Ra mắt bộ sách dành cho người khiếm thị
Sách dành cho người khiếm thị hoặc về người khiếm thị đang là khoảng trống của thị trường xuất bản hiện nay. Từ đó, thông tin cũng như sự hiểu biết của mọi người dành cho cộng đồng người khiếm thị cũng bị hạn chế một phần nào đó.
Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị là tên của một cuốn sách thật sự hữu ích với người khiếm thị, và đó cũng là tên chương trình giao lưu vừa được diễn ra sáng 17-11 tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong dịp này, Nhà xuất bản Phụ nữ và nhà tài trợ đã giới thiệu, đồng thời trao tặng bộ sách về khiếm thị, gồm 04 cuốn: Phương pháp dạy chữ nổi cho trẻ em, Phương pháp dạy chữ nổi cho thanh thiếu niên và người trưởng thành, Những khái niệm cơ bản về khiếm thị và Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị đến các trung tâm và mái ấm, những nơi có người khiếm thị đang sống và học tập.
Gần 30 năm trước, trên đường từ Biên Hòa trở về Thành phố Hồ Chí Minh thì ông Nguyễn Quốc Phong gặp phải một tai nạn khiến sau đó đôi mắt ông hoàn toàn không còn nhìn thấy. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Phong, từ một chàng trai 33 tuổi khỏe mạnh, chỉ sau một tai nạn, ông đã mất tất cả: mất đôi mắt, mất ánh sáng; mất cả ý chí, động lực sống.
Sau những ngày dài tự giam mình trong nhà, không tiếp xúc với ai, ông dần dần vượt qua thế giới của bóng tối để tiếp tục hành trình sống của mình. Đồng thời, sau đó ông thành lập Mái ấm Thiên Ân với mục đích giúp các em nhỏ khiếm thị ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện đi học, có điều kiện để tiếp cận nền giáo dục tương đối toàn diện và phù hợp, giúp các em có thể phát huy, có được những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để các em có thể vươn lên, vui sống và tự lập trong xã hội.
“Chúng tôi mong muốn giúp các em khai phóng những kho tàng quý giá đang ẩn sâu dưới những vỏ xù xì, méo mó; giúp các em khám phá ra giá trị bản thân, khám phá ra môi trường, những con người xung quanh để các em trân quý bản thân của mình, làm đẹp bản thân mình và làm đẹp cho cuộc sống cho xã hội”, ông Phong tâm sự.
Với tấm lòng và tâm huyết của mình, ông Nguyễn Quốc Phong đã dành ra nhiều năm để nghiên cứu các cách thức giúp người khiếm thị hòa nhập với cộng đồng. Mong muốn có thêm kết nối giữa hai miền “sáng và tối”, ông Phong đã tích cực nghiên cứu, dịch thuật, biên soạn tài liệu hữu ích cho cộng đồng khiếm thị Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất là cuốn sách Trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị của hai tác giả Dean W. Tuttle và Naomi R. Tuttle.
Theo Tiến sĩ Michael J. Bina, Giám đốc Trường Khiếm thị Hadley, cuốn sách thật sự đã lay động biết bao cuộc đời và lấp đầy khoảng trống trong khối kiến thức chuyên môn của chúng ta. Vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm ở chỗ nó đã làm cho đường đời trở nên sáng sủa và dễ hiểu nhờ tính thiết thực cụ thể của nó cho người khiếm thị, các gia đình, các giáo viên và các nhà tư vấn của họ.
Cùng với 03 cuốn sách còn lại đã tạo thành bộ sách hữu ích và thiết thực không chỉ dành cho cộng đồng người khiếm thị mà còn dành cho cả những người bình thường, giúp họ có thêm những thông tin và hiểu biết, từ đó có sự sẻ chia cũng như hỗ trợ kịp thời và phù hợp.
Bởi một lẽ, mất thị lực hoặc suy giảm thị lực là các trải nghiệm đau đớn, không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Người khiếm thị trong thời gian đầu cảm thấy bản thân vô dụng và bị lệ thuộc vào người khác, cho tới khi dần học được các kỹ năng ứng phó phù hợp. Người khiếm thị luôn phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những rào cản nội tại để thích nghi với hoàn cảnh, yêu thương bản thân và vươn lên trong cuộc sống.
Ứng xử, thái độ của người xung quanh ảnh hưởng không nhỏ tới cách người khiếm thị nhìn nhận năng lực và bản thân họ. Những tác động tiêu cực bên ngoài có thể làm tổn thương ý thức về phẩm giá và lòng tự trọng của người khiếm thị. Vì vậy, để trân quý bản thân và thích nghi với tình trạng khiếm thị, cộng đồng người khiếm thị rất cần tấm lòng cảm thông và chung tay của người sáng mắt.
Theo sggp.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”