Từ thụ yếu quy: Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan
Nhận hối lộ là một dạng biểu hiện cụ thể của tham nhũng mà hậu quả của nó làm suy vong đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ của các cơ quan công quyền. Phòng chống, ngăn ngừa “quốc nạn” này, cha ông ta đã để lại rất nhiều bài học quý giá, trong đó, tác phẩm Từ thụ yếu quy của danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) viết năm 1867 được coi là tác phẩm kinh điển đầu tiên trên mặt trận phòng chống tham nhũng, là những lời tâm huyết để lại cho đời sau.
Cuốn sách Từ thụ yếu quy: Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan
Nội dung tác phẩm của Đặng Huy Trứ - một trí thức luôn day dứt với vận mệnh của đất nước, là bức tranh toàn cảnh đầy đủ nhất của nạn hối lộ, tham nhũng trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, đây cũng là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử tổng kết đầy đủ mọi mưu mô của nạn hối lộ tham nhũng diễn ra trên mọi phương diện của đời sống bao gồm các lĩnh vực: giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… dưới các hình thức và thủ đoạn không khác nhiều khi so sánh với tệ nạn hối lộ, tham nhũng đang hoành hành trong xã hội hiện tại. Từ thụ yếu quy gồm hai phần chính: Không thể nhận (từ) và Có thể nhận (thụ). Đặng Huy Trứ đã quan sát tỉ mỉ, tập hợp 104 kiểu hối lộ, tham nhũng điển hình phổ biến trong xã hội với 2017 điển tích dẫn chứng và 5 kiểu hối lộ có thể nhận. Ở phần đầu, không thể nhận (từ), tác giả phân tích và thống kê có 104 trường hợp được coi là hối lộ để cảnh báo người làm quan không được nhận, trong đó có 75 trường hợp dân thường hối lộ để được lợi lộc, 29 trường hợp là quan lại, hào lý, nhân viên nhà nước, con cái nhà quan đút lót để mưu cầu địa vị; tranh chấp đặc quyền; trốn tránh trách nhiệm; ẩn lậu thuế ruộng, thuế đinh; nhằm xóa nhòa tội ác của chúng đối với dân... như: Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử; Quan bị cách chức hối lộ được phục hồi chức; Địa phương hối lộ các quan đến thanh tra; Hối lộ các quan đi tra xét án kiện tụng; Đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ để cầu được che giấu; Kẻ thâu thuế cửa quan, bến đò hối lộ để lạm thu; Con buôn người nước ngoài hối lộ để cầu thân; Hối lộ để chứng nhận ruộng bị thiên tai; Nhận hối lộ của dân xin miễn cung cấp vật liệu; Thương nhân hối lộ để tiêu thụ được hàng hóa; Kẻ đi kiện hối lộ để cầu được kiện; Người bị tội hối lộ xin giảm, miễn tội; Người có tội hối lộ để giấu diếm tài sản; Kẻ phạm điều cấm, hối lộ để cầu được miễn truy tội; Nhà giàu vượt ra nước ngoài danh phận hối lộ cần được che giấu; Quan lại tham nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên… Trong 104 kiểu hối lộ không thể nhận ấy, mỗi kiểu Đặng Huy Trứ đều có dẫn giải, phân tích và dẫn chứng cụ thể. Điều thú vị là sau khi bàn đến các kiểu hối lộ, nêu ra nguyên nhân, tác hại và những điển tích minh chứng, Đặng Huy Trứ đều khẳng định “Thứ hối lộ ấy không thể nhận”, điệp khúc này như một lời nhắc nhở kiên quyết cho những người làm quan. Với cách tiếp cận rất tinh tế và thực tiễn, trong Phần thứ hai, có thể nhận (thụ), Đặng Huy Trứ cho rằng quan chức cũng có thể nhận quà biếu trong 5 trường hợp, đó là: Lễ Tết hằng năm; xong việc đến tạ ơn; người được tiến cử đến tạ ơn; thuyền buồm Nam - Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu; nhân việc vui buồn mà có đồ mừng riêng. Song, ông cũng khuyến khích: “Con cháu hiền của ta, nếu không mảy may nhận càn như ở 104 trường hợp nói ở trên, mà lại còn có thể nhất thiết khước từ cả 5 trường hợp ở phần sau thì nhân phẩm còn cao hơn ta gấp vạn lần”. Tuy vậy, ông vẫn khuyên khi nhận quà phải hết sức cân nhắc, chớ nhận của người coi kho, của bọn nha lại tham nhũng. “Nếu người đưa lễ vật có tính chất bợ đỡ thì phải khước từ tức khắc”; “Tuyệt đối không được dùng tình cảm để yêu sách, dụng ý mời để lấy lễ biếu, bày đặt yến tiệc để khéo móc túi người ta thì lại càng ngu quá lắm”. Đặc biệt trong hai trường hợp quan mới thăng chức và quan mới sinh con thì không được nhận lễ mừng. Ngoài hai phần chính “Không thể nhận” (từ) và “Có thể nhận” (thụ) thì sau mỗi phần này, Đặng Huy Trứ còn kèm theo hai đề mục là Tổng luận như một lời thức tỉnh lương tâm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc bởi đó là vẻ đẹp thiêng liêng của tâm hồn người Việt, là triết lý cộng đồng rất Việt Nam và Suy rộng ra để bàn thêm về những đức tính, phẩm hạnh không thể thiếu của những người làm quan.
Từ thụ yếu quy: Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan là cuốn sách thật đặc biệt, có một không hai nhằm phòng chống tham nhũng và giáo dục đạo đức cho quan chức ở mọi thời đại. Cuốn sách vừa là cẩm nang của thuật trị nước gửi gắm trong đó lòng mong ước của những sĩ phu, những người trí thức chính trực vừa là cẩm nang của nhân dân muốn chống lại nạn tham nhũng, hối lộ đang hủy hoại đạo đức xã hội và phẩm cách con người. Đọc Từ Thụ Yếu Quy, độc giả sẽ thấy như tay được nối dài, mắt được nhìn rộng - trong thời kỳ tham nhũng đang là “quốc nạn” này.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”