi mới giáo dục đang diễn ra một cách sôi động như hiện nay.