Quốc hội lo ngại ‘tội ác in lậu’
Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi. Ban hành năm 2004, Luật Xuất bản từng được sửa đổi lần đầu vào năm 2008. Dự luật lần này do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ tư, quốc hội khóa 13.
Một báo cáo năm 2010 của ngành xuất bản cho biết, 90% sách bày bán trên vỉa hè hiện nay là sách giả, sách lậu. Một tỷ lệ không nhỏ các ấn phẩm trái phép khác đang trôi nổi ở các ngõ ngách của thị trường. Theo các đại biểu, tình trạng ăn cắp trí tuệ diễn ra ngày một trầm trọng do Luật Xuất bản còn nhiều kẽ hở, thậm chí chưa có chế tài đủ mạnh đánh trực diện vào các hành vi vi phạm. Gọi nạn in lậu, làm sách giả là một thứ "tội ác", đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, loại tội phạm này đang ăn cắp trắng trợn lao động trí óc của người khác, phá hoại sự lành mạnh, phá hoại niềm tin trong xã hội, gieo rắc vào dư luận suy nghĩ là trong xã hội ta có thể lậu được, ăn cắp được, thậm chí ăn cướp được. Ông đề nghị, trong điều 10 (Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản) cần bổ sung điều khoản Cấm vi phạm sở hữu trí tuệ làm thiệt hại đến quyền lợi của cơ quan tổ chức, cá nhân khác. Ý kiến này nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu như Triệu Thị Nái (Hà Giang), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Phạm Văn Tấn (Nghệ An)…
Động thái rõ ràng nhất thể hiện quyết tâm ngăn chặn nạn in giả, in lậu của ban soạn thảo là dự luật "đòi" quản lý mọi cơ sở in ấn. Trước đây, chỉ có các cơ sở in xuất bản phẩm mới phải xin thêm giấy phép, nay theo Điều 31 của dự thảo, tất cả cơ sở in, ngoài giấy phép kinh doanh còn phải xin cơ quan quản lý xuất bản thêm giấy phép hoạt động in, bất luận họ chỉ có chức năng in bao bì, nhãn mác hàng hóa, ảnh, tờ rơi… Ý tưởng này vấp phải nhiều tranh cãi trái chiều. Trong số những ý kiến tán thành, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng việc các cơ sở in cũng hoạt động như một doanh nghiệp bình thường đã tạo kẽ hở cho nạn in lậu, do không có cơ quan chức năng kiểm soát nội dung xuất bản phẩm. Vì vậy, theo ông, siết chặt quản lý đối với tất cả đơn vị in ấn là điều cấp bách, cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khác cho rằng, cơ chế này sẽ làm "sống lại" nạn chạy "giấy phép con", làm nảy sinh hàng loạt tiêu cực, gây khó khăn cho hoạt động quản lý cũng như tạo sự cạnh tranh không lành mạnh cho những doanh nghiệp chân chính. Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thẳng thắn bác bỏ đề xuất này. Ông ví von: “Không thể hạn chế loại tội phạm giết người bằng dao bằng cách cấm ông thợ rèn”.
Ngoài sách giả, sách lậu, hiện trạng sách in tăng số lượng, thay đổi bản thảo, trốn nộp lưu chiểu… cũng đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Hậu quả này được cho là do xuất phát từ mối quan hệ cộng sinh nhà xuất bản - đối tác liên kết. Mới đây nhất, khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ bị tạm ngưng phát hành, nhà xuất bản Mỹ Thuật mới giải trình rằng, lỗi do đối tác liên kết Nhã Nam "không thực hiện đúng nội dung đọc duyệt và cấp phép của NXB". Cụ thể, theo NXB Mỹ Thuật, ban đầu Nhã Nam xin cấp phép tên sách là Thành ngữ sành điệu, sau đó khi in và phát hành ra lại thành Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh, và tự ý thêm vào một số tranh vẽ mà không có sự đồng ý của NXB.
