Sự tăng trưởng kinh tế ở mức trên dưới 10%/năm trong nhiều năm qua đã đưa Trung Quốc lên vị thế mới trên trường quốc tế. Để có được thành tích quan trọng như vậy, trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, đã có rất nhiều thay đổi cơ bản trong cơ chế, chính sách quản lý nền kinh tế quốc dân, mà một trong những thay đổi quan trọng nhất và thành công nhất là chuyển đổi cơ chế, chính sách quản lý tài chính. Quản lý tài chính rất quan trọng đối với quản lý của Chính phủ và nó là một bộ phận cấu thành quan trọng hoạt động quản lý của Chính phủ, Trung Quốc đã có nhiều cải cách về quản lý tài chính để cùng với đòn bẩy tiền tệ, tài chính trở thành bộ phận cốt lõi của hệ thống điều tiết vĩ mô của Chính phủ. Đây là những kinh nghiệm, bài học quý giá cho Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Trong quá trình đổi mới, cải cách mở cửa, Trung Quốc đã có sự thay đổi sâu sắc về thể chế và phương thức quản lý tài chính, thể hiện trên ba mặt:Một là, sự sáng tạo chế độ. Hai là, vận dụng đúng đắn chính sách tài chính phát huy tác dụng điều tiết, kiểm soát vĩ mô của tài chính. Ba là, dựa vào luật pháp để giải quyết vấn đề tài chính, thúc đẩy trình độ quản lý tài chính không ngừng nâng cao. Ba thế hệ tập thể lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đều hết sức quan tâm đến công tác tài chính, rất coi trọng vị trí, vai trò, tác dụng của quản lý tài chính trong quản lý kinh tế nhà nước. Tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, các bài phát biểu của Giang Trạch Dân hợp thành hòn đá tảng lý luận của khoa học lý luận tài chính hiện đại. Những nội dung quan trọng cần nắm vững để quản lý tốt công tác tài chính là: Tài chính có vị trí quan trọng trong hoạt động chính trị, kinh tế của nhà nước; Tài chính có vị trí và tác dụng quan trọng trong điều tiết kiểm soát vĩ mô của nhà nước; Sức mạnh tài chính nhà nước có liên quan chặt chẽ với sự hùng mạnh, ổn định và an ninh của nhà nước; Trong công tác tài chính cần chú ý giải quyết tốt các mối quan hệ, không những chú ý đến lợi ích kinh tế mà còn chú ý đến lợi ích chính trị, lợi ích xã hội.
Các vấn đề quản lý tài chính bao gồm: quản lý dự toán ngân sách, kho bạc nhà nước, chi tiêu công, bảo hiểm xã hội, thuế và phí, công trái, nợ quốc gia, vốn nhà nước tại doanh nghiệp,… được trình bày một cách đầy đủ, toàn diện trong cuốn sách. Bên cạnh đó, tác giả còn đi sâu phân tích những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay như quản lý tài chính trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế, quản lý kế toán, giám sát tài chính, tin học hoá trong quản lý tài chính,.. .
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, tìm hiểu những kinh nghiệm, bài học quý giá về cách thức, phương pháp quản lý tài chính của Trung Quốc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Quản lý tài chính của Trung Quốc dịch từ nguyên bản tiếng Trung của tác giả Hạng Hoài Thành, do Nhà xuất bản Kinh tế Tài chính Trung Quốc ấn hành.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Sách gồm 836 trang, giá bán 122.000đ./.
GIAO LINH