Sách là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Venezuela
Bà Tatiana Pugh Moreno - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam cho biết, dù không thể có mặt trực tiếp tại Hội chợ sách quốc tế Venezuela, giới xuất bản và người dân Việt Nam luôn hiện hữu trong trái tim người Venezuela.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội chợ sách quốc tế Venezuela (FILVEN) sẽ diễn ra từ ngày 4/11 đến ngày 14/11 và Việt Nam là quốc gia khách mời danh dự.
Song, trước tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 không tạo điều kiện khả quan để giới xuất bản Việt Nam có mặt tại nước bạn, nên Đoàn đại biểu Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela, dẫn đầu là Đại sứ Lê Viết Duyên, sẽ thay mặt tham dự sự kiện.
Bà Tatiana Pugh Moreno - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam thông tin về cách thức tổ chức sự kiện cũng như vai trò của sách trong việc gìn giữ, xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Bà Tatiana Pugh Moreno - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam. Ảnh: VNA.
Sách giúp hai quốc gia thêm hiểu biết về nhau
- Theo bà, sách có vai trò như thế nào đối với mối quan hệ giữa hai quốc gia?
- Sách có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa hai dân tộc anh em như Việt Nam và Venezuela. Bởi trong trang sách chứa đựng lịch sử, văn hóa, cách nhìn nhận thế giới của mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, mảng sách văn học và lịch sử còn nói về những cuộc đấu tranh, lời răn dạy và cả niềm hy vọng của một dân tộc.
Chia sẻ những xuất bản phẩm giữa hai quốc gia còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với cái bắt tay trực tiếp. Với tôi, nó là cái ôm theo một cách rất đặc biệt, cầu nối văn hóa giúp hai bên nhìn thấu được nhau, thêm hiểu biết và ngưỡng mộ nhau hơn.
- Hội chợ sách quốc tế Venezuela tác động như thế nào đến đời sống văn hóa người dân Venezuela trước và trong đại dịch?
- Hội chợ sách quốc tế Venezuela là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng diễn ra ở đất nước tôi. Từ cuộc cách mạng Bolivar đến nay, chúng tôi đã nỗ lực rất lớn để thúc đẩy văn hóa đọc.
Sự kiện này theo truyền thống là một bữa tiệc, nơi gặp gỡ của hàng trăm nghìn người. Năm 2019, trước đại dịch, có 717.470 du khách tham dự.
Tổng thống Nicolás Maduro đã phát biểu trong buổi lễ bế mạc sự kiện rằng, Venezuela là dân tộc yêu chữ, ham hiểu biết và thích tranh luận. Hội chợ sách là minh chứng cho điều đó.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thay đổi trong khâu tổ chức. Tin tốt là Venezuela được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất ở khu vực Nam Mỹ nên tôi tin với các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine và ý thức tự bảo vệ bản thân, chúng tôi sẽ có một Hội chợ sách an toàn.
- Hội chợ sách lần này có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ hợp tác giữa ngành xuất bản hai nước?
- Sự kiện năm nay có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt vì nó được tổ chức trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 200 năm trận chiến Carabobo, đặt dấu mốc cho nền độc lập của Venezuela.
Đây sẽ là Hội chợ sách tôn vinh lòng dũng cảm, chủ quyền của một dân tộc còn nhiều khó khăn. Đó là lý do ở thời điểm quyết định quốc gia nào sẽ là khách mời danh dự năm nay, đã có sự đồng thuận nhất trí rằng đó phải là Việt Nam - một đất nước anh em, một dân tộc nhân nghĩa, dũng cảm, tấm gương lao động bền bỉ và phát triển khiến chúng tôi ngưỡng mộ.
Thông qua Hội chợ sách lần này, chúng tôi hy vọng mối quan hệ ngành xuất bản giữa hai nước sẽ được thúc đẩy, tăng cường đoàn kết, sẽ có nhiều đầu sách hơn được in bằng tiếng Tây Ban Nha và ngược lại. Chúng tôi cũng có thể xuất bản một số tác phẩm kinh điển của các bạn bằng tiếng Việt.
Hội chợ sách quốc tế Venezuela hàng năm luôn thu hút đông đảo người yêu sách. Ảnh: Fabiola Velasquez.
