Quan hệ Mỹ - Trung Quốc: Thăng trầm theo dòng lịch sử, văn hóa (Sách chuyên khảo)

Ngày đăng: 17/12/2021 - 08:12

Mối quan hệ quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc khá phức tạp, được nhìn nhận là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ XXI. Mối quan hệ này thể hiện đầy đủ và điển hình những đặc trưng của mối quan hệ nước lớn: vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, nhưng không để xảy ra chiến tranh, sẵn sàng thỏa hiệp để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của quốc gia. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc từ lâu đã được nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu, đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Cuốn sách chuyên khảo Quan hệ Mỹ - Trung Quốc: Thăng trầm theo dòng lịch sử, văn hóa của GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương, một học giả chuyên ngành Lịch sử thế giới có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và công tác trong ngành ngoại giao làm chủ biên, là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tiếp cận theo góc độ sử học và nhìn nhận theo góc độ văn hóa.

Cuốn sách được kết cấu thành 6 chương, mỗi chương là một giai đoạn lịch sử khác nhau của quan hệ Mỹ - Trung Quốc tính từ thời điểm trước khi Quốc dân Đảng nắm chính quyền đến nay. Chương 1: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời kỳ trước khi Quốc dân Đảng nắm quyền (trước năm 1921), không hẳn là quan hệ giữa hai quốc gia mà thực chất đôi bên tranh thủ lẫn nhau, coi nhau là các đối tác tạm thời, vì thế không có chính sách để duy trì quan hệ. Với những lợi thế của mình, Mỹ đứng ở vị thế cao hơn và có tiếng nói hơn trong tương quan với Trung Quốc. Chương 2: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc (1921-1949), là sự chồng chéo, đan xen diễn ra tương đối phức tạp và chịu ảnh hưởng mạnh của yếu tố ý thức hệ giữa quan hệ của Mỹ với chính phủ Bắc Dương, chính phủ Quốc dân Đảng và chính phủ Đảng Cộng sản. Chương 3: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời đến khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1949-1979), chuyển từ trạng thái đối đầu sang hòa dịu và tiến tới bình thường hóa quan hệ vào đầu những năm 1970, chủ yếu là những tiến triển trong lĩnh vực chính trị, còn các yếu tố văn hóa trong quan hệ giữa hai nước vẫn mang nặng tính đối kháng. Chương 4: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến khi Chiến tranh lạnh kết thúc (1979-1991), thể hiện rõ sự thực dụng, lợi dụng lẫn nhau, là giai đoạn minh chứng rõ nét cho đặc điểm hợp tác – cạnh tranh, đối tác – đối tượng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Chương 5: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc từ sau Chiến tranh lạnh đến năm 2012 (1991-2012), sự khác biệt về ý thức hệ làm gia tăng sự ngờ vực và cạnh tranh bắt nguồn từ những vận động địa – chính trị, khiến hai nước e ngại lẫn nhau, khó đạt được mối quan hệ ổn định. Song, cả hai nước đều có lợi ích to lớn trong việc duy trì và thắt chặt quan hệ với đối phương, vì vậy, các nhà lãnh đạo của hai nước cũng đã điều chỉnh tư duy, tìm kiếm con đường hợp tác, đối thoại thay cho đối đầu để tranh thủ các lợi ích thiết thực hơn từ đối phương. Chương 6: Quan hệ Mỹ - Trung Quốc từ năm 2012 đến nay, do những khác biệt về ý thức hệ và chế độ xã hội cũng như những va chạm trong mục tiêu chiến lược khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong giai đoạn này cơ bản vẫn diễn ra căng thẳng, tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng leo thang mâu thuẫn, cạnh tranh và khó có thể dung hòa trong thời gian ngắn.

Qua cách tiếp cận lịch sử và văn hóa, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương giúp độc giả nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện về mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong một quá trình lịch sử lâu dài, xuyên suốt. Đây là tài liệu chuyên khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, các học giả, nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên chuyên ngành lịch sử, ngoại giao và đông đảo độc giả quan tâm đến vấn đề này.

Bình luận