Sông Mê Kông là một trong những dòng sông lớn nhất và có lưu lượng nước lớn thứ 10 trên thế giới. Dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc chảy qua địa phận 5 quốc gia là: Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Mê Kông cũng được xem là một trong những dòng sông có hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản vô cùng phong phú. Là khu vực gắn chặt với một nửa số lượng thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiểu vùng Mê Kông mang giá trị địa - chiến lược, chính trị, kinh tế, an ninh đặc biệt quan trọng trong tương quan lực lượng của thế giới và có vị trí quan trọng trong chiến lược, chính sách đối ngoại của các cường quốc.
Trong những năm gần đây, hợp tác của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) đã gia tăng đáng kể. Nhờ vị trí chiến lược và tiềm năng tăng trưởng, khu vực lưu vực sông Mê Kông đã thu hút được sự quan tâm của các cường quốc và đối tác phát triển, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu. Tiểu vùng Mê Kông được đánh giá là khu vực thành công trong tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo trong ba thập niên qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các nước thuộc Tiểu vùng Mê Kông cũng phải đối mặt với không ít thách thức về cải thiện, nâng cao đời sống, văn hóa, khoảng cách phát triển giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông và các nước ASEAN “hải đảo”… cùng với việc một số nước Tiểu vùng Mê Kông đang ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào nguồn vốn đầu tư, thị trường đại lục, chịu sự thúc đẩy của các cơ chế hợp tác đa phương do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt. Điều này đặt các nước Tiểu vùng sông Mê Kông cũng như các nước khu vực ASEAN đứng trước những thách thức trong việc bảo đảm môi trường an ninh, hòa bình và ổn định, phát triển bền vững, bao trùm, vì sự thịnh vượng chung. Từ đó, đòi hỏi các nước Tiểu vùng Mê Kông cần thúc đẩy, xây dựng cơ chế hợp tác bảo đảm nền kinh tế ở từng quốc gia, khu vực, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng bền vững, bao trùm.
Là một quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông, Việt Nam có nhiều lợi thế về địa - chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, tận dụng được những lợi thế sẵn có này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực trong tương lai. Trong thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định vai trò và nâng cao vị thế của mình trong hợp tác Tiểu vùng, thúc đẩy hợp tác khu vực và quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước Tiểu vùng Mê Kông; thúc đẩy và tranh thủ các nội dung ưu tiên hợp tác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực quản lý, sử dụng bền vững sông Mê Kông.
Cuốn sách chuyên khảo Thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mê Kông hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm do Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành và TS. Bùi Thanh Tuấn đồng chủ biên, gồm 3 chương: Chương 1: Tiểu vùng Mê Kông - Giá trị địa - chiến lược và mối quan tâm của một số nước ngoài khu vực; Chương 2: Những cơ chế hợp tác ở Tiểu vùng Mê Kông; Chương 3: Thời cơ, thách thức và triển vọng tăng trưởng bền vững, bao trùm ở Tiểu vùng Mê Kông.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, có giá trị đối với các học giả, nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này. Độc giả có thể tham khảo sách tại Thư viện Quốc gia hoặc thư viện các tỉnh, thành phố trên cả nước.