Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Với ý nghĩa lớn lao đó, Đại Hội đồng UNESCO Khóa họp lần thứ 24 tại Pari đã thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất" vào năm 1990.
Việc UNESCO tổ chức kỷ niệm và tôn vinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại.
Để có một văn bản tiếng Việt chuẩn về việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (1945-2013) - "Lâu đài Trí tuệ và Văn hóa của nhân loại", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.
Cuốn sách giới thiệu một số hiểu biết cơ bản về Đại Hội đồng UNESCO tổ chức kỷ niệm các danh nhân; một số bài phát biểu quan trọng của các nhà lãnh đạo Tổ chức UNESCO về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt là văn kiện gốc Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích từ Tập biên bản của Đại Hội đồng UNESCO Khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, quyển 1: Nghị quyết. Tập biên bản này được UNESCO xuất bản đồng thời bằng sáu thứ tiếng: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Arập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga.