Trên thực tế, xét từ bình diện địa - chính trị và địa - kinh tế, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai chủ thể có nhiều khác biệt. Trong khi Hoa Kỳ là một siêu cường với nhiều lợi ích cốt lõi ở quy mô toàn cầu thì Việt Nam là một quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Không chỉ vậy, nhờ quá trình phát triển quan hệ với các đối tác có thực lực và tiềm năng lớn trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam nhanh chóng vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài đã nhiều năm, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, việc Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác với các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị chủ chốt trên thế giới, đặc biệt là với Hoa Kỳ, đã tạo ra mối quan hệ ràng buộc, đan xen về lợi ích của các đối tác đó đối với Việt Nam và Việt Nam có thể khai thác “nhân tố nước lớn” trong từng mối quan hệ cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Vào ngày 11/7/1995, Hoa Kỳ đã chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lịch sử quan hệ giữa hai nước đã bước sang một trang mới. Từ sự dè dặt giữa trừng phạt và hòa giải vào thời tổng thống George H.W. Bush, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã bước sang một trang sử mới thông qua việc xác định “quan hệ hợp tác” với Việt Nam dưới thời tổng thống Bill Clinton đến chính sách hợp tác ở mức độ cao hơn và hướng đến cơ chế “đối tác ổn định, bền vững” của Tổng thống George W. Bush. Đến nay, Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam và Hoa Kỳ có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực và toàn diện. Trải qua gần 30 năm bình thường hóa quan hệ và 10 năm nâng tầm quan hệ lên thành “đối tác toàn diện”, những thành quả mà hai nước đạt được chỉ ra rằng: hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn bộ lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là xu hướng tất yếu và hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, thể hiện nỗ lực, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo hai nước.
Có thể nói, những bước tiến trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao đã tạo tiền đề để quan hệ hai nước thực sự mở rộng và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực khác, thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu theo đúng định hướng “đối tác chiến lược toàn diện”.
Việc nghiên cứu mối quan hệ chính trị Hoa Kỳ - Việt Nam sẽ góp phần nêu bật tính tất yếu và ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ này, đồng thời góp phần khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, giúp hiểu rõ hơn những thành tựu về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn 1995 đến nay sẽ giúp giải đáp chính xác nhất những biến đổi về chất trong mối quan hệ lịch sử bang giao của hai quốc gia.
Cuốn sách chuyên khảo Quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2020) của tác giả Đoàn Ngọc Tuấn và Trần Nam Tiến đã đưa ra những phân tích về các nhân tố tác động đến quan hệ chính trị hai nước, đánh giá những thành công và hạn chế, chỉ ra thuận lợi và thách thức, từ đó đưa ra những nhận xét và đánh giá về tiến trình phát triển của mối quan hệ trên.
Cuốn sách gồm 3 chương: Chương I: Những nhân tố tác động đến quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2020, giới thiệu tổng quan về những nhân tố tác động đến mối quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ, cụ thể là các nhân tố quốc tế và khu vực, vai trò và vị trí của hai nước trong hệ thống quốc tế và khu vực. Đồng thời, cung cấp cho bạn đọc hiểu rõ hơn những chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cũng như chiến lược toàn cầu mới của Hoa Kỳ thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, khái quát mối quan hệ chính trị Hoa Kỳ và Việt Nam giai đoạn 1975 -1995, từ đó, chỉ ra nguyên nhân thúc đẩy mối quan hệ chính trị Hoa Kỳ - Việt Nam.
Chương II: Thực trạng quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2020, cho thấy diễn biến mối quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995) đến năm 2020. Các tác giả tập trung vào những sự kiện quan trọng của quan hệ hai nước, cụ thể là việc hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và các vấn đề nổi lên trong quan hệ chính trị Việt Nam và Hoa Kỳ trong hoạt động ngoại giao, vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh (vấn đề POW/MIA, vấn đề dioxin/chất độc da cam…), cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ; quan hệ chính trị thúc đẩy quá trình bình thường hóa kinh tế và các lĩnh vực khác phát triển.
Chương III: Một số nhận xét và những vấn đề tồn tại trong quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2020, tập trung trình bày những đặc điểm của mối quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1995 - 2020; những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước như: về “ý thức hệ”, “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền”, các tổ chức phi chính phủ (NGO)… Trên cơ sở đó, các tác giả bước đầu đánh giá triển vọng của mối quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ trong những thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI.
Tái hiện bức tranh toàn cảnh về quan hệ chính trị Việt Nam - Hoa Kỳ từ năm 1995 đến năm 2020, trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa và trình bày một cách khoa học, có chọn lọc và phân tích, cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu hữu ích cho độc giả quan tâm đến vấn đề này; đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách có chiến lược phù hợp và đúng đắn trong hiện tại và tương lai.