Nỗ lực hết mình để các xuất bản phẩm của Việt Nam có mặt tại FILVEN
- Vì dịch bệnh, quốc gia khách mời danh dự không thể có mặt, Ban tổ chức Hội chợ sách Venezuela có kế hoạch gì để triển khai sự kiện này?
- Ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã mơ ước về cảnh một đoàn gồm những trí thức, nhà thơ và giới xuất bản Việt Nam có mặt tại sự kiện. Phía Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam đang thúc đẩy sự tham gia ở hình thức trực tuyến với video và cầu truyền hình để mọi hoạt động của giới xuất bản hai nước có thể diễn ra trong khuôn khổ cho phép.
Bằng cách đó, Việt Nam sẽ hiện diện, giống như việc các bạn luôn có mặt trong trái tim của người dân Venezuela. Đại sứ quán chúng tôi hân hạnh mời những ai muốn gửi lời nhắn, bài thơ hoặc video bằng tiếng Việt hoặc tiếng Tây Ban Nha cho Ban tổ chức Hội chợ sách tại địa chỉ: filven2021vietnamvzla@gmail.com trước ngày 15/10/2021.
Chúng tôi sẽ lo việc chuyển ngữ và gửi tới Ban tổ chức Hội sách. Đến nay, chúng tôi đã nhận được các video của các bạn trẻ cùng thể hiện những bài hát truyền thống về cuộc sống ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được một số bài viết và thơ. Vì thế tôi khẳng định, Việt Nam, bằng hình thức nào đó, sẽ luôn có mặt tại Hội sách lần này.
Tôi được biết phía Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela cũng đang nỗ lực hết mình để dù trong đại dịch, một số lượng sách đáng kể của Việt Nam vẫn kịp thời trưng bày tại sự kiện.
Những xuất bản phẩm của Việt Nam được trưng bày sẽ chủ yếu hướng đến hai khía cạnh: Một là văn học nói trực tiếp về văn hóa Việt Nam (thơ ca, truyện ngắn, những tác phẩm đi từ kinh điển đến hiện đại). Hai là những chủ đề liên quan chính sách đối ngoại của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những vị anh hùng dân tộc khác.
- Gần ba năm giữ trọng trách Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở đây, bà đánh giá như thế nào về các xuất bản phẩm của Việt Nam?
- Việt Nam có một ngành công nghiệp xuất bản phát triển với nhiều ấn phẩm đặc sắc, từ tiếng Việt đến song ngữ, ngoại ngữ. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc được thông tin rằng, năm 2020, Việt Nam có hơn 33.000 đầu sách được xuất bản với 410 triệu bản, đạt doanh thu khoảng 117 triệu USD.
Hy vọng mối quan hệ ngành xuất bản giữa hai nước sẽ được thúc đẩy, có thêm nhiều đầu sách in bằng tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi cũng sẽ xuất bản một số tác phẩm của các bạn bằng tiếng Việt. Bà Tatiana Pugh Moreno |
Song, chúng tôi vẫn hy vọng rằng ngành xuất bản nước bạn sẽ xem xét nhiều hơn tới những thị trường sách tiếng Tây Ban Nha, bởi độc giả ở đây cũng là những người mong muốn tìm hiểu văn hóa, văn học Việt Nam.
- Theo bà, đâu là những chủ đề mà giới xuất bản Việt Nam nên đẩy mạnh phát hành để quảng bá trên thị trường sách tiếng Tây Ban Nha?
- Ở vị trí của một vị đại sứ, tôi chuyên tâm đọc và cho rằng các đầu sách về tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp và nghệ thuật đàm phán, những cuốn về các trận đánh lớn trong lịch sử, hay như cuốn Nhật ký trong tù của Bác Hồ là những ấn phẩm nên được quảng bá rộng hơn.
Cá nhân tôi khi đọc đã lĩnh hội được những lời dạy sâu sắc, giúp hiểu hơn về Việt Nam và tình yêu hòa bình, lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
Bên cạnh đó, tôi cũng ấn tượng với một số tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, trong đó có văn học thiếu nhi. Tôi tin một đứa trẻ biết đọc sẽ trở thành một người lớn khôn ngoan, có trách nhiệm và hành trang tốt để bước vào đời.
Chúng tôi, những độc giả Mỹ Latinh nói riêng và các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha nói chung, thực sự cần nhiều hơn sách của Việt Nam được dịch sang tiếng Tây Ban Nha.
Theo Zing.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”