"Sát thủ đầu mưng mủ" là ví dụ cho thấy sự bất cập trong mô hình nhà xuất bản - đối tác liên kết. |
Hiện nay, 70 - 90% số sách của các nhà xuất bản được thực hiện theo hình thức liên kết. Trong đó, hầu hết khâu, từ tìm kiếm, tổ chức, biên tập bản thảo đến in ấn, phát hành... đều do đối tác là công ty tư nhân thực hiện. Nhà xuất bản chỉ góp vào “cái giấy phép” và hầu như không nắm được chất lượng xuất bản phẩm. Hình thức này tạo điều kiện cho các nhà xuất bản dễ dàng “bán giấy phép” rồi ngồi mát ăn bát vàng, mặc cho đối tác “in gì thì in”. Còn các đối tác liên kết “làm một mình cực thân”, bù lại, họ có cơ hội lạm quyền nhà xuất bản, bằng cách tự tăng số lượng phát hành, tự ý thay đổi bản thảo… Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, dự luật cần quy định rõ trách nhiệm, đồng thời đề ra chế tài xử phạt nặng đối với các đối tác khi có sai phạm trong liên kết xuất bản.
Xuất bản điện tử được dự báo là tương lai của ngành xuất bản. Nhưng khảo sát "ở thì hiện tại" của Thư viện Quốc gia cho thấy, sách điện tử thậm chí đã lấn lướt sách giấy truyền thống. Hiện nay, mỗi ngày, Thư viện Quốc gia tiếp nhận khoảng 6.500 lượt yêu cầu đối với sách điện tử; con số này với sách giấy chỉ vào khoảng 2.000 lượt. Trong khi đó, báo cáo thực trạng của ngành xuất bản nêu rõ, gần như 100% sách điện tử chuyển từ sách in trên thị trường Việt Nam là không có giấy phép. Vì thế, nhiều đại biểu như Nguyễn Văn Minh (TP HCM), Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) đều tỏ quan ngại khi dự luật chưa có những quy định cụ thể và đầy đủ về xuất bản điện tử. Các nội dung hiếm hoi về lĩnh vực này được nêu ra trong điều 15 (Nhà xuất bản điện tử), lại bị đánh giá là “không cần thiết, bất khả thi và không phù hợp với xu hướng chung của thế giới). Khoản 2, điều 15 - quy định về điều kiện thành lập NXB điện tử - yêu cầu: “Có máy chủ đặt tại Việt Nam, có tên miền Internet Việt Nam để xuất bản trên môi trường mạng”. Đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng, quy định này sẽ làm khó các nhà quản lý. Hơn nữa, việc đặt ra điều khoản về thành lập NXB điện tử là không phù hợp. “Các nhà xuất bản tương lai sẽ thực hiện song song cả in sách giấy và in điện tử. Vì thế nếu quy định riêng một điều như dự thảo thì không phù hợp với xu thế trên thế giới và không thuận lợi cho hoạt động xuất bản của chúng ta trong tương lai trước yêu cầu hội nhập". Theo bà, thay vào đó, dự luật cần đặt ra các quy định chặt chẽ hơn về hoạt động xuất bản điện tử.
Đã sửa đổi đến lần thứ hai, xuất bản điện tử vẫn còn là một khái niệm khá mù mờ đối với dự luật. Thực tế này khiến cho các đại biểu, ngay khi dự thảo sửa đổi này chưa được thông qua, đã bắt đầu nghĩ đến khả năng "sửa nữa”. Trước đó, tại buổi thảo luận ở tổ, không ít ý kiến tỏ ra bi quan về tương lai ngành xuất bản. Sự lo lắng này dường như là có cơ sở, khi tại các cuộc thảo luận, đại biểu vẫn đang phải đau đầu tìm cách đối phó với tệ nạn xuất bản, chứ chưa có điều kiện tập trung bàn thảo các chính sách phát triển lĩnh vực này.
Nguồn:Lưu Hà (http://vnexpress.net)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023