Công tác ngoại giao luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững nền độc lập, tự chủ của dân tộc, củng cố môi trường hòa bình cho đất nước, tìm kiếm, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho sự phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Vì vậy, mỗi nguyên thủ quốc gia đều đặc biệt coi trọng công tác này và cố gắng tạo dựng một phong cách ngoại giao vừa mang dấu ấn riêng vừa phù hợp với tình hình, đặc điểm của đất nước, với bối cảnh chung của khu vực và thế giới.
Nếu như Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra thông điệp xuyên suốt “nước Mỹ trở lại”, coi ngoại giao là công cụ trọng tâm trong triển khai chính sách đối ngoại nhằm khẳng định quyết tâm giữ vững vị thế đứng đầu thế giới cũng như duy trì trật tự quốc tế “nhất siêu, đa cường”, thì tư tưởng ngoại giao của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là “trỗi dậy hòa bình”, “ngoại giao nước lớn”, vươn lên trở thành một cường quốc. Tư tưởng, sách lược ngoại giao này thường được ông biểu đạt dưới nhiều hình thức đa dạng, gắn với nền văn hóa truyền thống, lâu đời của Trung Quốc. Cuốn sách Sức mạnh ngôn ngữ ngoại giao của Tập Cận Bình do Tô Cách chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Giao thông Thượng Hải xuất bản năm 2018, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức phiên dịch, xuất bản tiếng Việt, khái quát phong cách và ngôn ngữ ngoại giao của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua các bài diễn văn trước công chúng, các bài phát biểu trong các chuyến thăm ngoại giao cấp nhà nước, các bài trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài… nhằm mục đích làm nổi bật quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay, cũng như ghi đậm thêm dấu ấn về phong cách ngoại giao của Tập Cận Bình.
Cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu tham khảo về đường lối, chính sách ngoại đối ngoại của Trung Quốc nói chung và dấu ấn của Tập Cận Bình - người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhà nước Trung Quốc nói riêng cho các lãnh đạo, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao và bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực này.
Để giúp bạn đọc tiếp cận nội dung sách một cách đầy đủ, cũng như tôn trọng chính kiến của tác giả, Nhà xuất bản đã cố gắng giữ đúng nội dung, văn phong của phiên bản gốc khi chuyển ngữ và coi đó là quan điểm riêng.