Truyện về Hồ Chí Minh - Cuốn sách quý về cuộc đời Bác Hồ
“Tuy từng sống khá lâu ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ được phong thái của một người Việt Nam đích thực: tóc ngắn, râu dài. Y phục rất đơn giản, quanh năm mặc một bộ kaki Trung Sơn, đi giày vải, đội một chiếc mũ cát và không có bộ Tây phục nào”.
…
“Mỗi ngày, vào sáng sớm, ông nấu cơm trong một cái sanh bằng sắt tây đặt trên một ngọn đèn dầu với thức ăn thường là một con cá muối hoặc một mẩu xúc xích. Cơm nấu một lần, chia làm hai bữa ăn. Có hôm đồ ăn cho cả ngày chỉ là một mẩu bánh mì và một tí thịt lợn.
Ông sống ở một nhà trọ rẻ tiền trên phố công nhân. Căn phòng rất nhỏ, vừa đủ để kê được chiếc giường sắt bé tẹo (chiếc giường ấy là quá nhỏ so với một người lớn), một cái bàn nhỏ và một chiếc ghế. Đó là tất cả đồ đạc trong phòng, không còn gì khác và cũng không có chỗ để kê thêm bất cứ đồ đạc gì khác. Khi mùa đông đến, ông sưởi ấm bằng cách vào mỗi buổi sáng, trước khi ra ngoài, đặt một viên gạch lên trên bếp lò trong khu bếp của nhà trọ. Tối về, ông lấy viên gạch ấy ra bọc nó trong một tờ giấy báo cũ rồi đặt dưới nệm. Đấy là cái “lò sưởi” của ông”.
Những câu chuyện cảm động này cũng như toàn bộ hoạt động, cuộc đời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, bạn đọc có thể tìm đọc trong cuốn sách Truyện về Hồ Chí Minh. Ấn phẩm do Nguyễn Hải Hoành và Dương Trung Dũng dịch, PGS.TS. Lê Văn Toan hiệu đính.
Truyện về Hồ Chí Minh - Cuốn sách quý về cuộc đời Bác Hồ
Cuốn sách này được Trương Niệm Thức dịch từ một tác phẩm của Trần Dân Tiên, phát hành tháng 6/1949 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận thấy, đây là một cuốn sách rất có giá trị, góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Truyện về Hồ Chí Minh được “xây” từ 36 câu chuyện; mỗi câu chuyện được kể bởi những nhân vật được cho là đã từng làm việc, hoạt động cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoặc viết nên từ các tư liệu lịch sử phong phú khác nhau.
Nội dung cuốn sách khắc họa rõ nét con người và những cống hiến của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới đầu thế kỷ XX, một tấm gương sáng ngời về tinh thần quốc tế cao cả bác ái và đấu tranh không ngừng nghỉ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cuốn sách được kể bằng văn phong mộc mạc, cuốn hút, dễ hiểu, dễ nhớ; góp phần cung cấp nguồn tài liệu quý, làm sáng tỏ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nội dung cuốn sách cho thấy, vào giữa thế kỷ XX, lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối với các nước thuộc địa ở Á, Phi, Mỹ Latinh lúc bấy giờ.
Trong số 36 câu chuyện của cuốn sách, có không ít câu chuyện cảm động và ấn tượng. Trong đó đặc biệt ấn tượng là các câu chuyện kể về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp và bắt đầu tìm hiểu về những vấn đề lý luận chính trị. Lúc này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc rất tích cực tham gia và hoạt động sôi nổi trong các chương trình của Đảng Xã hội Pháp, đặc biệt là các cuộc míttinh bàn về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, chắt chiu, dành dụm tiền để tìm mua và đọc sách, báo; sau đó là học viết báo, và sáng lập ra báo Người cùng khổ (Le Paria) với tôn chỉ là khơi dậy tinh thần đấu tranh chống thực dân và sự đoàn kết của các dân tộc thuộc địa.
