Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược
Trên cơ sở đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ)” là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII mà Đảng, Nhà nước ta chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Dự thảo Văn kiện Đại hội XII xác định thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII, là sự nhất quán chủ trương tiến hành ba đột phá chiến lược được xác định từ Đại hội XI. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc vai trò thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng là những cơ sở, tiền đề rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa , mở rộng hội nhập quốc tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua) đã xác định ba đột phá chiến lược: Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Hai là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.
Trong 5 năm qua, đánh giá việc thực hiện ba đột phá chiến lược, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhận định: Ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước được cải thiện. Phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ đạt được những kết quả tích cực. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhận định, việc thực hiện ba đột phá chiến lược còn có những hạn chế, yếu kém. Đó là: Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ còn chậm; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu.
Với những thành tựu và hạn chế, yếu kém trong thực hiện ba đột phá chiến lược thời gian qua, cho thấy để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới mà Dự thảo Văn kiện Đại hội XII đã xác định: “Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Theo đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm này, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cần tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại, trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp theo hướng: Thể chế hóa quyền tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân được quy định trong Hiến pháp. Bảo đảm minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền giao dịch tài sản được thông suốt. Bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật; có cơ chế chính sách, phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Hoàn thiện thể chế nhằm phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, trong đó cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ những giải pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí; mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá; hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phát triển các loại thị trường, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại; cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt, phù hợp quy luật cung - cầu. Đổi mới mạnh mẽ thị trường khoa học-công nghệ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách và thể chế; đề cao vai trò phản biện xã hội và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả thực thi.
- Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nhân lực.
Trong 5 năm tới, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, trong đó tập trung đổi mới chương trình, nội dung theo hướng phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Tăng cường kỹ năng sống, nâng cao kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành; phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực nghiên cứu khoa học ở bậc đào tạo đại học, sau đại học. Đổi mới hình thức thi, kiểm tra nhằm đánh giá thực chất kết quả giáo dục và đào tạo ở các bậc học. Đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tiếp tục phát triển toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm việc giáo dục và đào tạo gắn với thực tế.
Tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục và đào tạo; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết quốc tế trong công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và xã hội.
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu; phát triển kết cấu hạ tầng ở địa bàn đô thị và những địa bàn còn khó khăn; huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế. Từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là ở các đô thị lớn.
Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống của hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, truyền tải và cung cấp điện, nước, thủy lợi, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế.
Trong điều kiện nguồn lực còn có hạn, cần tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là ở những khu vực, địa bàn có tiềm năng phát triển song kết cấu hạ tầng còn hạn chế, yếu kém; đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông ở các khu vực, địa bàn còn khó khăn.
Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là khâu xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quản lý bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, chống thất thu, lãng phí. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy các thành phần kinh tế, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Từ những vấn đề trên cho thấy, phải thật sự coi thực hiện ba đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII, phải làm và kiên quyết, làm bằng được. Đồng thời, cần nhận thức sâu sắc rằng, việc thực hiện nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, trong xã hội và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, sự khoa học trong tổ chức thực hiện, mà còn đòi hỏi sự chi phí, sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn lực của đất nước.
Để thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, ngay sau Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền giáo dục Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện ba đột phá chiến lược sâu rộng trong toàn quân cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhằm tạo nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trên cơ sở đó nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể hệ thống chính trị, của toàn xã hội đối với nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Đồng thời, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cơ quan nhà nước các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, lực lượng có liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cần thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Như vậy, việc xác định thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII, là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, nhiệm vụ trọng tâm này sẽ được thực hiện tốt, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ (*)
(*)Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự
Theo Báo Quân đội nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực