Lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử đặc biệt với những biến đổi sâu sắc về nhiều mặt. Sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp đã biến Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập thành một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Mâu thuẫn cơ bản bao trùm chính là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Do đó, vấn đề canh tân đất nước, tự cường dân tộc, để giải phóng nhân dân Việt Nam trở thành vấn đề cấp thiết nhất, được đặt lên hàng đầu. Trước yêu cầu cấp thiết của lịch sử, một số nhà tư tưởng như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã chủ trương tiến hành canh tân đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, do những hạn chế về điều kiện lịch sử, quan điểm tư tưởng và lập trường giai cấp, tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn mang tính duy tâm, thể hiện tính cải lương cũng như ý chí chủ quan của những nhà Nho cấp tiến nên đa phần những biện pháp canh tân không được những nhà cầm quyền chấp nhận, không trở thành hiện thực hoặc không hiệu quả, nhưng tư tưởng canh tân ở Việt Nam giai đoạn này đã để lại những bài học ý nghĩa và các giá trị có tính tham khảo đối với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Cuốn sách Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và hàm ý chính sách đối với nước ta hiện nay của TS. Trần Thị Hoa - giảng viên bộ môn Lý luận chính trị, Khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đi sâu nghiên cứu tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh; phân tích, luận giải những nội dung cơ bản và đặc điểm chủ yếu của tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ đó, nêu bật những giá trị và hạn chế trong nội dung tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; rút ra những bài học lịch sử bổ ích và thiết thực đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.