“Ngay từ thời điểm ấy, khi mà hệ tư tưởng và con đường cứu nước vẫn chưa hình thành rõ nét, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rất rõ vai trò của sách, báo, tạp chí với tư cách là công cụ truyền bá tư tưởng và là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng; muốn xây dựng, bảo vệ và phát triển tư tưởng cách mạng, nhất thiết phải có sách, báo, tạp chí cách mạng và những người “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Điều này vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và được Đảng ta kế thừa, phát triển trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước trong tình hình mới”, TS. Nguyễn Thị Trang, biên tập viên cuốn sách chia sẻ.
Với dịch giả Dương Trung Dũng, người biên dịch cuốn sách cũng là người tiếp cận, khai thác bản dịch quá trình tiếp cận bản dịch cuốn sách có nhiều cơ duyên thú vị. Vốn dĩ, cách đây khoảng 30 năm, từ khi còn là sinh viên, anh đã được nghe kể có một cuốn sách Truyện về Hồ Chí Minh được xuất bản ở Trung Quốc từ rất sớm, trước cả khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Anh luôn lưu tâm và nung nấu mong muốn tìm cho ra cuốn sách này nhưng không có manh mối nào để có được.
Năm 2012, Thư viện Quốc gia Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan, Trung Quốc) đăng trên mạng Internet bản scan toàn bộ cuốn sách về Hồ Chí Minh mà anh đi tìm bấy lâu nay. Anh tìm mọi cách để mua được cuốn sách gốc, nhưng đều thất bại. Mãi tới năm 2019, nhờ một tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử kiến trúc cổ học người Việt Nam đã học tập và làm việc ở Trung Quốc 16 năm, anh đã tìm được cuốn sách này. Nhưng do dịch bệnh Covid-19, mất một quãng thời gian dài dằng dặc chờ đợi, đến tận tháng 4/2022, anh mới nhận được.
Nói đến việc dịch thuật cuốn sách Truyện về Hồ Chí Minh, khi đọc bản thảo, Dương Trung Dũng nhận thấy đây thực sự là một tư liệu quý. Do đây là một tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nên anh quyết định mời Nguyễn Hải Hoành - một dịch giả tiếng Trung có kiến thức lịch sử, văn hóa rất sâu sắc, nhiều kinh nghiệm dịch thuật làm trưởng nhóm dịch.
Theo dịch giả Dương Trung Dũng thì khi anh đề nghị, dịch giả Nguyễn Hải Hoành nhận lời dịch cuốn sách với quyết tâm rất cao dù đã 82 tuổi và đang mang bệnh suy tim. “Bản dịch được thực hiện rất cẩn thận trong gần một năm mới hoàn thành. Chúng tôi vui mừng vì có một bản sách gốc, bổ sung thêm được các tư liệu mới về Hồ Chí Minh” - dịch giả Dương Trung Dũng bày tỏ.
Là nhà khoa học dành trọn cuộc đời mình với nghiên cứu Hán học, văn hóa, tư tưởng Phương Đông, đảm nhận vai trò hiệu đính của cuốn sách, PGS.TS. Lê Văn Toan (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, cuốn sách có thể do Trương Niệm Thức chuyển dịch từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Hán nên cách diễn đạt đảm bảo được tư tưởng, nhưng về câu chữ thì diễn đạt theo văn phong Hán ngữ, mang phong cách của văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc. Chính vì vậy, khi biên dịch và hiệu đính cần có cách chuyển ngữ sao cho vừa đảm bảo được tính chính xác về hàm nghĩa, đảm bảo được tính tường minh, khúc chiết, rõ ràng của một tác phẩm truyện ký, lại vừa phải mang đậm văn phong của tiếng Việt để tạo sự gần gũi và rung cảm của độc giả Việt Nam.
Theo PGS.TS. Lê Văn Toan, khi thực hiện công việc hiệu đính cuốn sách này, ông cảm thấy rất trân trọng, nên từng câu, từng từ trong tác phẩm này luôn được ông chú ý, quan tâm, xem xét trên các bình diện nội dung tư tưởng, phong cách nghệ thuật. "Thực hiện công việc này, tôi thấy đây là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang vì bản thân tôi nhận thức được, nếu làm tốt sẽ có đóng góp nhất định vào việc làm rõ nhiều điều mà phần đông mọi người chưa biết về Bác, quan đó nhận thức sâu sắc hơn về thân thế, cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của vị Cha già kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”