Tham khảo mô hình Ngự sử đài thời phong kiến trong việc hoàn thiện tổ chức thanh tra ở Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Ngày đăng: 22/10/2021 - 22:10

Ngự sử đài là cơ quan chuyên làm công việc giám sát ở triều đình, can gián nhà vua, đàn hặc các quan lại nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước, là một cơ quan đặc biệt, điển hình trong cơ cấu quyền lực của các triều đại phong kiến xưa ở Việt Nam. Cho đến nay, mô hình Ngự sử đài vẫn để lại cho chúng ta những giá trị lịch sử, kinh nghiệm quý báu trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh nghiệm về xây dựng, vận hành bộ máy hành chính nhà nước, các giải pháp hữu ích trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.

Tổ chức thanh tra nhà nước cũng chính là cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Do vậy, việc nghiên cứu mô hình Ngự sử đài có ý nghĩa tham khảo, đặc biệt trong vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, giúp ích cho Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cuốn sách Tham khảo mô hình Ngự sử đài thời phong kiến trong việc hoàn thiện tổ chức thanh tra ở Việt Nam

Cuốn sách Tham khảo mô hình Ngự sử đài thời phong kiến trong việc hoàn thiện tổ chức thanh tra ở Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ là tài liệu chuyên khảo gồm 4 chương. Chương I, tác giả luận giải những đặc thù trong tổ chức quyền lực của nhà nước phong kiến và sự hình thành, phát triển Ngự sử đài với tư cách là một thiết chế trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến ở Trung Quốc và Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra một số nhận xét về ưu điểm và hạn chế về tổ chức và hoạt động của Ngự sử đài trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam. Chương II, tác giả phân tích về tổ chức và hoạt động kiểm soát quyền lực của Ngự sử đài trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam như: mục đích thành lập và vị trí của thiết chế Ngự sử đài; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngự sử đài; thực tiễn hoạt động của Ngự sử đài trên một số lĩnh vực như: can gián Vua và đàn hặc quan lại; chống tham ô, nhũng lạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra nỗi u uẩn trong dân; đồng thời, tác giả nêu những nhận xét, đánh giá về tổ chức và hoạt động của Ngự sử đài trên phương diện là một thiết chế kiểm soát quyền lực trong nhà nước phong kiến Việt Nam. Chương III, tác giả luận bàn về những giá trị, hạn chế, bài học kinh nghiệm của thiết chế Ngự sử đài và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay. Bên cạnh các ưu điểm như: tổ chức bộ máy quy củ, có tính độc lập cao, quyền hạn lớn; quan Ngự sử hầu hết là những người có tài, có đức, liêm khiết, công tâm..., Ngự sử đài trong bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định: quy định pháp luật còn tản mạn, tư tưởng Nho giáo phong kiến chi phối, Ngự sử đài trực thuộc vua nên sự thành bại trong việc thực hiện vai trò của thiết chế này phụ thuộc rất lớn vào phẩm cách của nhà vua, vua anh minh thì vai trò của Ngự sử đài được phát huy và ngược lại. Chương IV, từ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn, tác giả nêu lên vấn đề vận dụng giá trị, kinh nghiệm của thiết chế Ngự sử đài trong nhà nước phong kiến vào việc hoàn thiện tổ chức thanh tra, tập trung vào hai nội dung: hoàn thiện, đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước và xây dựng mô hình Thanh tra Quốc hội.

Cuốn sách là tài liệu chuyên khảo quý, giúp độc giả có góc nhìn về những giá trị lịch sử của thiết chế Ngự sử đài trong kiểm soát quyền lực nhà nước thời phong kiến Việt Nam và những vấn đề có thể tham khảo, chọn lọc, vận dụng trong kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay.

 

Bình luận